Sáng 4/2, nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời tại nhà riêng ở tuổi 88. Một đời lừng lẫy với những sáng tác chuyên về dòng nhạc cách mạng, quê hương, cố nhạc sĩ ra đi để lại niềm thương tiếc cho đông đảo nhạc sĩ, ca sĩ nhiều thế hệ. Các giọng ca như Ánh Tuyết, Tùng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn... bàng hoàng khi hay tin ông qua đời. Sinh thời, cố nhạc sĩ được nhớ đến như một trong những tên tuổi tài hoa của dòng nhạc đỏ, cùng đức tính điềm đạm, khiêm nhường.
Ca sĩ Ánh Tuyết lặng người khi biết tin buồn. Giọng hát gốc Quảng Nam nhiều lần có duyên được thể hiện ca khúc của cố nhạc sĩ. "Thời đó, tôi chỉ mới mười mấy tuổi, song đi đâu cũng nghe nhạc của ông vang lên, từ Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Quảng Bình Quê ta ơi... Âm nhạc của ông rất hào hùng và lãng mạn, thấm đẫm tinh thần nhân văn, nuôi nấng tình thần con người bước qua những tháng ngày gian truân", chị chia sẻ.
* Các ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Vân
Với số lượng lớn các tác phẩm thể loại nhạc cách mạng, Hoàng Vân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các ca sĩ dòng nhạc thính phòng nhiều thế hệ. Với Trọng Tấn, âm nhạc của ông luôn có vị trị quan trọng trong sự nghiệp. "Hoàng tử nhạc đỏ" đánh giá hiếm nhạc sĩ nào như ông: thành công với các sáng tác đa dạng về thể loại như tráng ca, anh hùng ca đến nhạc trữ tình, từ đề tài quê hương, người lính đến công cuộc xây dựng đất nước. Trọng Tấn kể có lần, anh thể hiện một nhạc phẩm kinh điển của cố nhạc sĩ - hợp xướng Hồi tưởng. Sau đó, nhiều lần anh được nhạc sĩ động viên, khen ngợi. "Con người không thể tránh khỏi lẽ tự nhiên của tạo hóa, nhưng sự ra đi của ông là mất mát lớn cho nền âm nhạc nước nhà", Trọng Tấn ngậm ngùi.
Với ca sĩ Việt Hoàn, khoảnh khắc đáng nhớ trong đời ca hát là được nhạc sĩ Hoàng Vân ôm động viên. Lần ấy, trong một chương trình, anh cùng Trọng Tấn, Đăng Dương biểu diễn nhiều ca khúc của cố tác giả. Sau khi đêm nhạc kết thúc, ông lên ôm ba người và bày tỏ: "Chú rất tự hào về các cháu - một thế hệ giọng ca vàng của đất nước".
Việt Hoàn chia sẻ nhạc sĩ Hoàng Vân là người viết các ca khúc mang cảm hứng ngợi ca hay nhất, đặc biệt là các ngành nghề. Qua các sáng tác của ông, chị công nhân, anh kỹ sư, bác nông dân... hiện lên sinh động. "Ông là người am tường về thanh nhạc. Các sáng tác của ông đặc biệt phù hợp với giọng nam cao", Việt Hoàn nhận xét.
Đức tính hiền hậu, sống chan hòa của nhạc sĩ Hoàng Vân để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều đồng nghiệp. Ánh Tuyết chỉ được dịp gặp ông một vài lần vào thập niên 1980, song đến nay, ấn tượng của chị về ông vẫn chưa phai mờ. "Ông luôn xuất hiện với phong cách mực thước và bề ngoài đẹp lão. Cách cư xử điềm đàm, hiền lành cùng lối nói chuyện uyên bác khiến ai gặp lần đầu cũng mến mộ".
Ca sĩ Tùng Dương luôn giữ mãi hình ảnh về nhạc sĩ có nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt tròn phúc hậu. Khi luận bàn về nghệ thuật, âm nhạc, giọng nói ông rất cuốn hút, nhấn nhá đầy sắc sảo. Trước lớp trẻ, ông không giữ khoảng cách, cũng như không quá cực đoan về quan điểm làm nghề. Hơn chục năm trước, Tùng Dương hát ở chương trình Con đường âm nhạc vinh danh nhạc sĩ Hoàng Vân. Ngồi dưới sân khấu, nhạc sĩ gạo cội cười rất mãn nguyện, vui vẻ vỗ tay theo nhịp để cổ vũ anh hát ca khúc Tâm tình người thủy thủ. "Ông không bao giờ quá chú trọng việc phải được đào tạo bài bản, có học hành, mà luôn bắt kịp xu hướng thời đại", ca sĩ kể.
