Ngày 24/2, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết vào mùa xuân, số lượng các ca cấp cứu do ngộ độc nấm tăng hơn so với các mùa khác trong năm. Lý do, tiết trời nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm hoang phát triển, số người dân hái về ăn nhiều hơn.
Gần đây nhất, sáng 17/2, các anh em họ trong cùng gia đình ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào rừng kiểm tra đàn bò và nhìn thấy nấm đẹp, ngon. Họ hái về nấu canh cho cả gia đình cùng ăn trong bữa trưa ngày 18/2. Sau ăn khoảng 12 tiếng, 6 người nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy, nhập viện. Một người tử vong, một trường hợp nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ Tình, trên lâm sàng, nấm được chia thành hai loại, dựa trên thời gian gây độc (xuất hiện triệu chứng sau khi ăn nấm), bao gồm: loại nấm gây ngộ độc sớm (biểu hiện bệnh trong 6 giờ sau ăn) và loại nấm gây ngộ độc muộn (biểu hiện ngộ độc sau 6-40 giờ).
Loại ngộ độc sớm dễ phát hiện, điều trị kịp thời nên ít nguy hiểm. Loại ngộ độc muộn dễ bỏ sót hoặc đến viện muộn nên tỷ lệ tử vong cao.
Bác sĩ liệt kê 4 loại nấm phổ biến tại Việt Nam, trong đó hai loại cực độc, biểu hiện ngộ độc muộn, tỷ lệ tử vong cao, bao gồm:
Nấm độc tán trắng
Tên khoa học loại nấm này là amanita verna, chúng mọc thành cụm hoặc đơn chiếc trong rừng và một số nơi khác. Đặc điểm nhận dạng là mũ nấm màu trắng, bề mặt nhẵn bóng đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5-10 cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống. Phiến và cuống nấm màu trắng, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Do bề ngoài nấm tán trắng rất mập, trắng, người dân dễ nhầm với các loại nấm ăn được.
Cây chứa độc tố chính là amatoxin, không mất khi đun sôi hoặc sấy khô, gây phá hủy tế bào, đặc biệt là tế bào gan dẫn đến suy gan cấp. Triệu chứng đầu tiên sau ăn nấm xuất hiện muộn (6-40 giờ), trung bình khoảng 10-12 giờ với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nạn nhân xuất hiện suy gan, suy thận (vàng da, tiểu nhiều, tiểu ít, hôn mê) và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nấm độc trắng hình nón
Tên khoa học là amanita virosa, trông gần giống nấm độc tán trắng. Khi trưởng thành, mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4-10 cm. Loại nấm này cũng chứa độc tố amatoxin, triệu chứng xuất hiện muộn, dễ gây tử vong nếu không được phát hiện kịp.
Ngoài hai loại trên, bác sĩ cho biết thêm hai loại khác cũng gây độc mạnh, song triệu chứng có thể xuất hiện sớm, trước 6 giờ sau ăn, nên dễ phát hiện, tỷ lệ tử vong thấp hơn, bao gồm:
Nấm mũ khía nâu xám
Tên khoa học là inocybe fastigiata, có mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh xuống mép mũ. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ thành các tia riêng rẽ, đường kính mũ nấm 2-8 cm. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng, gắn chặt vào cuống, khi già có màu xám hoặc nâu, tách rời khỏi cuống. Cuống nấm có màu từ hơi trắng đến vàng nâu, dài 3-9 cm, thịt nấm màu trắng.
Loại nấm này có độc tố chính là muscarin, tác động lên hệ thần kinh, gây các triệu chứng như vã mồ hôi, khó thở, thở rít, mạch chậm, hôn mê, co giật. Triệu chứng xuất hiện sớm (trong 6 giờ sau ăn) nên dễ dàng phát hiện hơn.
Nấm ô tán trắng phiến xanh
Tên khoa học là chlorophyllum molybdites, mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính 5-15 cm, trên bề mặt mũ có các vảy mỏng màu nâu bẩn dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ.
Đây là loại nấm thuộc nhóm chất độc kích thích đường tiêu hóa dạ dày, ruột. Chất độc tác động nhanh chóng gây buồn nôn, ói mửa, đau bụng, chuột rút và tiêu chảy. Triệu chứng xuất hiện sớm sau ăn trước 6 giờ và giảm dần cho tới 2-3 ngày.
Theo bác sĩ Tình, rất khó phân biệt nấm thường và nấm độc về màu sắc, mùi vị, ngay cả nấm độc cũng có mùi vị thơm và dễ ăn.
Bên cạnh đó, một số quan niệm sai lầm người dân cần tránh hiện nay, như: Nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, những loài nấm gây chết người lại có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón).
Một số người thử cho động vật ăn trước, nếu không chết là nấm không độc, song điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa. Với một số loài côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên, độc tố nấm không tác dụng.
Thúy Quỳnh