Nhiều ca sĩ một thời gắn bó với nhạc Phú Quang bàng hoàng trước tin buồn. Trên trang cá nhân, ca sĩ Thanh Lam đăng tấm ảnh bên nhạc sĩ trong một sự kiện, tiễn biệt ông bằng lời bài Trong miền ký ức: "Xa xa trong miền ký ức, có lẽ một dòng sông/ Xa xa đôi bờ dốc nắng, mênh mang một chiều đông...".
Sau khi bước ra từ Sao mai điểm hẹn 2004, Tùng Dương được nhạc sĩ mời tham gia một liveshow của ông. Thời mới vào nghề, Tùng Dương nổi lên với phong cách ma mị, chuyên trị dòng dân gian đương đại - đối nghịch với chất lãng mạn, sang trọng của âm nhạc Phú Quang. Lúc tập luyện, ông ở bên cạnh, nghiêm khắc gò anh từng câu hát. Ông dặn đi dặn lại: "Cháu nhớ phải hát thật vừa độ, bớt 'quái' hay 'lên đồng' quá mức vì sẽ không ra được tinh thần nhạc phẩm". Sau liveshow, Tùng Dương thở phào nhẹ nhõm khi nhạc sĩ dành cho anh nụ cười hài lòng.
Tùng Dương nói theo thời gian, anh thêm thấu cảm âm nhạc Phú Quang. Năm 2010, trong một lần trà dư tửu hậu, nhạc sĩ nói ông mới viết một ca khúc phổ thơ Hồng Thanh Quang, muốn anh là người thu âm đầu tiên. Ông đặt tên nhạc phẩm là Mẹ: "Mẹ là người đầu tiên/ Người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội/ Ngay cả khi con ngu dại một đời". Trong liveshow Tùng Dương hát tình ca, sau khi anh ngưng hát câu cuối, ngoái nhìn lại phía đàn piano thì mắt nhạc sĩ đã nhòa lệ. Sau đêm nhạc, ông ôm Tùng Dương, khóc vì nhớ đến người mẹ quá cố.
Với Đức Tuấn, nhạc Phú Quang khắc ghi trong anh nhiều kỷ niệm thời phổ thông. Khi anh còn học cấp ba ở trường chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), những ca khúc như Em ơi Hà Nội phố, Điều giản dị... liên tục được phát trên sóng radio và bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh, khơi dậy trong anh niềm đam mê với nhạc Phú Quang. Lên đại học, anh thường thể hiện nhạc của ông trong phong trào ca hát sinh viên. Năm 2018, anh mới có dịp cộng tác với nhạc sĩ, lúc ông đang tìm một giọng nam mới. Ông giao Đức Tuấn hát Hà Nội và em khi thu chớm đông sang - ca khúc ông mới sáng tác khi đó - trong một đêm nhạc và được khán giả thủ đô đón nhận. Nhờ ông khích lệ, anh thu âm album Phú Quang đầu tay, đến nay vẫn là một trong những đĩa nhạc anh tâm đắc.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang vẫn nhớ như in cảm giác xúc động khi nghe Khúc mùa thu - ca khúc đầu tiên Phú Quang phổ nhạc từ tác phẩm của anh. Khi ấy, nhạc sĩ tình cờ đọc bài thơ anh đăng trên báo, thấy thích và đem phổ lại, cố nghệ sĩ Lê Dung - vợ Hồng Thanh Quang khi ấy - thu âm bài hát. Sau này, có lần anh rủ nhạc sĩ đến mộ Lê Dung thắp hương. Ông mang theo CD Mới thôi... mà đã một đời (album phát hành năm 2013, tuyển tập nhiều bản thu cũ của Phú Quang, trong đó có Khúc mùa thu), đốt bên mộ. Cả hai nhìn trong tấm ảnh bia mộ, Lê Dung như đang mỉm cười. Anh nói: "Bài hát trở thành định mệnh với tôi vì đã tiên cảm những gì tôi phải gánh chịu trong tình yêu. Hơn 20 năm trôi qua, mỗi khi Khúc mùa thu vang lên, lòng tôi vẫn nhức nhối".
