Các loại vaccine Covid-19 đã được chứng minh đủ an toàn và hiệu quả phòng ngừa virus. Tuy nhiên, giống với bất cứ dược phẩm nào khác, chúng luôn đi kèm tác dụng phụ. Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các hãng dán nhãn cảnh báo bên ngoài mỗi lọ vaccine. Điều này giúp nhân viên y tế dễ dàng sàng lọc người được phép tiêm chủng dựa trên bệnh lý nền.
Ngày 25/6, vaccine Pfizer và Moderna được FDA bổ sung cảnh báo về rủi ro viêm tim hiếm gặp vào tờ thông tin đính kèm.
Tính tới 11/6, Hệ thống Báo cáo Biến cố bất lợi Vaccine của Mỹ ghi nhận hơn 1.200 ca viêm tim hoặc viêm màng ngoài tim. Các ca viêm tim xuất hiện nhiều, triệu chứng rõ rệt ở tuần thứ hai sau tiêm, phổ biến hơn với nam giới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 309 người nhập viện, hầu hết dưới 30 tuổi. Cơ quan cho biết bệnh nhân thường hồi phục tốt sau khi được điều trị. Hiện 295 người đã xuất viện.
Tiến sĩ Tom Shimabukuro, Phó giám đốc Văn phòng An toàn Tiêm chủng của CDC, cho biết tỷ lệ viêm tim sau tiêm liều vaccine thứ hai là 12,6 trên một triệu.
"Tình trạng này phổ biến ở các nhóm trẻ hơn, chủ yếu là thiếu niên và thanh niên khoảng 20 tuổi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ. Những người từ 50 tuổi trở lên hầu như không bị ảnh hưởng", ông nói.
Pfizer vẫn cho rằng tỷ lệ viêm tim không cao hơn mức thông thường. Moderna đã ghi nhận tình trạng này, sẽ phối hợp với cơ quan quản lý y tế công cộng để điều tra thêm.
Kể từ tháng 3, vaccine AstraZeneca vấp phải nhiều tranh cãi vì nguy cơ đông máu, giảm tiểu cầu hiếm gặp, khiều nước châu Âu phải dừng triển khai một thời gian để đánh giá sâu hơn. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã nối lại chủng ngừa bằng loại vaccine này, kèm theo giới hạn độ tuổi và nhãn cảnh báo trên bao bì.
Nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho thấy ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vaccine AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông. Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT).
Tiến sĩ Andreas Greinacher, tác giả nghiên cứu, gọi đây là "tin tốt" đối với phần đông dân số, vì hầu hết không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Chúng ta chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này".
Tình trạng đông máu cũng xuất hiện ở vaccine Johnson & Johnson, được EMA công nhận ngày 21/4. EMA cho rằng vẫn nên sử dụng vaccine Johnson & Johnson vì lợi ích nó đem lại lớn hơn nhiều nguy cơ.
Nhãn cảnh báo thứ hai trên vaccine Johnson & Johnson là hội chứng Guillain-Barré (GBS) - viêm đa rễ thần kinh sau khi tiêm. GBS là chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây yếu cơ hoặc tê liệt. Hầu hết người mắc hội chứng sau khi nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Tuy chưa xác định vaccine có trực tiếp gây ra GBS hay không, FDA ghi nhận ngày càng nhiều người sử dụng vaccine Johnson & Johnson bị tê liệt sau tiêm.
"FDA cập nhật thông tin cho người sử dụng và nhà sản xuất vaccine Covid-19 Johnson & Johnson. Thông tin mới gồm cảnh báo về nguy cơ mắc hội chứng GBS sau tiêm chủng", FDA thông báo.
Theo cơ quan, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 42 ngày sau khi tiêm. Trong khoảng 12,8 triệu liều vaccine Johnson & Johnson đã được triển khai, FDA ghi nhận 100 trường hợp GBS.
"Khả năng mắc hội chứng này là rất thấp", FDA khẳng định.
Nếu cảm thấy chân tay run hoặc ngứa ran ở tay và chân, đặc biệt là vùng ngứa lan rộng sau khi tiêm vaccine, người dân nên đi khám, FDA khuyến cáo. Các triệu chứng khác của GBS bao gồm khó đi, khó nói, nhai hoặc nuốt, nhìn một thành hai và các vấn đề khác liên quan đến hệ tiêu hóa, bài tiết.
Thục Linh (Theo NPR, FDA, EMA, Reuters)