Với 562 ca dương tính, TP HCM đang xếp thứ ba cả nước về số bệnh nhân và trải qua đợt bùng phát lây nhiễm cộng đồng mạnh nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Đặc biệt, thành phố đối mặt nguy cơ dịch lan trong nhà máy khi ghi nhận ca dương tính là nữ công nhân trong Công ty Pouyuen, doanh nghiệp đông lao động nhất nằm ở quận Bình Tân.
Theo điều tra dịch tễ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM ngày 10/6 đánh giá đây là "ca xâm nhập", không phải lây nhiễm trực tiếp tại Công ty Pouyuen. Quận Bình Tân cũng đã kịp khoanh vùng, kiểm soát nguồn lây nhiễm tại công ty này.
Công ty hơn 56.000 lao động chia thành nhiều khu, được phân luồng từ trước để phòng dịch khiến việc truy vết, khoanh vùng của chính quyền thuận lợi. Khi nữ công nhân được xác định là F1 tối 8/6, cơ quan chức năng lập tức cách ly 140 đồng nghiệp làm chung dây chuyền, phong tỏa tầng 5 công ty và khử khuẩn toàn bộ khu vực này. 344 người chung phân xưởng được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà.
Các phân xưởng khác của Pouyuen hoạt động bình thường, xong thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát công nhân công ty này để ngăn dịch xâm nhập nhà máy. Dù các mẫu xét nghiệm liên quan Pouyuen tại TP HCM đến thời điểm này âm tính, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND thành phố HCM vẫn lưu ý doanh nghiệp không được chủ quan. Ông yêu cầu tất cả bộ phận phải trích xuất camera để truy vết toàn bộ F1. Thành phố đang chờ kết quả xét nghiệm F1 tại các tỉnh liên quan.
Đánh giá cao công tác phòng dịch của doanh nghiệp đông công nhân nhất địa bàn, ông Đức vẫn lo ngại khi bên ngoài nhà máy công nhân còn tụ tập ăn uống, tháo khẩu trang nói chuyện. "Ý thức phòng dịch chưa cao sẽ khiến công sức tập thể dễ đổ sông đổ biển", ông nói, yêu cầu quận Bình Tân dẹp chợ cóc, hàng quán quanh trụ sở Pouyuen để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chính quyền đã cơ bản kiểm soát được đợt lây nhiễm này, nhưng kinh tế thành phố lẫn cộng đồng doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề khi phải giãn cách xã hội 15 ngày, cách ly xã hội quận Gò Vấp và một số địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, hơn 42.500 công nhân mất việc, hơn 4.000 doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch, đã hoàn tất thủ tục giải thể, gặp khó khăn hoặc cần vay vốn để trả lương công nhân.
Song ông Phong khẳng định thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc khi doanh nghiệp gặp khó khăn. "Bởi sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời với sự tăng trưởng của doanh nghiệp", ông nói.
Trong khi đó Bắc Giang bước vào giai đoạn "tổng tiến công dập dịch, phấn đấu không còn ca nhiễm mới sau ngày 21/6". Chính quyền tiếp tục kêu gọi người dân các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa thực hiện nghiêm cách ly xã hội với tinh thần "cửa đóng then cài, không đến nhà ai, không ai đến nhà". Người dân các huyện còn lại hạn chế tụ tập, thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Trong ngày 10/6, Lạng Giang là huyện thứ ba sau Lục Nam và Yên Thế được chuyển từ cách ly xã hội xuống giãn cách theo chỉ thị 15.
Ngày hôm qua, Bắc Giang bắt đầu thu hoạch vải thiều chính vụ với sản lượng dự kiến còn khoảng 120.000 tấn. Tỉnh đã hoàn thành tiêu thụ hơn 67.000 tấn vải chín sớm với giá dao động 15.000-31.000 đồng mỗi cân. Toàn bộ sản lượng vải sớm tiêu thụ hết với giá tương đương mọi năm trong bối cảnh căng mình chống dịch được lãnh đạo tỉnh đánh giá là thành công lớn.
Xác định khó khăn còn dài khi dịch chưa hết, Phó chủ tịch tỉnh Phan Thế Tuấn cho rằng thời gian tới sẽ rất áp lực khi còn 2/3 sản lượng là vải chính vụ thu hoạch dồn dập trong hơn một tháng. Nhưng nếu xúc tiến thương mại thành công, vận chuyển Bắc - Nam thông suốt thì "khó khăn dù còn nhưng không đến nỗi không có lối thoát".
Trong bối cảnh các ca nhiễm đã vượt 6.500, SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á mà Việt Nam là chủ nhà có thể không diễn ra như dự kiến. Ủy ban Olympic Việt Nam hai ngày trước đã đề nghị dời lịch tổ chức sự kiện sang tháng 7/2022 thay vì cuối năm nay như kế hoạch.
Đề xuất đưa ra trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại đã kéo dài hơn một tháng và các ca nhiễm vẫn đang gia tăng. Việc đảm bảo y tế cho khoảng 20.000 vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài, nhân viên hậu cần của các đoàn thể thao, chưa tính đến người hâm mộ là thách thức lớn cho ban tổ chức.
Đại diện ủy ban Olympic các nước tiếp nhận thông tin, cho biết sẽ báo cáo chính phủ để đưa ra ý kiến. Quyết định có thể được đưa ra vào cuối tháng 6, khi các bên tiếp tục nhóm họp để thống nhất kế hoạch tổ chức đại hội thể thao.
Trong khi đó, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong ba ngày 11-13/6. Thành phố đang rà soát những khâu cuối cùng để tổ chức kỳ thi, lên kịch bản chống dịch từ lúc thí sinh bước vào phòng thi tới lúc ra về. Toàn bộ cán bộ coi thi vào lớp 10 ở huyện Đông Anh, Hà Nội, nơi ghi nhận 10 ca Covid-19, được ưu tiên xét nghiệm.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị ứng trực 24/24h, sẵn sàng kích hoạt các biện pháp truy vết, khoanh vùng trong thời gian tổ chức kỳ thi. Ông cam kết chính quyền sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng việc nhỏ để đảm bảo an toàn cho thí sinh, phụ huynh và các lực lượng tổ chức thi.
Bộ Y tế ngày 10/6 công bố 211 ca nhiễm, nâng tổng số bệnh nhân cả nước đợt dịch này lên 6.596. Bắc Giang chiếm 56% với 3.696 ca.
Hồng Chiêu