Quảng Bình bất khuất, anh hùng đang trải qua những ngày tháng nhiều đau thương và mất mát. Vùng đất “gió Lào cát trắng” vừa phải oằn mình gánh chịu siêu bão số 10, cơn bão khủng khiếp chưa từng có trong vòng gần 30 năm lịch sử. Bao ngôi nhà bị tàn phá, bao cây cổ thụ bị bật gốc, bao cột điện bị gãy đổ. Khối tài sản chắt chiu dành dụm trong bao nhiêu năm trời của người dân bỗng tan thành mây khói.
Chưa kịp gượng dậy sau bão, Quảng Bình phải đón nhận một tin choáng váng thứ hai. Người con ưu tú nhất của Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa từ giã cõi trần để trở về với cát bụi. Đại tướng đã chọn quê hương mình làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Những ngày này, trong trái tim của hàng triệu người dân đồng bào cả nước và đặc biệt là những người con của Quảng Bình có một khúc hát luôn vang lên thiết tha và mạnh mẽ. Đó là bài ca Quảng Bình quê ta ơi do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác.
Đã từ lâu, ca khúc này được coi là “tỉnh ca”, là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Người Quảng Bình, từ cụ già đến trẻ nhỏ, không ai là không biết, không thuộc từng nốt nhạc, từng ca từ của bài hát. Đối với dân Quảng Bình xa quê, phiêu bạt nơi đất khách quê người, Quảng Bình quê ta ơi càng gợi niềm tự hào, nỗi xúc động rưng rưng.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu thích bài hát này. Có lần giao lưu với lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an Quảng Bình, Đại tướng động viên: “Khó khăn nhiều nhưng các cháu luôn phải học tập, luôn cố gắng, khi nào khó khăn quá thì cùng nhau hát bài Quảng Bình quê ta ơi để phấn chấn mà phấn đấu”. Trong 1.559 ngày Đại tướng điều trị tại bệnh viện 108, chị em điều dưỡng viên vẫn thường lấy điện thoại mở bài Quảng Bình quê ta ơi cho ông nghe. Những lúc ấy, mắt ông thường rớm rớm lệ.
Quảng Bình quê ta ơi ra đời vào năm 1964, thời điểm Không quân Mỹ bắt đầu mở những cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn đầu tiên vào miền Bắc. Trong lần đi xâm nhập thực tế tại tuyến lửa Quảng Bình, tận mắt chứng kiến không khí hào hứng khẩn trương chiến đấu và xây dựng quê hương nơi đây, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác nên khúc ca này.
Năm 1966, Quảng Bình quê ta ơi được NSƯT Kim Oanh và tốp ca nam nữ thể hiện trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Bao thế hệ người dân Quảng Bình đã lớn lên, được nuôi dưỡng tình yêu với quê hương và Tổ quốc qua giọng hát tha thiết của chị. Những người lính Quảng Bình tóc bạc vẫn thường kể cho nhau nghe về cái thời khói lửa ấy, khi họ mới mười tám, đôi mươi, tóc vẫn còn xanh, nghe tiếng hát của nghệ sĩ Kim Oanh, họ đã cắt tay lấy máu viết đơn xin nhập ngũ.
Đối với những thế hệ ấy, Quảng Bình quê ta ơi do nghệ sĩ Kim Oanh thể hiện có một giá trị lịch sử không thể thay thế được. Đối với họ, mãi mãi phiên bản của NSƯT Kim Oanh là phiên bản hoàn hảo nhất, hào hùng nhất, ghi dấu một thời “không thể nào quên” của Quảng Bình.
Ca khúc này cũng gắn với tên tuổi của NSND Thu Hiền. Chất trữ tình, sự ngọt ngào thấm đẫm trong giọng hát của chị như lời nhắn nhủ, tâm tình thiết tha đi thẳng vào trái tim những người con của Quảng Bình. Phiên bản do chị thể hiện rất phổ biến, được hàng triệu người dân Việt Nam biết đến và yêu thích.
Quảng Bình quê ta ơi là một khúc hát có sức khơi lên lòng tự hào, khơi nên sức mạnh đoàn kết từ những người dân cùng chung nơi chôn nhau cắt rốn.
