Bằng cấp là gì? Từ điển Tiếng Việt (NXB Thanh Niên, 2000, trang 71) định nghĩa: "Bằng cấp là giấy làm bằng của chính phủ hoặc một tổ chức có thẩm quyền cấp cho thí sinh trúng tuyển". Nhưng không biết từ khi nào, khi nói đến người có bằng cấp thì thường ám chỉ người có bằng đại học trở lên.
Có một thạc sĩ người Anh vì chưa tìm được việc làm nên phải lái taxi. Vậy lái taxi không phải là việc làm hay sao?
Tôi học chuyên ngành Coding (mã hóa), nhưng khi ra trường lại làm về Loading data (tải dữ liệu) cho tòa án Liên bang. Nhiều bạn học của tôi học kỹ sư điện nhưng khi ra trường họ làm về Searching data (tìm kiếm dữ liệu) cho hãng PTO của chính phủ. Không lẽ bao lâu nay chúng tôi đều thất nghiệp và chưa tìm được việc làm?
Cũng chính vì định kiến học cái gì thì phải ra làm cái nấy nên nhiều sinh viên ra trường có những quan niệm sai lầm trên. Hay như môt anh thạc sĩ sư phạm ra trường đi bán sim điện thoại, nhưng khi ai hỏi làm gì thì anh ta cũng trả lời rằng: "Đang thất nghiệp".
Một người với cương vị một nhà giáo mà còn quan điểm như vậy thì không trách gì học sinh ra trường lại có suy nghĩ tiêu cực về việc làm.
Cũng có quan niệm hãy lo cái khó trước mắt rồi lo việc học sau. Tôi thấy quan điểm này giống thằng Bờm trong truyện dân gian mà tôi đã đọc.
Vậy tại sao có những người mẹ ăn cám, người cha sống trong ống cống để lấy tiền nuôi con ăn học? Là bởi họ từng thất học, phải nghỉ để phụ gia đình, nên họ không muốn con cái phải bỏ học để giúp bố mẹ. Họ không muốn nhìn thấy con cái mình lại phải tiếp tục sống dưới ống cống, ăn cám để tiếp tục hy sinh cho đời cháu.
Không ít người khuyến khích nên học kiểu "mì ăn liền", học xong là ra làm liền còn hơn ra trường với tấm bằng đại học. Những ý kiến như vậy thì cũng chẳng khác truyện thằng Bờm.
Chúng ta phải nên thắc mắc rằng tại sao khi trả lời trực tuyến hoặc một vần đề chuyên môn, tại sao phải là những người có trình độ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, mà chúng ta không thấy một người có kinh nghiệm lâu năm không bằng cấp?
Cũng giống như một bác nông dân có kinh nghiệm hơn 50 năm về đoán thời tiết. Bác nông dân có thể nhìn trời có thể đoán chính xác gần 100% trời mưa hay không? Nhưng khi chúng ta hỏi bác nông dân lý do tại sao mưa hoặc khi nào mới có bão và kéo dài mấy ngày thì những câu hỏi đòi hỏi phải có trình độ hiểu biết và máy móc hiện đại trong ngành khí tượng thì sẽ biết.
Khi tuyển nhân viên cho đài khí tượng, với một bác nông dân có kinh nghiêm 50 năm và một anh mới ra trường, vậy chúng ta chọn ai? Với một anh kỹ sư ra trường chẳng biết gì thời tiết thì chúng ta có thể tốn vài tháng chỉ dẫn còn với bác nông dân thì tôi chẳng biết phải tốn bao năm mới làm việc được.
Vì vậy có kinh nghiệm mà không có trình độ thì sẽ bị hạn chế rất nhiều, và nhiều công việc nhất định phải có trình độ.
Bằng cấp nó cũng nói lên uy tín của một con người có trình độ. Ví dụ bác nông dân đi làm về nói với mọi người rằng, mới thấy một con chuột to bằng con voi thì lập tức sẽ bị "ném đá" không thương tiếc. Nhưng nếu một nhà khoa học lên tivi nói rằng "chúng tôi vừa phát hiện có một loài chuột to bằng con voi, đang tồn tại trên trái đất" thì công chúng sẽ tiếp nhận rộng rãi.
Nhiều ý kiến cho rằng không cần học nhưng vẫn làm giàu, nhưng cũng không ít người lại nói nhờ có trình độ nên làm giàu tốt hơn. Thực ra đi học cũng có thể giàu và chẳng có bằng cấp vẫn giàu như ai. Vì thế, làm giàu hay không thì chẳng có liên quan gì tới việc học, nhưng có một điều không thể phủ nhận học có giá trị hơn làm giàu.
Nếu bạn nào cố chấp có ý nghĩ ngược lại, thì khi các con các bạn lên 6 tuổi, trong khi các em nhỏ khác phải trải qua 16 năm học tốn không biết bao nhiêu tiền và công sức để chỉ được tấm bằng đại học, thì con cái của các bạn có thể bán vé số trong vòng 16 năm. Bé sẽ kiếm một số tiền không nhỏ và 16 năm kinh nghiệm vững chắc. Vậy chúng ta có ai can đảm để con mình ở nhà "kinh doanh" không?
Tôi cho rằng càng tệ hại hơn khi để một anh giám đốc trình độ "sống lâu lên lão làng" đi phỏng vấn tuyển nhân viên trình độ thạc sĩ. Cũng có vị giám đốc tuyển nhân viên làm việc mà tôi nghĩ là tuyển đi ... tu, khi anh ta đòi hỏi vừa có tài lại phải có "đức".
Chẳng biết phỏng vấn một người trong vòng vài chục phút mà biết được đức độ của người đó thì tôi bái phục. Cũng chính những người như vậy nên tình trạng thất nghiệp tràn lan ở Việt Nam thuộc dạng thất nghiệp cơ cấu, tức là người tuyển dụng thì chẳng biết phải tìm người thế nào, còn người tìm việc thì chẳng biết việc gì để tìm.
Ai nói rằng bằng cấp không có giá trị thì các bạn thử xem có xin được vào công ty nước ngoài nếu không có bằng cấp ba hay không? Bằng cấp chẳng bao giờ mất giá trị, chỉ có chất lương giáo dục không đạt giá trị mà thôi.
Tôi không biết rằng khi học xong đại học sau nay, tôi có làm giàu hay không hoặc có kiếm được công việc nào thích hợp hay không, nhưng tôi khẳng định một điều là tôi sẽ không bị dốt.
>> Xem thêm: Phụ huynh tại sao phải đội nắng mưa chờ con thi tốt nghiệp
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục, học hành tại đây.