Đánh giá về việc ‘đất vàng’ Hà Nội hết thời được săn đón giá cao độc giả daokhoa.nc1972 đưa ra nhận xét:
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, một thời gian nào đó nhà mặt tiền ở nơi đắc địa sẽ không có giá trị cao như bây giờ. Người dân sẽ giao dịch qua internet và có đội ngũ giao nhận hàng hóa cho khách. Mặt khác, giao nhận hàng hóa qua internet sẽ tiết kiệm chi phí trong đó có tiết kiệm về thời gian rất nhiều.
Độc giả Duy Nghị có cùng quan điểm:
Tôi nghĩ là rất khó để quay lại như cũ, mà có thể còn liên tục đi xuống. Khi đó khách đã quen với phương thức mua hàng online mới. Người mua trực tiếp chủ yếu là khách du lịch. Sẽ qua cái thời có được một mặt bằng cha mẹ để lại rồi đủ sống cả đời.
Độc giả Kevin Pham cho rằng ở ta chưa có phương pháp quản lý mặt bằng quy củ:
Buôn bán ở mặt tiền gây ra tắc nghẽn mọi thứ là vì chưa có phương pháp quy định quản lý mặt bằng. Tôi thấy Mỹ họ quản lý cái này rất đúng và hữu hiệu và muốn chia sẻ:
1. Khu nào nhà ở thì không cho buôn bán, khu nào buôn bán thì không cho làm nhà cũng không cho ngủ lại ở quán.
2. Có những khu đặc biệt thì cho phép kinh doanh tại nhà nhưng mỗi thành phố chỉ có vài con đường như thế.
3. Khu công nghiệp thì cấm hết nhà ở và tiểu thương, chỉ trừ quán cafe loại giống như Starbucks và xe bán thức ăn trưa.
Trong một chừng mực liên quan giữa nhà ống và xe máy ở đô thị, độc giả Thanh Long Bui nhận định:
Không có một quốc gia phát triển nào mà lấy nhà ống và xe máy làm động lực cả. Tôi mong qua đợt dịch này, các cửa hàng, công ty, doanh nghiệp hiểu rằng: Các bạn thuê nhà phố thì bao tiền bạn làm ra chỉ nuôi chủ nhà thôi. Cửa hàng nên vào trung tâm thương mại hoặc bán online, doanh nghiệp nên vào các tòa nhà văn phòng. Thành phố chỉ văn minh hơn khi tất cả chúng ta văn minh thôi. Đôi dòng thật lòng, biết sẽ động chạm đến chủ tài sản nhà phố, nhưng đó là tất yếu.
Ngoài văn hóa kinh doanh nhà ống, buôn bán vỉa hè cũng là tác nhân gây bát nháo ở đô thị, độc giả Mai Quan Hoang:
Tôi không bao giờ mua đồ vỉa hè. Đi chợ là gửi xe rồi vào chợ.
Thứ nhất, tôi rất dị ứng nhiều người cứ lấn ra giữa đường .
Thứ hai, mình mua trong chợ là mình đã gián tiếp tránh kẹt xe, giúp người trong chợ không bị thiệt. Chưa kể, hàng hoá có nguồn gốc. Vì họ ở đó. Còn những người kia họ bán xong là hết trách nhiệm.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp