Thông tin trên được đề cập trong báo cáo của Hội thảo sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tối 28/9. Hiện, 6 khối lớp đang sử dụng sách giáo khoa mới là 1, 2, 3 (tiểu học), 6, 7 (THCS) và 10 (THPT). 1.574 tác giả đã tham gia biên soạn, trong đó 384 biên soạn sách giáo khoa lớp 10; 318 biên soạn sách lớp 7; các lớp còn lại trên dưới 200 người. Các tác giả đều đạt chuẩn theo quy định, khoảng 70% có trình độ từ tiến sĩ trở lên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được đông đảo nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn. Sáu nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Vinh, Đại học Huế. Ngoài ra, có ba công ty cổ phần khác tổ chức việc biên soạn.
Quy trình biên soạn sách giáo khoa trải qua năm bước. Đầu tiên, đơn vị biên soạn lựa chọn tác giả. Bước tiếp theo là biên soạn sách (gồm cả thiết kế, minh họa) và hoàn thành ít nhất một bài học để tổ chức dạy thực nghiệm và rút kinh nghiệm. Hoạt động này cần có sự tham gia của tất cả tác giả, sau đó tiếp tục biên soạn các bài học khác, lấy ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học để đánh giá bản mẫu sách giáo khoa. Bước cuối cùng là hoàn thành bản mẫu của sách, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.
Chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia thẩm định, bản mẫu sách giáo khoa được gửi cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét và xếp loại. Các tác giả được thuyết minh về sách, chia sẻ quan điểm khi biên soạn để Hội đồng nắm được ý tưởng của từng bản mẫu.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ sách có những sáng tạo riêng về trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt. Các sách khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá.
Tuy nhiên, một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách khác nhau. Một số bản mẫu có lỗi về nội dung, chính tả, ngôn ngữ, hình ảnh...
Ngoài ra, việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận.
Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Năm học 2021-2022, chương trình mới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6 và năm nay là với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Theo Thông tư 25 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thẩm quyền chọn sách giáo khoa thuộc về UBND cấp tỉnh. Quy định này áp dụng từ năm học 2021-2022. Sở Giáo dục và Đào tạo phải thông báo danh mục sách được phê duyệt chậm nhất 5 tháng trước năm học mới, tức tháng 4 hàng năm.
Thanh Hằng