Tại Hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 29/9, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản -Thiết bị Giáo dục Việt Nam, cho biết, so với giá các loại sách khác trên thị trường, SGK vẫn có giá thấp hơn.
Ông Ái lấy ví dụ, bộ SGK lớp 3 gồm 12 quyển có giá 220.000 đồng. Nếu chia trung bình, mỗi quyển có giá xấp xỉ 18.000 đồng. Trong khi đó, một quyển truyện có độ dày, giấy in, hình minh họa, màu tương tự với sản lượng hơn 100.000 bản trên thị trường cũng đã 90.000-100.000 đồng.
"Cuốn truyện Doremon, khổ chỉ bằng 0,8 khổ sách giáo khoa nhưng 18.000 đồng, in một màu; số lượng xuất bản và tái bản mỗi năm 500.000 bản. So sánh như vậy để thấy giá sách giáo khoa rất rẻ", ông Ái nói.
Ông Ái cho biết, cách đây 15 năm, bộ sách lớp 3, lớp 7 chỉ có giá 50.000 -100.000 đồng nhưng bây giờ 200.000 đồng. "Vật giá trong 15 năm tăng cao lắm nên tôi thấy giá đó không phải là đắt", ông Ái nói.
So với giá SGK ở một số nước, một cuốn SGK in bốn màu, số trang tương tự đã 100.000 – 200.000 đồng (đối với các nước trong khối ASEAN) và từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Chẳng hạn, SGK Toán của Singapore giá khoảng 250.000 đồng, SGK Đạo đức và Tự nhiên Xã hội của Hàn Quốc, Nhật Bản 280.000 – 300.000 đồng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 7, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa trong năm 2021- vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách và phần thiểu số là nguồn thu tài chính.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết, đơn vị này không chỉ xuất bản SGK mà còn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Ngoài ra, nhà xuất bản đã thoái vốn thành công ở một số đơn vị từng đầu tư. Do đó, một lượng doanh thu tài chính lớn trong những năm qua đổ về, dẫn đến sự đột biến về chỉ số lợi nhuận trên báo cáo tài chính.
"Những yếu tố đó khiến nhiều người nhầm hiểu nhà xuất bản có lợi nhuận khủng khiếp từ việc xuất bản SGK. Nhưng thực ra, lợi nhuận đấy từ rất nhiều nguồn và hoạt động khác của nhà xuất bản, không riêng SGK", ông Hải giải thích.
Ngoài ra, theo ông Hải, đơn vị này đã tính toán để tiết giảm chi phí để có giá SGK thấp hơn. "So sánh SGK lớp 3, 7, 10 năm nay, nhà xuất bản đã tiết giảm bình quân 5-10% so với các cấp lớp trước nên sách của chúng tôi hiện tại có mức giá bìa thấp nhất trong các bộ SGK được lưu hành hiện nay", ông nói.
Về việc định giá SGK, ông Ngô Trần Ái cho rằng đó là một sự thay đổi lớn về chính sách, cần cân nhắc vì SGK không thuộc "hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền, nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phầm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước" theo Điều 19, Luật giá. Ngoài ra, giá SGK không phải do các doanh nghiệp tự định đoạt mà đều phải kê khai các yếu tố cấu thành để Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài chính duyệt.
Ông Ái nói, thực tế, giá SGK "không ảnh hưởng nhiều" đến thu nhập của các gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác như tiền đồng phục. Việc làm sách là lợi ích 100 năm, không phải đầu tư lấy tiền lãi hàng năm như các mặt hàng khác nên mất nhiều năm mới có thể hoàn chỉnh được bộ SGK.
"Truyện xuất bản và tái bản hàng năm hàng trăm nghìn cuốn nhưng với SGK, 100.000 – 200.000 cuốn vẫn phải làm. Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng để lại cho thế hệ học sinh quyển sách tốt, càng ngày càng ít sai sót để các cháu học tập", ông chia sẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các bộ SGK đang biên soạn sẽ theo hướng tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK trong thời gian tới.
Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Năm học 2021-2022, chương trình mới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6 và năm nay là với lớp 3,7 và 10. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song với chủ trương "một chương trình, nhiều SGK", bỏ độc quyền xuất bản. Hiện có sáu nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành, ba công ty cổ phần khác chỉ tham gia biên soạn.
Tuy nhiên, việc giá sách cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ đã gây ra nhiều tranh luận. Ngoài ra, việc các trường học lựa chọn nhiều bộ sách khiến phụ huynh vất vả tìm mua sách cho con. Đầu năm học này, tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ đã xảy ra ở nhiều nơi.
Hồi tháng 8, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng từ năm học này.
Theo dự thảo mới nhất của Luật giá vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng này, Bộ Giáo dục & Đào tạo được giao "quyết định giá cụ thể của từng loại sách giao khoa" thay vì để nhà xuất bản tự quyết định giá dựa trên mức trần do nhà nước quy định như đề xuất trước đó.
Bình Minh