Độc giả Thanh Tâm chia sẻ trường hợp nghỉ việc tại Mỹ.
Tôi ở Mỹ, khi nộp đơn thông báo nghỉ việc trước 7 ngày theo hợp đồng, chủ gọi lên năn nỉ đừng nghỉ và ̣đề nghị tăng lương lên 15%. Tôi từ chối và trở về phòng làm việc.
Khoảng một giờ sau, phòng kế toán kiểm tra lương và các khoản tiền thưởng, tiền tiết kiệm và nói "hôm nay là ngày cuối của anh và anh có một giờ để thu xếp rời khỏi văn phòng".
Sau đó một kỹ thuật viên đến khóa máy tính của tôi. Một giờ sau tôi rời công ty với những đồ đạc của mình, và người của công ty áp giải tôi ra bãi đậu xe như tội phạm.
Theo tôi đi làm mục đích là kiếm tiền, ông chủ mướn mình chẳng qua là mình làm ra tiền cho ổng, chẳng ai nợ ai. Chỗ nào trả lương hợp lý, môi trường làm việc tốt thì làm, không thì đi chổ khác.
Tình là tình, tiền là tiền hai thứ đó không có gì phải nhầm lẩn. Khi công ty hết việc thì họ cũng đuổi thẳng, tay đâu có nuôi mình ngày nào đâu. Đi làm là để kiếm tiền chứ không phải kiếm tình người và ông chủ mướn nhân viên cũng vậy thôi.
Độc giả có nickname Susibi chỉ ra hai trường hợp khi nộp đơn xin nghỉ việc thì sẽ có hai trường hợp:
1. Đa phần bạn sẽ được thanh lý hợp đồng trong vòng một tuần hoặc theo mong muốn nghỉ sớm của bạn. Công việc trưởng nhóm hoặc quản lý sẽ tự biết chuyển cho ai sau khi bạn nghỉ.
2. Bạn đang nắm giữ công việc khá quan trọng mà công ty chưa có người để chuyển giao thì bạn sẽ làm việc từ một tháng đến 45 ngày nữa rồi nghỉ. Tất nhiên ở trường hợp một, đa số nhân viên ngay cả vị trí quản lý cũng đều có thể được áp dụng.
Độc giả Hải Đông nhấn mạnh về thái độ khi nghỉ việc:
1. Bạn có báo công ty đúng luật khi nghỉ việc không: trước 30 ngày đối với hợp đồng lao đồng có thời hạn, 45 ngày đối với hợp đồng lao động vô thời hạn.
2. Bạn có làm hết trách nhiệm trong thời gian chờ bàn giao nghỉ việc không: hoàn thành việc, hướng dẫn người mới...
3. Hỗ trợ công ty cũ sau khi nghỉ, cái này là tình nghĩa, chứ không thể nghỉ rồi mà cứ hàng ngày gọi người ta nhờ giải quyết công việc mãi được.
Còn chuyện tình cảm thì xin lỗi, thế giới ngày càng phẳng, bạn làm hưởng lương, bạn làm tốt hưởng lương tốt, nếu bạn ra đi có nghĩa là bạn không thỏa mãn công ty về vấn đề gì đó, ở lại cũng lấn cấn.
Và khi bạn có chuyện, công ty có đùm bọc bạn không hay sa thải theo luật lao động. Nên thị trường lao động là thuận mua vừa bán. Bạn làm ra lợi nhuận là đã đóng góp vào phần tiền làm giàu cho ông chủ rồi.
Một số độc giả đưa ra lời khuyên khi có ý định nghỉ việc:
Chỉ các bạn trẻ mới đi làm thì mới lo "bội bạc" với công ty thôi. Tôi có vài lời khuyên các bạn trẻ: Hãy chuyên nghiệp khi đi làm cũng như khi xin nghỉ. Khi đi làm cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất.
Chúng ta đi làm là để kiếm tiền, chứ không kiếm bạn, cho nên: Tránh kể chuyện đời tư ở công sở, mất thời gian làm việc. Chúng ta đi làm để có tiền, nên lương phải xứng đáng mới làm, đừng làm từ thiện cho chủ để ảnh hưởng gia đình.
Khi tìm được việc tốt hơn, cứ làm đơn thôi việc và nghỉ đàng hoàng. Đừng lo chuyện bội bạc, một công ty không phải nhà hay gia đình của ta mà lo bội bạc, họ sẽ tìm ra người thế chỗ ta trong nháy mắt nhé. Tóm lại: kiếm tiền là để lo cho gia đình, đừng thừa sức lo cho thiên hạ.
Thời buổi này thì tình nghĩa cỡ nào thì đi làm cũng chỉ để lãnh đồng lương. Cứ quan niệm sòng phẳng theo lý, theo luật. Hợp thì đồng hành với nhau, không hợp thì chia tay (theo luật).
Người làm công thì là kẻ bán sức làm để kiếm tiền, người chủ thì là kẻ trả tiền để mua sức người làm công. Doanh nghiệp trả thưởng doanh số, thưởng năm... các loại thưởng cứ quan niệm rõ là như hoa hồng cho hiệu quả công việc. Cứ đa tình đa cảm quá thì đôi khi lại khó xử lý trong sự nghiệp, mà sự nghiệp việc làm thì là nguồn thu của bản thân và gia đình, nó quan trọng hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.