Chào mời mức lương 15-35 triệu đồng mỗi tháng trên các trang tuyển dụng online, nhiều công ty dự án điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Gia Lai đang tích cực tìm kiếm nhân sự cho nhiều vị trí như: kỹ sư vận hành, kỹ sư thiết kế, quản lý dự án, chỉ huy trưởng dự án.
Yêu cầu cơ bản bao gồm chuyên môn hệ thống điện, kỹ thuật điện – điện tử, tự động hóa hay điện công nghiệp; Chỉ huy trưởng, quản lý dự án cần thêm kinh nghiệm từ 3 năm, khả năng lãnh đạo nhóm.
Chuyên viên tư vấn ngành năng lượng tái tạo, chị Hà Mi (quận 1, TP HCM) cho biết các kỹ sư vận hành đang thiếu. "Nhu cầu lớn nhất là các kỹ sư vận hành chuyên môn sâu. Nhiều doanh nghiệp thường tuyển từ ngành điện truyền thống sang", chị nói.
Cùng với đó, công nhân bảo trì - bảo dưỡng và vận hành không dễ tìm. Để lau bụi pin mặt trời và kiểm soát an toàn, công nhân phải tham gia các khóa đào tạo làm việc trên cao, không phải ai cũng có thể đảm nhiệm.
"Công việc này thường diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như nắng nóng nên vất vả. Công nhân tuyển được đang 'quý như vàng', lương trên 10 đến dưới 20 triệu đồng", chị nêu.
"Báo cáo lương thưởng phúc lợi 2024 tại Việt Nam" do hãng tuyển dụng Talentnet vừa công bố tại sự kiện "The Makeover 2024 - Foster Green Dynamics" mới đây cho biết năng lượng tái tạo là ngành có mức tăng lương cao nhất năm nay, đạt tỷ lệ 7,2%. Hồi 2023, ngành này xếp vị trí thứ 3 và dẫn đầu bởi công nghệ cao.
Theo Talentnet, có 3 nhóm tuyển dụng đang "hot" gồm: kinh doanh (Giám đốc Phát triển Kinh doanh/Giám đốc Kinh doanh/Giám đốc Đối tác), yêu cầu ứng viên có mối quan hệ tốt với các đối tác, tùy loại dự án năng lượng tái tạo.
Thị trường cũng "khát" ứng viên có kinh nghiệm và mối quan hệ tốt với các chủ đầu tư khu công nghiệp để triển khai các dự án điện mặt trời áp mái, có khả năng xây dựng mối quan hệ với EVN. Ngoài ra, doanh nghiệp hiện tìm quản lý tài sản, nhiệm vụ phân tích các yếu tố tài chính của dự án, đánh giá dòng tiền và lợi nhuận.
Ở nhóm kỹ thuật, được săn đón là Giám đốc Vận hành và Bảo trì (O&M), Giám đốc Kỹ thuật, và Chuyên viên Phân tích Nguồn lực Gió (WRA). "Lương kỹ sư ngành này cao hơn 40% so với các ngành khác, trung vị một tháng khoảng 35 triệu đồng. Dự đoán mức tăng lương tiếp tục cao trong năm 2025 bởi đang là ngành 'hot', theo xu hướng trên toàn thế giới", đại diện công ty nhận định.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Việt Nam sử dụng điện nhiều thứ hai Đông Nam Á. Dự báo tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo tại đây khoảng 20% trong 10 năm tới, mở ra cơ hội đầu tư lớn. Người trong ngành cho rằng nhu cầu lao động tăng khi đang có những tín hiệu chính sách tích cực gần đây.
Chị Hà Mi nói công việc ngành này trở thành xu hướng nổi bật do sự chuyển mình tất yếu về kinh tế xanh và cam kết Net Zero của Chính phủ. Quy hoạch điện VIII cũng là một trong những mắt xích quan trọng định hướng hoạt động sản xuất điện chuyển dịch từ các nguồn hóa thạch sang tái tạo.
Đầu tháng 7, Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các nhà sản xuất năng lượng tái tạo được phép bán điện trực tiếp cho các khách hàng tiêu thụ điện trung bình từ 200.000 kWh mỗi tháng. Động thái được gần 40% doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam mong hưởng lợi, theo khảo sát của EuroCham.
Chuyên đầu tư và cung cấp các giải pháp năng lượng phân tán/tại chỗ trong phạm vi cả nước như điện mặt trời áp mái, pin tích trữ, tiết kiệm năng lượng, Nami Distributed Energy đang tìm kiếm thêm nhân sự ở cả 3 miền cho các bộ phận như: đầu tư, phát triển dự án, quản lý dự án và quản lý tài sản.
Ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch công ty cho biết nhu cầu diễn ra trong bối cảnh công ty vừa nhận vốn đầu tư quốc tế để tăng quy mô vào thời điểm có các tín hiệu chính sách tích cực. Đầu tháng 7, công ty quản lý quỹ Clime Capital (Singapore) đã công bố khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD vào Nami Distributed Energy.
Ở phía cung, nhân sự Việt Nam có thể đảm nhận hầu hết các vị trí trong dự án năng lượng tái tạo. Theo Talentnet, từ năm 2018, lĩnh vực này mở ra nhiều cơ hội cho nhân sự từ các ngành khác. Các vị trí phát triển kinh doanh (BD) không yêu cầu nhiều về nền tảng chuyên môn mà quan trọng là mối quan hệ và khả năng thuyết phục. Các vị trí kỹ thuật thì ứng viên có thể chuyển đổi từ các ngành dầu khí, xây dựng, cơ điện và công nghiệp nặng.
Tuy nhiên, một số vị trí đòi hỏi về bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm đặc thù thì Việt Nam chưa cung cấp được do các trường đại học chưa có ngành đào tạo riêng, thiếu cập nhật về các tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế để hành nghề.
Ông Lưu Hoàng Hà đánh giá nhân sự trong nước đã đáp ứng rất tốt các công việc liên quan đến điện mặt trời, cả trên mặt đất và áp mái. "Với điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cần thêm thời gian để nhân sự trong nước đảm đương được ngày càng nhiều trọng trách phức tạp", ông nói.
Ngoài ra, với quy mô lớn của thị trường năng lượng Việt Nam, các nhân sự chất lượng cao quốc tế cũng sẽ đến tìm cơ hội. Đây là tiền đề để các lực lượng trong nước tiếp cận, học hỏi và phát triển. Tín hiệu tích cực của thị trường cũng tạo động lực cho các cơ sở đào tạo đầu tư thêm cho lĩnh vực này, theo ông Hà.
Thậm chí, nếu chính sách cho năng lượng tái tạo hoàn chỉnh hơn, giới tuyển dụng cho rằng nhu cầu còn có thể bùng nổ. Talentnet cho hay nhu cầu nhóm phát triển kinh doanh phụ thuộc nhiều vào các chính sách của chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô. Các vị trí bán hàng, phát triển dự án hiện cầm chừng để chờ đợi chính sách.
Chị Hà Mi cho rằng nhu cầu tuyển dụng tăng, mặt bằng lương có cải thiện dần nhưng tính về thu nhập tuyệt đối thì ngành năng lượng tái tạo cũng không phải hàng đầu và chưa thể so sánh với lĩnh vực IT. Điều này phần nào do khả năng chi trả của doanh nghiệp có giới hạn khi môi trường kinh doanh thiếu suôn sẻ. "Thực tế cho thấy cơ hội kinh doanh hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của ngành, do một số điểm nghẽn về chính sách", chị nói.
Viễn Thông