* Tùng Dương hát "Tâm tình người thủy thủ"
Giọng ca sinh năm 1983 cũng ngưỡng mộ hạnh phúc đong đầy ở tuổi xế chiều của vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Vân. Năm ngoái, anh sang nhà cố nhạc sĩ hỏi thăm sức khỏe ông. Anh cảm động khi thấy vợ cố nhạc sĩ ân cần bón cho chồng từng viên thuốc, miếng cháo. Tình cảm gia đình luôn viên mãn là động lực lớn nhất khiến Hoàng Vân vẫn giữ phong độ sáng tác đầy sung mãn lúc tuổi xế chiều.
Những năm cuối đời, sức khỏe của nhạc sĩ Hoàng Vân là điều luôn khiến đồng nghiệp, học trò đau đáu thương cảm.
Năm 2015, ông nhập viện vì nhiều bệnh tuổi già, lúc tỉnh, lúc mê. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai - tác giả ca khúc Huế tình yêu của tôi, học trò của cố nhạc sĩ - từng chứng kiến những khoảnh khắc đau đớn vì bệnh tật của ông. Lúc ấy, ông phải chạy thận, chữa bệnh tim, tiền liệt tuyến, bệnh phổi... Nhìn ông nằm im trên giường bệnh với đủ thứ dây nhợ quấn quanh người, bà bật khóc. Khi con trai ông - nhạc trưởng Phi Phi - đến bên giường, khẽ hỏi ông có nhận ra nhạc sĩ Tuyết Mai từ Sài Gòn ra thăm, nhạc sĩ ứa nước mắt.
Rồi ông cũng vượt qua được thời kỳ khốn khổ đó. Sau khi về Sài Gòn, bà tiếp tục gọi điện hỏi thăm sức khỏe nhạc sĩ và hạnh phúc thấy giọng ông khỏe lên từng ngày. Năm 2016, Tuyết Mai tiếp tục ra Hà Nội thăm ông. Ngồi bên thầy, bà hát lại những sáng tác của ông vốn ít người biết đến như Những cánh buồm, Nhớ (phổ thơ Nguyễn Đình Thi)... Nghe học trò hát, ông thích thú vỗ tay đánh nhịp trên đùi, hồn nhiên như trẻ thơ. Một lần khác, ông cùng bà đi bộ từ nhà ra hồ Hoàn Kiếm. Hai thầy trò đi dọc bờ hồ, ông hỏi bà có thích ăn kem rồi mua hai cây. Đôi nhạc sĩ tóc bạc phơ vừa cầm kem đi dạo, vừa chuyện trò về cuộc sống, nghề nghiệp.
Cũng qua những lần tâm sự đó, nhạc sĩ Hoàng Vân hé lộ cho Tuyết Mai dự án âm nhạc cuối đời của ông. Cố nhạc sĩ ấp ủ một tác phẩm hợp xướng về con sông Hồng. Ông say sưa trò chuyện với bà về các ý tưởng viết chương này, chương nọ. Điều khiến bà tiếc nuối là trước khi ông mất, bà vẫn chưa kịp hỏi ông đã hoàn thành tác phẩm cuối cùng chưa.
Luôn sống vì đồng nghiệp, nhạc sĩ Hoàng Vân từng chia sẻ với bà Tuyết Mai một mơ ước kỳ lạ. Ông muốn có một chuyến vào Nam ở những năm cuối đời, nhưng bác sĩ không cho đi. Ông mơ cùng nhiều đồng nghiệp, trong đó có những họa sĩ, nhà văn thân thiết, cưỡi một chiếc xe ngựa và rong ruổi vào Sài Gòn. Dọc đường, thấy cảnh vật hữu tình, ông và các bạn sẽ dừng lại, người viết nhạc, người vẽ tranh, làm thơ... Ông còn hứa với bà khi xe đến thị trấn Sông Cầu, Phú Yên sẽ nán lại thăm quê hương học trò. Đến giờ, bà vẫn mỉm cười khi thi thoảng nhớ đến mong ước đầy lãng mạn của nhạc sĩ tài hoa.
Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Vân diễn ra từ 7h30 phút đến 8h45 phút sáng 8/2 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra lúc 9h15 phút. |
Mai Nhật - Hà Thu