Ngày 10/7, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết Công ty TNHH Dealim Hàn Quốc, đơn vị thi công xây lắp đoạn tuyến trên cao (gói thầu CP1) đã yêu cầu bổ sung hơn 400 tỷ đồng (19 triệu USD). Nguyên nhân là nhận mặt bằng thi công chậm một năm rưỡi so với cam kết trong hợp đồng, dẫn đến việc phải kéo dài thêm hơn hai năm thi công. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được chấp thuận.
MRB và UBND TP Hà Nội đã tham vấn các đơn vị liên quan và tạm chốt bổ sung chi phí do kéo dài thời gian cho nhà thầu 6,6 triệu USD (khoảng 145 tỷ đồng), giảm 12,5 triệu USD (hơn 270 tỷ đồng) so với yêu cầu ban đầu.
"MRB và tư vấn đã rà soát, đàm phán rất nhiều lần với nhà thầu về vấn đề này và cũng chưa thanh toán. Vì các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết việc tính toán chi phí phát sinh khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng", ông Hiếu nói và nhấn mạnh MRB tiếp tục đàm phán với nhà thầu theo hướng "hai bên sẽ tuân thủ giá trị bổ sung theo quyết định của Kiểm toán Nhà nước".
Về việc nếu sau này MRB phải thanh toán cho nhà thầu chi phí phát sinh hàng trăm tỷ đồng liệu có làm tăng thêm tổng mức đầu tư của dự án, ông Hiếu cho rằng: "Việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian của các gói thầu sẽ được lấy từ chi phí dự phòng của gói thầu, hoặc chi phí còn dư sau đấu thầu, nên không làm tăng dự toán gói thầu cũng như tổng mức đầu tư ban đầu".
Gải thích nguyên nhân khiến dự án kéo dài thời gian thi công, đại diện MRB cho hay đường sắt đô thị là lĩnh vực mới, do vậy các quy trình, quy phạm liên quan chưa được hoàn thiện. Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng, di dời công trình ngầm và nổi trong thành phố gặp khó khăn.
Việc giải phóng mặt bằng dự án metro Nhổn - ga Hà Nội thuộc địa bàn nhiều quận, có đoạn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Có trường hợp khi chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt, một số hộ dân không đến nhận và kiến nghị bổ sung cơ chế chính sách nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Ngoài ra, chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi nên khi MRB áp dụng vào thực tế gặp khó khăn. "Chính sách ban hành sau có lợi hơn nhiều so với trước, dẫn đến việc xử lý bồi thường chuyển tiếp giữa văn bản cũ và mới gặp trở ngại", ông Hiếu nói.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tổng mức đầu tư dự án đã điều chỉnh một lần vào năm 2014 là gần 33.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của ODA.
Đến hết năm 2019, dự án giải ngân được hơn 11.700 tỷ đồng. Năm 2020, tổng số vốn ODA được giao là 3.400 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được trên 800 tỷ đồng. Đến tháng 6, tổng tiến độ dự án đạt khoảng 63%; đoạn trên cao đạt 76%. Phần đi ngầm đạt trên 14%.