"Tôi đã làm việc ở đây 32 năm. Nó chỉ mang lại đau khổ cho chúng tôi", Buba Cary, ngư dân ở làng ven biển Gunjur, nói và chỉ tay về phía tòa nhà màu trắng, nơi có nhà máy chế biến cá do chủ đầu tư Trung Quốc xây dựng. "Trước khi nhà máy xuất hiện, biển ở đây có rất nhiều cá. Nhưng giờ muốn bắt được cá, chúng tôi phải tới vùng biển của Senegal hoặc Guinea-Bissau".
Kelepha Camara, người tới bờ biển mua cá về bán, đồng tình với quan điểm này, thêm rằng nhà máy đã khiến giá cá tăng. "Nhà máy không giúp ích cho chúng tôi", Camara nói.
Những người đàn ông này đang nói về nhà máy của Golden Lead ở làng Gunjur, cách thủ đô Banjul khoảng 45 km về phía nam. Gambia hiện có ba nhà máy như vậy. Hai nhà máy còn lại do các công ty khác nhau điều hành, cách Gunjur khoảng 10 km về phía bắc và phía nam, nơi sản xuất dầu cá và bột cá để xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu và nhiều nơi khác.
Trong nhiều năm qua, ngành sản xuất bột cá đã gây tranh cãi về tính bền vững, bởi các nhà máy chế biến bột cá sử dụng lượng lớn cá biển được đánh bắt. Tổ chức phi chính phủ Changing Markets Foundation có trụ sở ở Hà Lan ước tính nhà máy bột cá lớn nhất Gambia sử dụng khoảng 40% sản lượng đánh bắt cá của ngư dân nước này mỗi năm.

Nhà máy cá của công ty Golden Lead tại Gunjur, Gambia. Ảnh: The Chronicle
Gambia, quốc gia ở Tây Phi, đã thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trong những năm gần đây. Dưới chính quyền của cựu tổng thống Yahya Jammeh, nhà máy chế biến cá đầu tiên của Trung Quốc được mở ở Gunjur, với hợp đồng cho thuê đất 99 năm ký vào năm 2015, ngay sau khi Gambia cắt quan hệ với đảo Đài Loan.
Thỏa thuận này được ký bất chấp thực tế luật Gambia cấm công dân nước ngoài thuê đất hơn 26 năm, theo tổ chức giám sát chính trị Watch Gambia.
Không lâu sau khi ông Jammeh rời bỏ quyền lực năm 2017 và phải sống lưu vong sau 22 năm nắm quyền, người kế nhiệm của ông là Tổng thống Adama Barrow tới thăm Trung Quốc, tái khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Năm đó, Bắc Kinh đã xóa khoản nợ 12 triệu USD của Gambia và đầu tư thêm 28,7 triệu USD vào nông nghiệp và thủy sản.
Tuy nhiên, cộng đồng địa phương ở Gunjur không hào hứng với những gì Golden Lead mang tới. Ngày 22/5/2017, gần một năm sau khi nhà máy bột cá mở cửa, đầm phá ở khu bảo tồn động vật hoang dã Bolong Fenyo đầy cá chết và biến thành màu đỏ sẫm.
Tháng sau đó, Cơ quan Môi trường Quốc gia đã kiện Golden Lead lên tòa sơ thẩm, cáo buộc nước thải từ nhà máy gây thiệt hại cho môi trường. Tuy nhiên, Golden Lead nhanh chóng nối lại hoạt động của nhà máy sau khi đạt thỏa thuận dàn xếp trị giá 25.000 USD.
Ngoài vấn đề ô nhiễm, nhà máy cá của Golden Lead còn vướng vào một vụ kiện khác.
Tháng trước, Bamba Banja, cựu công chức cấp cao trong Bộ Thủy sản, đã bị kết tội tham nhũng vì nhận ít nhất 5 khoản thanh toán trị giá 1.600 USD của Golden Lead từ năm 2018 đến 2020. Ông phủ nhận cáo buộc nhận tiền để thả các tàu bị bắt vì đánh cá bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông vẫn bị tuyên án hai năm tù và phạt tiền.
Hầu hết người dân ở Gunjur đều bất bình vì trữ lượng cá đang bị khai thác quá mức, khiến những gì họ đánh bắt được ngày một ít. Golden Lead đã ký hợp đồng 6 tháng với hầu hết ngư dân Senegal, những người sử dụng thuyền đánh bắt công suất lớn. Các ngư dân Gunjur sử dụng thuyền buồm nhỏ không thể cạnh tranh được với đội tàu đó.
Nhà máy thu mua cá với số lượng lớn, trả 5 USD cho mỗi giỏ, thấp hơn ba lần so với giá bán tại các chợ địa phương. Một số ngư dân nhất trí với mức giá này vì giao dịch được đảm bảo, nhưng điều đó có nghĩa người dân địa phương sẽ có ít cá hơn và lợi nhuận thu được cũng thấp hơn.
Khi những chiếc thuyền tới nhà máy, hàng chục người đàn ông chạy lên xuống bãi biển với những giỏ cá nặng 50 kg trên đầu. Mỗi người được trả 0,5 USD cho mỗi chuyến vận chuyển cá như vậy.
Cư dân Gunjur phàn nàn rằng Golden Lead đã phá vỡ cam kết với cộng đồng ngư dân. "Họ đã hứa xây đường từ làng tới bãi biển và xây chợ cá cho cộng đồng. Họ cũng hứa mang tới 600 việc làm cho cộng đồng ở đây", Dembo Darboe, trưởng làng Gunjur, kể.
Tuy nhiên, không cam kết nào được thực hiện, dù ông nói ngôi làng nhận được khoản tiền 815 USD hàng tháng. "So với những gì họ kiếm được, số tiền này c hỉ như muối bỏ bể. Chúng tôi chỉ có thể bày tỏ nỗi bất bình, còn quyền quyết định nằm trong tay chính phủ", Darboe nói.
Một nhân viên nhà máy cho biết chỉ có 40 người Gambia được tuyển dụng, nhưng điều kiện làm việc kém và mức lương chỉ khoảng 60 USD/tháng.
"Họ khấu trừ tiền lương của tôi để đóng thuế thu nhập và an sinh xã hội. Tôi thậm chí không có tài khoản hoặc số an sinh xã hội", anh nói.