Xa quê, Thu Phương xem âm nhạc Phú Quang là một phần nương tựa tâm hồn. Thập niên 2000, khi sang nước ngoài, chị thực hiện CD Nỗi nhớ mùa đông. Một lần, chị nhận được điện thoại của Tấn Minh, anh nói đưa CD của chị cho nhạc sĩ nghe. Ông nhận xét: "Lần đầu, tôi thấy câu 'làm sao về được mùa đông' buồn và tha thiết đến thế". Khoảnh khắc đó, chị rơi nước mắt vì hạnh phúc. Sau này, nhiều lần khán giả đề nghị chị hát ca khúc này trong các đêm nhạc. "Tôi cho rằng ca sĩ tìm được sự đồng cảm trong tác phẩm là mối duyên. Tôi trải qua nhiều biến cố, từ đó hát nhạc Phú Quang đúng tâm trạng của mình", chị nói.
Nụ cười hiền, ánh mắt chở che, bao bọc là kỷ niệm đọng trong nhiều nghệ sĩ khi nhớ về Phú Quang. Tùng Dương nói: "Ông luôn biết lúc nào nên khuyến khích, động viên, khi nào cần nghiêm khắc để tạo đà bứt phá cho các nghệ sĩ trẻ. Tôi và nhiều ca sĩ thành danh như hôm nay một phần nhờ bóng dáng thầm lặng của ông".
Năm 2016, một lần gặp ca sĩ Minh Thu, nhạc sĩ gợi ý cô thực hiện album nhạc của ông, kèm theo lời đề nghị: "Nếu thiếu kinh phí, anh cho vay". Khi đó, ca sĩ đang loay hoay làm một CD tuyển tập các ca khúc Hà Nội. Nhờ lời động viên, cô chuyển hướng, đặt tên album Thu rất thật thu. Khi làm album, bằng kinh nghiệm, nhạc sĩ giúp chị chọn những bản thu cảm xúc nhất đưa vào đĩa.
Từ Mỹ, nghe tin nhạc sĩ mất, Ngọc Anh 3A ngồi lặng, ký ức ùa về. Hát nhạc ông từ thuở mới vào nghề, chị được nhạc sĩ xem như con cháu, tận tình khuyên răn cách đối nhân xử thế. Hồi còn trẻ, chị vô tư mặc đồ gợi cảm trên sân khấu. Biết chuyện, ông không trách móc, chỉ ôn tồn nhắc nhở không nên ăn diện hở hang khi biểu diễn, khán giả sẽ không tập trung lắng nghe giọng. Sau này, thấy chị nhiều phen trầy trật với nghề, ông khuyên chị quyết đoán, mạnh mẽ hơn để thành danh.
Cuối đời của nhạc sĩ, qua những cuộc trò chuyện hiếm hoi, Tùng Dương vừa xót xa khi thấy ông phải trải qua những lần đại phẫu, vừa ngưỡng mộ cách ông đấu tranh giành giật sự sống. Hồi tháng 6, anh lên kế hoạch tổ chức một đêm nhạc cho ông mang tên Em ơi, Hà Nội phố, có sự góp mặt của Thanh Lam, Tấn Minh, Minh Chuyên... Anh tiếc vì liveshow cuối của ông phải gác lại vì dịch bệnh. Với Ngọc Anh, hai năm qua chị không được trò chuyện nhiều cùng ông vì nhạc sĩ phải nhập viện điều trị, thường xuyên thở máy. Kế hoạch chị cùng ông tổ chức liveshow tại Mỹ nay dang dở.
Tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời làm chùng lòng nhiều khán giả trong ngày đầu đông. Cây bút trẻ Hà Thanh Phúc cho biết nghe nhạc Phú Quang từ năm 14 tuổi, sau khi đọc một bài viết trên báo có hai câu "Kỷ niệm như rêu/ Anh níu vào trượt ngã". Lúc đó, anh cứ tấm tắc: "Sao có thể nghĩ ra được ý thơ dịu dàng và khờ dại đến thế". Tìm hiểu, anh mới biết đó là hai câu được trích từ Khúc mưa, Phú Quang phổ từ thơ Đỗ Trung Quân, rồi dần yêu nhạc ông từ đó. Trong các sáng tác văn chương của cá nhân, anh hay mượn ý "kỷ niệm xanh như rêu". Trên VnExpress, trong hàng trăm bình luận tiễn biệt người nghệ sĩ của Hà Nội, độc giả Long Tiên viết thơ:
"Im lặng đêm Hà Nội rồi
Catinat sáng, anh ngồi cafe
Trong miền ký ức tái tê
Điều giản dị ấy không về trong anh
Khúc mùa thu ấy xa xanh
Mùa đông nỗi nhớ đã thành niềm đau
Chiều phủ Tây Hồ hôm nao
Heo may thổi cả hết màu thời gian
Hai tư tình khúc vụt tan
Đầu tiên nước mắt vỡ tràn bờ mi...".
Nhật Dung Huế