Gần tuần nay, một xưởng sản xuất với khoảng 4.500 công nhân của Công ty TNHH Jabil Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) phải dừng hoạt động do phát hiện các ca nhiễm. Các F1 bị đưa đi cách ly tập trung, số công nhân còn lại tạm thời nghỉ việc, không đến nhà máy.
"Đơn hàng rất gấp, mỗi ngày hàng trăm container ra vào nhập hàng nhưng nhà máy không còn cách nào khác buộc phải dừng sản xuất để dịch không lây lan", ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch công đoàn công ty nói và cho biết đã tính đến một số phương án vừa sản xuất, vừa cách ly nhưng do nhiều nguyên nhân nên không khả thi.
Ông Trung ví dụ khi nhà máy ở Việt Nam đề xuất sử dụng lều bạt cho công ăn ở tại chỗ, công ty mẹ bên Mỹ không đồng ý với lý do không đảm bảo an toàn, đặc biệt là sự riêng tư cho lao động nữ. Phương án thuê một phần Nhà văn hóa Khu công nghệ cao cũng không được thông qua do khu vệ sinh, tắm giặt cho lao động không đạt yêu cầu.
Kế hoạch cứ 7 ngày sẽ xét nghiệm tầm soát cho 9.000 công nhân mà Công ty Jabil đưa ra cũng không thực hiện được do chưa tìm được đối tác y tế. Hiện nhà máy chỉ còn một xưởng hoạt động, ưu tiên sản xuất các đơn hàng gấp. "Vừa làm vừa lo không biết đóng cửa lúc nào vì dịch bệnh quá phức tạp", ông Trung nói.
Cùng ở Khu công nghệ cao, Công ty Nidec Việt Nam là "anh em" với Công ty Nidec Sankyo (vừa ghi nhận 238 ca nhiễm, nghi nhiễm) hiện chưa có phương án khả thi nếu dịch xâm nhập. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty nói nếu phát hiện cùng lúc nhiều ca nhiễm, tình hình nhà máy không khá hơn Sankyo. Bởi diện tích nhà xưởng chỉ đủ để sản xuất, không thể bố trí hơn 6.000 lao động ở lại theo yêu cầu của thành phố.
Công ty dự kiến sử dụng xưởng còn trống của một công ty chung tập đoàn để làm nơi ở cho công nhân nhưng khi Công ty Nidec Sankyo phát hiện nhiều ca nhiễm, hơn 1.000 F1 thì khu này này đã quá tải. Trong khi đó, ở Khu công nghệ cao, Tập đoàn Nidec có tới 4 công ty con, tổng gần 14.000 lao động chính thức lẫn thời vụ. Với số ca nhiễm tăng cao, Công ty Nidec Sankyo gặp rất nhiều khó khăn, phải dừng sản xuất để tập trung công tác phòng, chống dịch.
Trước diễn biến dịch phức tạp, mới đây UBND TP HCM đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp địa phương thẩm định các doanh nghiệp tại thành phố đã đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly theo hướng dẫn Bộ Y tế. Theo đó, doanh nghiệp phải được cơ quan chức năng đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp; nơi ở tách biệt khu vực sản xuất; lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát...
Ngoài ra, tất cả lao động phải có kết quả xét nghiệm nCov âm tính mới được vào nơi lưu trú tạm, không được rời khỏi nhà máy trong thời gian thực hiện phương án. Giải pháp này được áp dụng trong trạng thái nhà máy không có ca lây nhiễm, còn nếu phát hiện F0 phải theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hiện, hơn 40 doanh nghiệp ở TP HCM đã đăng ký sẽ tổ chức cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy để đảm bảo sản xuất và phòng chống Covid-19.
Công ty TNHH Juki Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) là một trong số doanh nghiệp đăng ký thực hiện tổ chức cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy. Tuy nhiên, ông Đào Quốc Cường, Giám đốc hành chính công ty cho hay, sau khi rà soát thực tế ở nhà máy và đối chiếu với các tiêu chuẩn của Bộ y tế thì phương án nói trên "gần như phá sản".
"Khó nhất là quy định nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, bởi hầu hết diện tích nhà máy được sử dụng lắp đặt máy móc. Nhiều nhà máy ở khu chế xuất cho biết đều không đáp ứng quy định mà Bộ Y tế đưa ra", ông Cường nói và cho hay công ty chỉ có thể tận dụng một số chỗ trống như văn phòng, nhà ăn làm nơi ở cho khoảng 450 người trong tổng số 1.300 lao động.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao cho hay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca lây nhiễm tăng cao, kéo theo nhiều F1, các khu cách ly tập trung quá tải. Do đó một số doanh nghiệp tính đến xây dựng một khu lưu trú biệt lập để cách ly F1 tại các nhà máy. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải được hỗ trợ về y tế để theo dõi, kịp thời đưa ca F1 chuyển thành F0 đến nơi điều trị.
Ông Lưu Kim Hồng nói rằng quanh Khu công nghệ cao có rất nhiều ký túc xá các trường đại học như Nông Lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Cảnh sát, Ngân hàng... Trong lúc các trường tạm nghỉ, không có sinh viên có thể cho các nhà máy thuê ngắn hạn làm khu lưu trú tập trung cho công nhân để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất như yêu cầu của chính quyền thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, để phương án này khả thi cần có sự hỗ trợ của chính quyền để những nơi có nhà trống sẵn sàng chia sẻ với nhà máy. Ngoài ra thành phố cần tính việc xây các khu lưu trú tạm trong khu công nghiệp. Các dãy nhà này được xây dựng theo mô hình modul giống như các bệnh viện dã chiến có hệ thống xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn... Những nhà máy có nhu cầu sẽ cùng đóng góp kinh phí xây dựng, khi cần sẽ đưa lao động vào cách ly y tế.
TP HCM có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320.000 người. Thời gian qua các nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7)... phát hiện nhiều ca nhiễm, bị phong tỏa, ngừng sản xuất.
Lê Tuyết