Hơn 5 năm đứng lớp, thầy Nam, 30 tuổi, giáo viên Thể dục một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội, đã trải qua 5 công việc làm thêm.
Tốt nghiệp đại học năm 2015, thầy Nam dạy hợp đồng ở trường rồi được vào biên chế từ năm ngoái. Tính cả các loại phụ cấp rồi trừ chi phí bảo hiểm, hiện giờ mỗi tháng thầy nhận 3,5-3,7 triệu đồng tiền lương.
Vợ thầy Nam cũng làm nhà nước, lương gần 4 triệu đồng. Nhà sáu người gồm hai vợ chồng, bố mẹ già, hai con nhỏ với đủ thứ phải chi, thầy giáo trẻ không tránh khỏi cảm xúc tiêu cực mỗi lần nhắc đến chuyện tiền bạc. Ngoài 16 tiết dạy mỗi tuần và một số công tác đoàn đội ở trường, thời gian còn lại, thầy tranh thủ làm thêm.
Lúc mới lấy vợ và có con đầu lòng, thầy giáo thể dục xin làm cứu hộ bể bơi trong trung tâm thành phố với mức lương 5 triệu đồng, làm việc 8 tiếng từ 14h chiều đến 22h. Hàng ngày, gần 11h đêm, khi con đã ngủ, hàng xóm đã tắt đèn, thầy giáo mới trở về nhà. Thời gian đó, thầy còn nhận làm huấn luyện viên bơi, 100.000 đồng một giờ nhưng không phải ngày nào cũng có lịch dạy.
Khi có con thứ hai, thầy Nam đành từ bỏ công việc vì mất quá nhiều thời gian, không thể đỡ đần bố mẹ già, vợ và hai con nhỏ. Thầy tìm đến một trung tâm giáo dục thể chất, đăng ký dạy võ buổi chiều cho học sinh tiểu học, thu nhập 4 triệu đồng.
Từ năm ngoái, do Covid-19, các trường học đóng cửa thời gian dài, thầy phải xoay sang việc khác, đủ linh hoạt để vẫn có thể dạy học online. Thầy quyết định chạy xe ôm công nghệ.
Đến đợt dịch thứ tư của năm nay, xe ôm công nghệ cũng không được hoạt động, thầy đăng ký làm nhân viên giao hàng. Công việc vất vả, thầy Nam vẫn thấy may mắn bởi giữa giai đoạn khó khăn này, nếu chăm chỉ vẫn kiếm thêm được khoảng 200-300 nghìn đồng mỗi ngày.
Làm đủ nghề, từ nhân viên cứu hộ, dạy bơi, dạy võ, chạy xe ôm cho đến shipper, mỗi tháng, thầy có thêm 4-6 triệu đồng - nhỉnh hơn cả thu nhập chính, nhưng cũng chỉ đủ để trang trải những nhu cầu cơ bản của cuộc sống ở vùng ven Hà Nội.
Lương thấp, giáo viên không sống nổi bằng nghề là thực trạng đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo hôm 11/11, khi bàn đến các giải pháp đối với vấn đề học thêm - dạy thêm, nhiều đại biểu thẳng thắn nhận định, không thể cấm dạy thêm khi mà lương giáo viên quá thấp như hiện nay.
Nhưng những giáo viên dạy "môn phụ" như thầy Nam thậm chí còn "đứng ngoài rìa" cuộc tranh luận này. Bởi dù cấm hay không cấm, nhu cầu học thêm với những môn như thể dục, mỹ thuật, âm nhạc... là rất ít, hầu như không có. Trong khi chờ đợi chính sách lương cho giáo viên thay đổi, họ chỉ còn cách xoay đủ nghề tay trái để tồn tại.
Thầy Thiện, 37 tuổi, giáo viên Mỹ thuật tại một trường Tiểu học và THCS ở Hà Nam không thể nhớ và gọi tên hết những công việc mình đã trải qua, bên cạnh thời gian đứng trên bục giảng.
