Năm nay cả họ tôi có mấy cháu thi đại học, khỏi phải nói các bậc phụ huynh chờ đợi thế nào. Tất cả đều mong con mình được đi học cho bằng bạn bằng bè, để các cháu không phải ủ rũ ngồi nhà đến độ chẳng dám đi ra ngoài đường chỉ vì trượt đại học. Giấc mơ vào đại học này vẫn còn là rất lớn.
Ở quê tôi, đại học vẫn là con đường đẹp nhất mà cha mẹ hy vọng mong muốn con mình đi qua, chưa cần biết ra trường có xin được việc hay không. Rất ít người tự hỏi, con em mình học đại học để làm gì? Với họ, chỉ cần con được đi học, dù là trung cấp thôi cũng mừng lắm rồi.
Nếp nghĩ để con đi học thoát cảnh quê nghèo lên phố, ăn cơm nhà nước thay vì phải lội ruộng cấy cày từ bao đời nay vẫn còn y nguyên 10 năm trước, thời tôi bắt đầu đi thi đại học. Thế mới có cảnh con đậu hay trượt đại học bố mẹ đều “rất khổ”. Đậu thì khổ vì phải lo tiền cho chúng ăn học, còn nếu rớt thì khổ trăm đường.
Nhà nào kinh doanh có tí vốn quay ra quay vào, hay có đồng lương công chức còn đỡ, bằng không làm nông đơn thuần thì chỉ có nước đi vay nặng lãi… Chờ đến ngày con ra trường, đợi mãi cũng không kiếm được việc thế là bố mẹ lại phải cõng thêm một số nợ chạy việc cho con. Vậy mà, “được khổ” thế họ cũng vẫn thấy vui.
Tôi mới về quê và giấc mơ vào đại học vẫn là chủ đề nóng từ nhà ra ngõ, cả làng đi đến đâu chỗ nào cũng thấy bàn tán xôn xao con nhà này đỗ, con nhà kia trượt…Chẳng thế mà nhà nào con đến ngày báo điểm đại học cũng hồi hộp thấp thỏm, hết nghe ngóng trên mạng rồi lại chờ giấy báo, đậu thì vui, chưa đậu thì ôi buồn...
Gia đình chị bạn của tôi cũng nằm trong cái vòng hy vọng ấy, chị gọi điện liên tục nhờ tôi hỏi han tình hình trường cháu khi nào nhập học chỉ vì giấy báo chưa về đến quê, mà dân làng thì đã đồn thổi “chắc không đậu nên trường nó mới không có giấy gọi nhập học”.
Áp lực đến nỗi thằng bé tuyên bố: “Nếu không đậu đại học con sẽ không ra đường nữa”. Thằng bé sợ dư luận, sợ phải gặp những người hàng xóm tốt bụng luôn quan tâm quá mức đến đủ thứ chuyện của mọi người.
Cháu trai tôi thi đại học, cả nhà tôi coi đó là chuyện bình thường, như thi vượt cấp vậy cho cháu nó nhẹ nhàng. Đậu cũng được không đậu cũng chẳng sao, quan trọng là cháu biết mình sẽ làm gì trong thời gian tới.
Tôi bảo với cháu rằng, rớt đại học đôi khi có cái hay, cháu có thời gian để nhìn lại việc học của mình, điều quan trọng là cháu sẽ vượt qua thử thách này thế nào thôi. Và rồi cháu cũng đậu vào trường cháu thích, có thể cháu đậu đại học bây giờ là niềm vui của cả nhà, nhưng nếu cháu không có niềm đam mê theo đuổi khám phá cái nghành mà cháu theo học mai này ra trường sẽ ra sao.
Ngoài kia, có biết bao nhiêu cử nhân khi ra trường hỏi chuyện em dự định làm ở đâu? Các bạn ấy đều thụ động, chờ bố mẹ bỏ ra mấy trăm triệu xin vào nhà nước. Để làm gì nhỉ.?
Một số các em chạy để được ngồi mát ăn bát vàng, một số chạy tiền vào nhà nước rồi mới vỡ ra nhiều lẽ đời không như mơ, thấy chán ngán nhưng vẫn cố sống một đời thừa, chấp nhận lương ba cọc ba đồng, làm một công chức nghèo, bình an... tránh va vấp, tránh những biến cố ngoài xã hội.
Người em họ tôi đang sống một cuộc đời công chức như thế, ra trường hơn hai năm không chịu kiếm việc gì ngoài việc ngồi chờ chạy công chức. Nhiều lần tôi khuyên em ra ngoài bươn chải, bơi lội nhưng em đều ngại. Em ngại phải thay đổi, sợ không có lương hưu sau này, sợ ra ngoài làm rồi chẳng biết thế nào...
Tôi thật sự không muốn cháu tôi lại đi vào con đường của rất nhiều cử nhân đang bước đi. Tôi mong cháu thật sự cố gắng và có niềm đam mê của riêng mình trong đời. Hãy khám phá ra những điều thú vị từ nghành mình đang theo học... chỉ có thế cháu mới có thể thành công trên chính đôi chân của mình.
>> Xem thêm: Cha mẹ nghèo nuôi con ăn học, con cái có nghĩ đến cha mẹ không?
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục, học hành tại đây.