Sáng 4/2, nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội trong lúc ngủ. Nhiều nghệ sĩ như Trọng Tấn, Việt Hoàn, Ánh Tuyết, Tùng Dương... bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của ông.
Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi cho biết nhạc sĩ Hoàng Vân là bạn của bố anh. Anh luôn kính nể nhân cách, tài năng của ông. "Trong suốt cuộc đời, nhạc sĩ Hoàng Vân cống hiến cho cách mạng và để lại gia tài tác phẩm đồ sộ, thấm đượm tình yêu đất nước, con người", nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi bày tỏ.
* Những bài hát bất hủ của nhạc sĩ Hoàng Vân
Trong ký ức của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật là Lê Văn Ngọ) là người ôn hòa, giản dị, khiêm nhường. Sinh ra trong một gia đình Nho học, ngoài âm nhạc, ông còn có thú chơi thư pháp. Nhà nhạc sĩ ở trên phố Hàng Thùng, Hà Nội. Thế nhưng tuổi trẻ của ông lại gắn với bom đạn, chiến trường. 16 tuổi, ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội). Sau đó, ông phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (trụ sở ở Thái Nguyên). Ông còn tham gia đội tuyên truyền vũ trang, làm công tác báo chí, công tác địch vận và phụ trách văn nghệ trong Sư đoàn.
* Ca khúc "Hò kéo pháo"
Bắt đầu sáng tác từ năm 1951, chàng thanh niên 21 tuổi nhanh chóng nổi tiếng với các ca khúc viết về miền núi Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng hòa bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc. Đến năm 1954, tên tuổi ông được khẳng định với nhạc phẩm Hò kéo pháo. Ca khúc ra đời trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhạc sĩ xúc động khi chứng kiến các chiến sĩ kéo những khẩu đại bác nặng vượt qua núi cao, đèo dốc hiểm trở. Bộ đội vừa vặn người, ghìm dây, giữ càng xe, vừa hô vang "Hò dô ta". Nhiều lần địch dội bom xuống khiến dây kéo đứt, pháo có nguy cơ tuột xuống vực, chiến sĩ càng gồng mình cứu pháo.
Trước sự hy sinh của đồng đội, nhạc sĩ Hoàng Vân xúc động viết Hò kéo pháo. Bài hát kết hợp giữa nhịp điệu đặc trưng của thể loại hò với hình ảnh miêu tả hoạt động của các chiến sĩ, gợi lên âm hưởng hùng tráng: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi". Nhờ ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Vân được tặng huân chương Chiến công và gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng được Tổng cục Chính trị cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc trong sáu năm.
* Ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi"
Trở về nước, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc về đề tài quê hương, đất nước như Tình yêu Hà Nội, Tình ca Tây Nguyên, Tình ca Vũng Tàu, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi... Ngoài âm hưởng anh hùng ca hào sảng, các sáng tác của ông trong giai đoạn này còn thấm đượm chất trữ tình. Trong số đó, Quảng Bình quê ta ơi được đánh giá là ca khúc viết về vùng miền hay nhất của ông.
* Tình ca Tây Nguyên
Bài hát ra đời năm 1964, thời điểm Không quân Mỹ bắt đầu mở những cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn đầu tiên vào miền Bắc. Trong lần đi xâm nhập thực tế tại tuyến lửa Quảng Bình, tận mắt chứng kiến không khí hào hứng khẩn trương chiến đấu và xây dựng quê hương nơi đây, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác nên khúc ca này. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu thích ca khúc. Bài hát từng khiến Đại tướng rớm lệ khi nghe trong 1.559 ngày điều trị tại Bệnh viện 108 trước khi qua đời.
* Ca khúc "Bài ca người giáo viên nhân dân"
Một mảng đề tài khác nổi bật trong gia tài đồ sộ của Hoàng Vân là các sáng tác về nhiều ngành nghề. Ông nổi tiếng với Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca người thủy thủ, Bài ca giao thông vận tải... Những nhạc phẩm này được ví von như "ngành ca" của nhiều lĩnh vực. "Anh em nghệ sĩ chúng tôi thường nói Hoàng Vân là người viết các ca khúc mang cảm hứng ngợi ca hay nhất, đặc biệt là các ngành nghề. Qua các sáng tác của ông, chị công nhân, anh kỹ sư, bác nông dân... hiện lên sinh động. Họ đều trong tâm thế lao động, xây dựng quê hương, đất nước. Đó là tinh thần lạc quan mà nhạc sĩ Hoàng Vân muốn truyền tải", ca sĩ Việt Hoàn bày tỏ.
Sinh thời, nhạc sĩ cũng ưu ái sáng tác nhiều tác phẩm cho thiếu nhi. Ca ngợi Tổ quốc, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Bài ca tình bạn... đều chất chứa nhiều bài học nhân văn về tình yêu đất nước, con người.
Năm 2015, sau đợt điều trị bạo bệnh, khi vừa xuất viện, ông tâm sự: "Tôi mong nền âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc với tinh thần và sắc thái của ngày hôm nay. Âm nhạc có nghệ thuật cao chứ không đơn thuần là để giải trí và phải đi sâu vào lòng người", nhạc sĩ Hoàng Vân nói về nguyện ước đối với nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Ngoài tình yêu với quê hương, đất nước, tình yêu lớn thứ hai trong đời nhạc sĩ Hoàng Vân là vợ ông - bác sĩ Ngọc Anh. Ngoài tên Hoàng Vân, ông từng lấy bút danh khác là Y - NA (viết tắt của cụm từ "Yêu Ngọc Anh"). Năm 2015, vào lúc lâm bệnh nặng, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhạc sĩ liên tục lẩm nhẩm tên bà xã, năn nỉ y tá cho về nhà gặp vợ. Con trai, con gái của ông bà - nhạc trưởng Lê Phi Phi và Tiến sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Ý Linh - đều định cư ở nước ngoài. Ông sống với bà đến cuối đời trong căn nhà ở Hàng Thùng.
Hoàng Vân mất nhưng âm nhạc của ông vẫn còn mãi. Sinh thời, nhạc sĩ thờ Phật tại gia theo truyền thống của gia đình. Ở cõi cực lạc, có lẽ nhạc sĩ vẫn hướng về quê hương, đất nước, về những người thân như trong ca khúc Tình yêu Hà Nội ông từng viết:
"Ðêm pháo hoa nhớ tháng năm xa
Một bản tình ca, máu và hoa!
Ngàn năm tươi sáng mãi!
Và nơi đó có một người, người mà tôi mến yêu..."
Vĩ Thanh