Kết quả là họ không còn khả năng tập trung học, không hiểu bài vì tiếng nói ảo trong đầu, ý tưởng tự cao, ảo thị gây sợ sệt tới mức hoảng loạn đập phá, gây hấn đánh người. Họ được cha mẹ đưa tới khám thường vì bỏ học, nghề nghiệp dang dở... Nếu họ được bạn gái đưa tới thì thường thêm lý do suy giảm khả năng quan hệ tình dục...
Thanh thiếu niên dễ "bị dụ dỗ", "thử sức mạnh" và "xả stress" với ma túy. Nghiện ma túy là một căn bệnh mạn tính, kéo dài và tái phát của não bộ, thể hiện các cơn xung động hành vi (hung hăng bất chấp chuẩn mực bình thường, kể cả gây tội ác) nhằm tìm kiếm ma túy để sử dụng, dù biết rằng sẽ dẫn đến hậu quả xấu về sức khỏe bản thân, biết sẽ bị thiệt thòi trong quan hệ gia đình và xã hội, biết rằng có thể bị trừng phạt...
Câu hỏi đặt ra là tại con người ta cứ lạm dụng và cứ nghiện? Khoa học đã nhận định nghiện là bệnh của não vì các chất gây nghiện làm thay đổi cấu trúc của tế bào và hoạt động lâu dài của chúng, do đó có thể dẫn đến nhiều thương tổn như tế bào thần kinh bị hủy hoại với hậu quả rối loạn hành vi. Hậu quả thường gặp là loạn thần (có triệu chứng hoang tưởng ảo giác và hành vi bất thường) đối với các các chất dạng thuốc phiện (heroin) và các ảo giác thị giác chi phối hành vi, tấn công hành hung, đập phá, thậm chí giết người, tự sát khi sử dụng các chất ma túy tổng hợp (methamphetamine, mephedrone...).
Có sự khác nhau giữa lạm dụng và phụ thuộc (hay nghiện) ma túy.
Lạm dụng gồm các triệu chứng và thường xảy ra trong những bối cảnh sau đây:
- Thất bại trong việc thực hiện một vai trò bắt buộc nào đó.
- Có trục trặc liên quan luật pháp.
- Dùng ma túy trong tình trạng mạo hiểm.
- Tiếp tục sử dụng dù đang có khó khăn trong quan hệ gia đình xã hội.
Các triệu chứng của nghiện ma túy là:
- Dùng ma túy số lượng nhiều hơn mong muốn.
- Không thể ngưng hay giảm liều ma túy.
- Phải mất nhiều thời gian hoạt động để kiếm tiền (từ công việc, nghề nghiệp chính đáng hay cùng bạn nghiện lừa đảo, trộm cắp) để mua ma túy.
- Tiếp tục sử dụng dù biết sức khỏe kém đi cùng các quan hệ xã hội càng ngày càng trở nên xấu.
Nghiện ma túy luôn xảy ra tình trạng phải tăng liều sử dụng để đạt tới hiệu quả mong muốn (gọi là phê ma túy).
Về điều trị, thời gian nghiện càng dài càng phải dùng ma túy liều cao hơn và càng nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi cư xử, càng suy giảm khả năng nhận thức, trí nhớ. Từ đây có thể nhận định điều trị nghiện là cực kỳ khó, đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng vẫn có thể hiệu quả nếu hiểu thấu đáo về ma túy và hiểu nhau một cách thật sự khoa học.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ
Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM
Trưởng Nhóm hỗ trợ chuyên môn Chương trình Methadone TP HCM