"Chính phủ Nga nhắm vào các công dân Mỹ là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc bắt ông Gershkovich", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ngày 30/3. "Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng công dân Mỹ nên lắng nghe cảnh báo từ chính phủ Mỹ, không di chuyển đến Nga. Công dân Mỹ đang cư trú hoặc du lịch ở Nga nên rời đi ngay lập tức".
Bà Jean-Pierre bình luận sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cùng ngày thông báo bắt Evan Gershkovich, phóng viên sinh năm 1991 của tờ Wall Street Journal, vì nghi hoạt động gián điệp cho chính phủ Mỹ. Wall Street Journal ra tuyên bố rằng họ "rất lo ngại cho an toàn của Gershkovich".
"Cáo buộc gián điệp thật nực cười", bà Jean-Pierre nói với báo giới. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về sự việc. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã liên hệ với phía Nga đề nghị được tiếp xúc lãnh sự với Gershkovich.
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận thông tin. "Thông qua các kênh ngoại giao, phía Mỹ đã đề nghị tiếp xúc lãnh sự với công dân Mỹ Evan Gershkovich", theo người phát ngôn Maria Zakharova. "Việc tiếp xúc lãnh sự sẽ được cho phép trong thời gian tới".
FSB cho biết Gershkovich bị nghi "thu thập thông tin trong diện bí mật quốc gia về hoạt động của một trong những doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga". FSB bắt Gershkovich khi phóng viên này "tìm cách nhận thông tin mật" ở thành phố Yekaterinburg.
Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Moskva, đặc biệt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Mỹ và Nga gần đây vẫn trao đổi tù nhân, với Mỹ thả "lái súng tử thần" Viktor Bout lấy vận động viên bóng rổ Brittney Griner, bị Nga bắt với cáo buộc tàng trữ ma túy và lĩnh án 9 năm tù.
Giới chuyên gia phương Tây từng nhận định sự kiện trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ hồi tháng 12/2022 cho thấy hai bên vẫn duy trì kênh liên lạc, bất chấp căng thẳng còn cao.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)