Nhạc sĩ Phú Quang, Quốc Bảo vừa tham gia tọa đàm về vấn đề hỗ trợ giám sát trực tuyến cho nghệ sĩ, đảm bảo thực thi bản quyền, diễn ra ngày 28/12 tại TP HCM.
Ông Tất Hữu Đăng Khoa - đến từ Sky Music, đơn vị tổ chức tọa đàm - giới thiệu mỗi nghệ sĩ ký kết với họ sẽ được cấp một tài khoản riêng. Trên tài khoản này, nghệ sĩ có thể tự theo dõi lượt truy cập, người dùng nào đang sử dụng sản phẩm của họ, tần suất bao nhiêu, từ đó nắm được số tiền có thể thu về dựa trên thỏa thuận đã ký.
Ông Khoa cho rằng việc đo lường, thống kê và minh bạch số liệu này còn cung cấp cho nghệ sĩ cái nhìn tổng quát, giúp họ biết bài hát nào đang được yêu thích, độ tuổi của người dùng.
Nhạc sĩ Phú Quang - người có nhiều bức xúc trong vấn đề chi trả tác quyền - nhận định việc có công cụ hỗ trợ giám sát sử dụng âm nhạc trực tuyến là điều cần thiết nhằm đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi cho nghệ sĩ. Ông cho rằng công cụ này xuất hiện muộn ở Việt Nam nhưng "muộn còn hơn không".
Nhạc sĩ Nỗi nhớ mùa đông kể câu chuyện ca sĩ Bằng Kiều từng hát hai bài của ông trong bốn lần, trung tâm tác quyền thu 36 triệu đồng nhưng chỉ trả cho ông 300 nghìn đồng.
Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Bảo bày tỏ hy vọng công cụ thống kê được hoàn thiện và phát triển, nhằm tạo dựng thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, tôn trọng bản quyền.
Góp mặt ở tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ông Vương Duy Biên - nhận xét đây là bước tiến trong nhiều năm qua để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc - vấn đề phức tạp luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và các nghệ sĩ. "Với những động thái hiện tại, tôi nghĩ sẽ góp phần làm trật tự hơn việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, tác phẩm hiện nay của thị trường âm nhạc", ông Vương Duy Biên nói.
Thành lập từ năm 2013, tính đến cuối năm 2017, Sky Music nắm giữ 60.850 bản ghi có bản quyền và hơn 2.000 hợp đồng ký kết với nghệ sĩ. Đối tác là các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi quán cà phê, đồ ăn nhanh...
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông) đến tháng 2/2017, Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới (46,64%). Mối bận tâm của nghệ sĩ, người làm bản quyền là người dùng đã quen với việc nghe và tải nhạc miễn phí, làm thế nào xây dựng thói quen sử dụng nhạc trả phí.
Thu phí tác quyền âm nhạc tiếp tục là vấn đề gây xôn xao năm 2017, nhất là tranh cãi quanh việc thu phí qua tivi ở các khách sạn ở Đà Nẵng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Các cơ sở cho rằng việc thu tác quyền khi mở tivi là vô lý vì họ đã thanh toán cước thuê bao truyền hình cáp.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: làm thế nào xác minh việc sử dụng âm nhạc qua tivi, tác phẩm nào được sử dụng qua tivi thuộc quyền bảo hộ của trung tâm, mức thu phí dựa trên phương thức tính toán nào, quyền lợi dành cho nghệ sĩ ra sao... VCPMC thừa nhận gặp rào cản công nghệ trong việc tính toán vấn đề.
* Phó Đức Phương trong một lần phân trần việc thu phí tác quyền