Tôi hiện là học sinh đang học tại một trường THCS nhỏ ở Quận 1, TP HCM. Từ ngày mẹ tôi đọc được bài viết lý giải về việc vì sao thủ khoa thường là học sinh nông thôn, mẹ cứ mắng nhiếc mãi làm tôi đau hết cả đầu.
Hằng ngày, mẹ tôi cứ lôi chuyện học rồi la đủ điều, sau đó lại bật bài cũ: "Con A, B vô được trường chuyên” hay “Thằng C, D được giải nhất môn Toán, Lý” khiến tôi cảm thấy rất buồn. Mẹ tôi còn hay la mắng: "Con nhà nghèo không có iPad, iPhone, iPod như con thành phố mà sao họ lại vào được trường giỏi?”.
Tôi học không hề kém cũng không chơi game, không kêu ca mỗi lần đi học thêm hay vòi vĩnh xin tiền ba mẹ mà mẹ tôi vẫn luôn than thở: "Mày học vừa dốt vừa lười biếng, cứ dán mắt vào màn hình thì làm sao học giỏi hả con?”.
Điều nay không chỉ mình tôi mắc phải mà bao học sinh khác cũng bị, như một số bạn bè cùng lớp tôi cứ bị ba mẹ bắt học ngày, học đêm mà không bao giờ có được 10 hoặc 20 phút giải trí. Vì thế nên học sinh tụi tôi thường hay bị stress, ba mẹ đâu có biết rằng chúng tôi đi học nguyên ngày rất mệt mỏi.
Chúng tôi rất cần được nghỉ ngơi hay vui chơi, niềm vui của tôi và bạn bè mình đơn giản chỉ là có nửa tiếng chơi vi tính hay chơi đàn, đọc sách... vậy là đủ rồi. Nhiều lúc tôi bị la mắng đến nỗi không chịu được nhưng vẫn không dám cãi lại nửa lời vì nếu tôi làm vậy mẹ lại nói: "Đồ hỗn láo, dám cãi lại ba mẹ thế còn gì là luân thường đạo lí nữa”.
Phụ huynh luôn cho rằng con mình phải đạt được hạng nhất thì mới xứng đáng làm con họ nếu không thì sẽ bị "đuổi ra ngoài đường bán vé số”. Nhiều bạn vì lo sợ nên phải lo học ngày học đêm, phụ huynh lại xem đó là điều đáng mừng vì con mình đã thực sự siêng học. Thế nhưng, họ đâu biết tác hại của việc học nhiều như vậy.
Nhiều học sinh quanh tôi đã phải bỏ nhà đi, bị điên hay tự tử vì không chịu được sức ép từ gia đình và nhà trường. Đồng ý rằng có khá nhiều bạn thủ khoa xuất phát từ nông thôn, nghèo khó, tuy nhiên, điều ấy cũng chỉ đúng một phần. Chắc gì học sinh nông thôn tất cả đều giỏi và số lượng là bao nhiêu?
Theo suy nghĩ của tôi, học sinh thành phố cũng giỏi không kém học sinh nông thôn. Phụ huynh cứ nghĩ học sinh thành phố ăn chơi, không lo học hành nhưng đó chỉ là một bộ phận của giới trẻ chứ không phải tất cả học sinh, sinh viên. Phụ huynh không nên đánh đồng rằng học sinh nông thôn ai cũng giỏi, còn học sinh thành phố thì đầy đủ điều kiện nên ăn chơi sa đọa.
Trường tôi có bạn C nhà khá giả, bạn học rất giỏi nên vì vậy, phụ huynh cũng nên bỏ hẳn quan niệm: "Học sinh nhà giàu chỉ ỷ lại tiền của bố mẹ chứ không lo học hành”.
Đa số các bậc phụ huynh hiện nay luôn muốn con mình học như một cái máy đạt được thành tích cao để có thể đem con mình so sánh với “con người ta”. Nhiều phụ huynh phản ứng theo dây truyền khiến chúng tôi luôn cảm thấy ngao ngán và áp lực.
Đơn cử như trường hợp bà A đem con so sánh với con ông B, ông B cũng không hơn thua đem con mình ra so sánh với con cô C... Từ đó, học sinh luôn bị mất mặt vì cảm thấy mình bị thua kém, đâm ra các bạn sẽ ghét nhau, tạo mối hiềm khích phá vỡ tình bạn đẹp đẽ của tuổi học trò.
Không những thế, nhiều bậc cha mẹ còn hay đánh giá con mình qua điểm số, thế nhưng chắc gì đó là những điểm số thực lực của chính bản thân bạn ấy? Chẳng lẽ 10 điểm sau này làm giám đốc, còn 2 điểm bán vé số chăng?
Nhiều người điểm tuy chỉ đạt điểm thấp nhưng họ thực tế và chính sự thực tế ấy giúp họ thành công, còn điểm số chỉ là thang điểm để đánh giá mức độ hiểu bài mà thôi. Vì vậy, tôi rất mong những bậc sinh thành hiểu thêm về con cái vì đôi lúc chúng tôi không muốn chia sẻ những tâm sự, bởi lo lắng ba mẹ sẽ không tâm lý hiểu mình.
Các cô chú cũng nên tạo ra một sân chơi học tập vui vẻ, thoải mái để con mình không bị áp lực, từ đó giúp cho việc học hành tốt hơn. Đồng thời mọi người cũng hãy bỏ việc so sánh con mình với “con người ta” vì đó là nỗi khổ chung mà bấy lâu nay chúng tôi phải chịu đựng.
Chúng tôi muốn một cuộc sống dung hòa giữa học tập và vui chơi để bước vào một năm học tràn đầy phấn khởi.
Bài viết này có thể không hay nhưng đây là sự trải lòng của tôi, nếu phụ huynh nào đồng cảm thì hãy chia sẻ cho nhiều phụ huynh khác. Thật sự, mọi người đọc đến dòng cuối cùng là tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc vì khi đó, cô chú sẽ hiểu thêm và cởi mở tấm lòng mình hơn với con cái. Cảm ơn cô chú nhiều.
>> Xem thêm: 'Nên tách hẳn các trường đại học ra khỏi Bộ Giáo dục'