Những lời tự hỏi rồi lại tự trả lời, phỏng theo điệu hò khoan Lệ Thủy, đối đáp nam nữ trên sông ngày xưa như một lời tự dặn mình, dặn cả người phải luôn thủy chung, son sắt với truyền thống của quê hương đất nước.
“… Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới
Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi
Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt
Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa?...”
Những ca từ đầu tiên của Quảng Bình quê ta ơi chứa chan niềm tự hào về một quê hương ngày một đổi mới, giàu đẹp hơn, sung túc hơn. Trước sự đổi thay, đi lên của quê hương, người dân Quảng Bình như tự dặn nhau rằng không bao giờ được phép quên đi quá khứ, quên đi những người đã đổ máu, đổ mồ hôi và nước mắt cho một Quảng Bình ngày nay.
Những câu hỏi chứa chan tình cảm và gợi nhiều suy tưởng như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho những ai đang được hưởng “ngọt bùi” phải nhớ đến những người “trồng quả”. Chớ vì sung sướng mà quên đi, mà phản bội lại truyền thống của quê hương dân tộc mà sống bạc tình bạc nghĩa với quá khứ.
Những dòng nhạc tiếp theo, Quảng Bình quê ta ơi như vẽ nên một bức tranh rộng lớn của rừng vàng, biển bạc. Theo nhịp chảy của ca khúc, người nghe lúc thì được vượt sóng đến với Quảng Phú, “nghe tiếng hò kéo lưới”, ngắm “cá tươi đầy khoang”, lúc lại ngược lên với đại ngàn chứng kiến “anh công nhân đẵn gỗ trên rừng” xây dựng tổ quốc. Ca khúc khi thì đưa ta tới với “tiếng hò khoan Lệ Thủy” trên dòng sông Kiến Giang, khi thì đưa ta đến với “đồng lúa xanh”, “hàng cây xanh” của đồng bằng.
Suốt dọc dài bài hát là những địa danh thân thương của Quảng Bình được điểm tên, nhắc đến đầy tự hào - Đại Phong, Bến Tiến, Quảng Phú, Nhật Lệ, Cự Nẫm, Cảnh Dương. Điệp ngữ “có ai về” láy đi láy lại như một lời mời gọi chân thành của người dân Quảng Bình đến người dân cả nước - Hãy đến với Quảng Bình, quê hương bất khuất, anh hùng!
Trên khắp mọi nẻo đường, mọi vùng đất của Quảng Bình là mồ hôi nhỏ giọt của nhân dân “chắc tay búa, vững tay súng”, bảo vệ và xây dựng tổ quốc giữa mưa bom bão đạn.
Những con người vô danh hy sinh thầm lặng đó là ai? Đó là “chị dân quân canh gác ven biển”, “anh chiến sĩ canh gác bầu trời”, “chị thanh niên phơi muối ven biển”, “anh công nhân đẵn gỗ trên rừng”, “các mẹ, các anh, các chị dành gạo nuôi quân”. Những điệp từ “có nhớ” như nhấn mạnh, khắc sâu trong lòng sự tri ân của thế hệ sau đối với nhân dân Quảng Bình giản dị mà vĩ đại.
Quảng Bình quê ta ơi khi mượt mà êm dịu như lời ru, khi dào dạt, khi khỏe khoắn niềm vui, khi trĩu nặng hồi tưởng và suy tưởng, khi lại thân thiết mộc mạc như lời trò chuyện, dặn dò nhau. Sau sự tri ân dành cho nhân dân anh hùng là một lời thề, lời hứa thiêng liêng của những người con Quảng Bình hôm nay:
“…Quảng Bình quê ta ơi
Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu quý
Quảng Bình quê ta ơi
Muôn người như một, gửi về Trị Thiên, tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về chung một nhà…”
Ca khúc kết thúc bằng một lời hứa hẹn, một lời thề đinh ninh tạc dạ. Lời thề đó, nào phải đâu chỉ là của riêng Quảng Bình. Đó còn là lời thề của cả một dân tộc kiên quyết sống tử tế, ngẩng cao đầu, đoàn kết với nhau để cùng giữ gìn thành quả mà cha ông ta đã đổ máu, mồ hôi và nước mắt để giành được.
Nghe "Quảng Bình quê ta ơi" |
* Bản của NSƯT Kim Oanh và tốp ca năm 1966 |
* Bản của NSND Thu Hiền |
Anh Trâm