Tương tự nhiều nhiệm kỳ trước, vấn đề lương giáo viên tiếp tục được đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo đương nhiệm Nguyễn Kim Sơn hôm 11/11. Thực trạng lương thấp khiến nhiều thầy cô không đủ sống, buộc phải dạy thêm hoặc xoay xở đủ nghề. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục "cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo".
Nhớ lại quãng thời gian gần 40 năm trong ngành, nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, lương giáo viên luôn là vấn đề nóng, quan trọng trong nhiều cuộc họp lớn. Dù được các nhà quản lý, hoạch định chính sách mổ xẻ thực trạng, bàn và đề xuất nhiều giải pháp, sự cải thiện vẫn diễn ra rất chậm.
"Thu nhập của giáo viên có tăng qua các năm nhưng không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội, vật giá thị trường. Vấn đề không đơn giản là tăng hệ số hay thêm phụ cấp, mà phải có giải pháp căn cơ, đi từ gốc rễ vấn đề", ông Ngai nói.
Theo ông, ngành giáo dục phải đánh giá lại bản chất lao động của giáo viên và công bố với xã hội. Xưa nay, giáo viên hầu như chỉ được nhìn thấy ở hoạt động lên lớp dạy học. Trong khi lao động của nhà giáo thực chất là loại lao động đặc biệt, không chỉ diễn ra ở trên trường lớp.
Muốn có bài giảng trên lớp, giáo viên phải soạn bài, cập nhật kiến thức. Họ còn phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các hoạt động nhà trường. Nếu làm chủ nhiệm, giáo viên còn phải quan tâm, quản lý từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh.
"Trên cơ sở đánh giá này, ngành giáo dục cần chỉ ra sự mất cân đối giữa cơ chế tiền lương, thu nhập và sức lao động của giáo viên, từ đó tính toán mức chi trả phù hợp. Đây là một bài toán lớn, đòi hỏi ngành phải khảo sát, nghiên cứu trên diện rộng", ông đề xuất.
Cũng theo ông Ngai, muốn tăng thu nhập cho giáo viên khi ngân sách không đổi, cần xã hội hoá giáo dục. Tạo cơ chế để phát triển các trường tư thục, trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên có thể là phương án hiệu quả giúp giảm áp lực lên hệ thống trường công. "Xã hội hoá giúp nhà nước giảm ngân sách cho việc mở rộng quy mô trường lớp hàng năm, để đầu tư vào chiều sâu và tăng lương cho giáo viên", ông Ngai nói.
Trong khi đó, ở góc độ nhà quản lý, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM nhận định, tăng tính tự chủ cho các trường là giải pháp lâu dài, căn cơ để cải thiện thu nhập cho giáo viên.
Theo ông, tự chủ được hiểu là tự quyết định, cân đối về quản lý tài chính, tuyển dụng. Với cơ chế đó, các trường hoàn toàn có thể tìm kiếm nguồn thu chính đáng, hợp pháp để tăng thu nhập cho giáo viên. Chẳng hạn, trường có thể cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuê cơ sở vật chất trong thời gian không giảng dạy. "Khi đã có mức lương tốt, trường sẽ đưa ra yêu cầu, đòi hỏi cao hơn với giáo viên, từ đó giúp nâng cao chất lượng dạy và học", ông Phú nói.
Bên cạnh khoản thu nhập "cứng", hiệu trưởng THPT Nguyễn Du đề xuất, nhà nước và các địa phương tạo cơ chế tăng lương "mềm" cho giáo viên, tức là khoản phúc lợi; chẳng hạn, tạo điều kiện cho giáo viên trẻ mua ở nhà ở xã hội với lãi suất thấp hoặc miễn học phí cho con của giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục. "Đây là cách gián tiếp tăng lương cho giáo viên, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến".
Tất nhiên, cơ chế tự chủ ở trường học còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định khác, chẳng hạn quản lý, sử dụng tài sản công, quy định về tuyển dụng viên chức. Do đó, ông Phú cũng như lãnh đạo một số trường khác cho rằng có thể cho áp dụng thí điểm trước để đo lường hiệu quả.
Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu giáo dục, TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, lương giáo viên cần tăng 2-3 lần so với hiện nay mới có thể đảm bảo cuộc sống.
Bà đưa ra con số này dựa trên quan sát cá nhân, cho thấy nhiều giáo viên, đặc biệt ở các đô thị lớn thường phải làm nhiều công việc khác nhau. Công việc được nhiều người chọn nhất là dạy thêm. Thời gian, sức lực của thầy cô dành cho việc bên ngoài nhiều hơn 2-3 lần so với công việc chính trên trường.
Nếu thu nhập của giáo viên TP HCM khá hơn nhờ khoản thu nhập tăng thêm - một chính sách riêng của thành phố cho công chức, viên chức; thì ở các tỉnh, thành khác, nhiều giáo viên chật vật với đồng lương ít ỏi. Bà Dung cho biết và nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương với những chính sách, ưu đãi cho giáo dục.
TS Dung nhận định, khi lương giáo viên cao tương đương với sự cống hiến, sức lao động, nhà trường có thể giữ chân, tuyển dụng được người tài. Khi đó, môi trường giáo dục sẽ có thêm nhiều giáo viên yêu nghề, hết mình với nghề. "Sống được bằng lương chính là giải pháp căn cơ, gốc rễ để có nền giáo dục tốt hơn", bà Dung nói.
Năm 2019, ValueChampion, trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Singapore, thực hiện một nghiên cứu về lương trung bình của giáo viên phổ thông hoặc trung học trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ (ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và Mỹ, Pháp). Họ so sánh lương giáo viên trung bình với GDP bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Theo đó, lương giáo viên Việt Nam thấp nhất, đứng cuối trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ này.
Nghiên cứu của ValueChampion cho thấy, mục tiêu "giáo viên sống được bằng lương" qua nhiều đời bộ trưởng vẫn còn dang dở.
Tháng 11/2006, trong buổi gặp các giáo sư, nhà giáo nhân dân vừa được phong danh hiệu, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo theo lộ trình từ năm 2007 đến 2010. Mục tiêu là đến năm 2010, nhà giáo "có thể sống được bằng lương của mình".
Trong nhiệm kỳ 2010-2016, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục chia sẻ với những khó khăn của giáo viên. Bộ - dưới thời ông Luận - nhiều lần đề xuất, kiến nghị về vấn đề tiền lương và thu nhập của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, song chưa có nhiều thay đổi.
Người kế nhiệm ông Luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cũng hứa đồng hành để kiến nghị tăng lương cho giáo viên, đặc biệt là sau khi câu chuyện về một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác làm "nóng" dư luận và nghị trường, năm 2017.
Bộ trưởng Nhạ lúc đó cho biết, Bộ Giáo dục đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính rà soát, kiến nghị sửa đổi thang bảng lương và đưa vào Dự luật Giáo dục. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Nội vụ về sau không đồng tình với đề xuất tăng lương giáo viên do lo ngại phá vỡ chế độ tiền lương trong hệ thống.
Bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Kim Sơn, khi mới nhậm chức hồi tháng 4 cũng bày tỏ, ông "mong muốn đời sống người thầy được cải thiện". Dù kế hoạch và các giải pháp cụ thể cho vấn đề này chưa được đưa ra, chia sẻ của Bộ trưởng tiếp tục trở thành niềm hy vọng cho giáo viên khắp cả nước.