Tốt nghiệp năm 2004, thầy Thiện về công tác ngay tại trường học của xã. Ở đợt xét tuyển công chức hai năm sau, thầy và vợ, cũng dạy Mỹ thuật tại trường tiểu học lân cận, được vào biên chế. Nhưng vì mới ra trường, lúc đó lương của hai vợ chồng dồn lại chỉ được hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.
Thầy phải thuê một ki-ôt gần trường, rộng khoảng 15 m2, vừa ở, vừa cơi nới để bán văn phòng phẩm và cho thuê truyện tranh. Mỗi tháng, sau khi trừ 200 nghìn đồng tiền thuê nhà và các chi phí, vợ chồng thầy dư được 500 nghìn đồng.
Đến nay, sau 15 năm đi làm, lương của thầy giáo, đã trừ thuế và bảo hiểm, là 6,8 triệu đồng, cao hơn một triệu so với vợ. Với thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng thầy Thiện sống chắt bóp vì vừa phải trả khoản nợ 300 triệu đồng vay mượn để xây nhà, vừa nuôi hai con ăn học.
"Không ai học thêm môn Mỹ thuật", thầy giáo cùng vợ làm thêm đủ nghề. Vợ thầy đăng ký làm cộng tác viên cho một hãng bảo hiểm nhân thọ, vẽ tranh thuê và bán hàng qua mạng. Thầy Thiện nhận thiết kế, in ấn băng rôn, áp phích và đúc chậu cảnh. Nhưng vì vốn liếng của hai vợ chồng hạn chế, ai đặt hàng mới dám làm nên mẫu mã sản phẩm không đa dạng, khách cũng không đều.
Mỗi khi ít việc, gặp các nhóm thợ xây thiếu người, thầy sẵn sàng đi xách vữa, phụ hồ. Mỗi tháng, tổng thu nhập bên ngoài của vợ chồng thầy Thiện khoảng 4-5 triệu đồng. Nhiều lần, thầy giáo Mỹ thuật ao ước "giá mà trước kia cố gắng theo học môn chính khóa, có thể mở lớp dạy thêm, chắc cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn".
Tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22, quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Theo đó, tất cả các môn học đều công bằng như nhau, không còn "môn chính, môn phụ" trong đánh giá, xếp loại học sinh nữa. Điều này góp phần gỡ bỏ mặc cảm cho các giáo viên như thầy Nam, thầy Thiện nhưng không thay đổi được thực tế: trong khi nhiều đồng nghiệp dạy Văn, Toán, Ngoại ngữ... sống tốt bằng dạy thêm, thì họ muốn cũng không thể.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội cho biết, 2/3 trong số 35 giáo viên của trường đang làm thêm, hầu hết là người trẻ hoặc dạy các môn năng khiếu. Công việc chủ yếu là bán hàng trực tuyến hoặc tận dụng thế mạnh bản thân để mở các dịch vụ như cho thuê phục trang biểu diễn, đồ đám cưới, làm MC, vẽ tranh tường, dạy võ, bơi...
"Không chỉ trường chúng tôi, hầu hết các trường khác cũng có tỷ lệ tương tự. Việc làm thêm ngoài giờ của giáo viên, trường không thể cấm cản, chỉ động viên thầy cô không để ảnh hưởng đến công việc chính", hiệu trưởng nói.
Dù phải xoay xở đủ nghề, thầy Nam vẫn gắn bó với nghề giáo vì muốn phát huy những gì mình học được thời sinh viên. Dạy học cũng là công việc mang lại nhiều niềm vui bởi thầy được tiếp xúc với học trò - lứa tuổi hồn nhiên, vô tư nhất.
"Lúc này tôi chỉ có hai mong mỏi. Một là thay đổi suy nghĩ của mọi người về tầm quan trọng của thể dục thể thao. Hai là cải thiện mức lương giáo viên để cuộc sống bớt vất vả và tôi có thể chuyên tâm vào những hoạt động ở trường", thầy Nam nói.
Thanh Hằng - Dương Tâm