Người dân địa phương chuyển cá từ thuyền vào bờ ở Gunjur, Gambia. Ảnh: BBC
Bộ trưởng Thủy sản Gambia Omar Gibba bác bỏ những lời chỉ trích, nói rằng nhà máy thu hút đầu tư nước ngoài, cung cấp công việc cần thiết cho người dân địa phương và vấn đề xả chất thải độc lại ra môi trường xung quanh đã dừng từ lâu.
"Golden Lead nói rằng họ đã tìm thấy thị trường để có thể xuất khẩu chất thải dưới dạng lỏng. Nhưng tôi không biết nó ở đâu", Bộ trưởng Gibba nói.
Bộ trưởng Thủy sản cho hay luật không quy định 80% lực lượng lao động phải là người Gambia, thêm rằng các khoản đầu tư nước ngoài luôn có cả ưu và nhược điểm. Ông cũng tìm cách xoa dịu nỗi lo ngại về việc đánh bắt quá mức, nói rằng không có bằng chứng khoa học nào cho vấn đề này.
Tuy nhiên, nhà báo môi trường Mustapha Manneh dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2019 cho thấy cá trích và cá bonga đã bị khai thác quá mức ở vùng biển ngoài khơi Gambia.
Ông Gibba hiện không thể cho biết Golden Lead đang khai thác bao nhiêu cá ở vùng biển của Gambia, nhưng nói rằng họ sẽ áp dụng hệ thống hạn ngạch mới. Bộ trưởng Gambia cũng nói rằng họ cũng có những quy định để giải quyết vấn đề khai thác cá con.
Nhà vi sinh vật Ahmed Manjang là một trong những nhà hoạt động hàng đầu chống lại nhà máy chế biến cá của Golden Lead và là thành viên nhóm môi trường kiện công ty Trung Quốc. Đơn kiện dân sự của họ cho rằng nhà máy này đã gây thiệt hại 250.000 USD với môi trường.
Tuy nhiên, ông Manjang cảm thấy bất bình khi vụ án liên tục bị trì hoãn kể từ tháng 7/2017. Manjang nói rằng cách đây không lâu, ông và 5 nhà hoạt động khác đã được hối lộ tại nhà máy, nhưng họ từ chối. "Phong bì dày là cách mà họ làm việc", ông nói.
Trước đó, một người Gambia được cho là đại diện của công ty Trung Quốc đã gọi điện cho Manjang và đề nghị đưa ông 4.000 USD để rút đơn kiện.

Vị trí Gambia. Đồ họa: BBC
"Chúng tôi hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ Gambia. Mọi thứ chúng tôi làm đều đúng đắn", Peter Zhu, đại diện của công ty Golden Lead, nói.
Khi được hỏi về cáo buộc khai thác hải sản quá mức, Zhu nói "tôi không biết vấn đề này. Chúng tôi không phải ngư dân, mà chỉ là người kinh doanh. Làm sao tôi biết tình hình ở biển như thế nào".
Những nỗ lực liên hệ với công ty về các cáo buộc khác như hối lộ đều không thành công.
Manjang nói rằng có những dấu hiệu cho thấy Senegal, Mauritania và Gambia có thể hợp tác trong tương lai để bảo vệ nguồn cá. Tuy nhiên, nhà hoạt động trẻ Buba Janneh của tổ chức Greenpeace Africa không lạc quan như thế, dù tin rằng cuộc chiến để vô hiệu hóa hợp đồng cho thuê 99 năm với Golden Lead khả thi. Nếu nỗ lực này không thành công, hợp đồng cho thuê đất vẫn có hiệu lực "tới khi tôi qua đời", Janneh nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)