-
11h20
Cần mạnh dạn cho học sinh vùng an toàn quay lại trường học
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu thực trạng sau một thời gian dài học sinh ở nhà phòng chống dịch, phụ huynh rất mong muốn các cháu trở lại trường để đảm bảo chất lượng tốt hơn. Dù vậy, các cha mẹ có con học tiểu học lo lắng khi trẻ chưa tiêm vaccine. "Bộ có giải pháp gì để phụ huynh yên tâm?", bà chất vấn.
Bộ trưởng cho biết, thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường an toàn. Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn và định hướng. Về mặt quan điểm, đối với các đơn vị cấp thấp như xã, phường, nơi nào đang là vùng xanh, an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu quay trở lại trường.
Hiện nay, các tỉnh phần lớn lấy căn cứ để quyết định đi học trở lại theo quy mô cấp huyện, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường.
Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã phường, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã phường thuộc vùng xanh có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh. Cả huyện mà vùng xanh, an toàn thì mở cửa trường trung học.
Theo ông Sơn, hôm qua Bộ trưởng Y tế nhắc đến tình trạng tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi trên thế giới "vẫn còn câu chuyện phía trước". Do đó, Bộ trưởng Giáo dục cho rằng, nên tùy theo tính chất, mức độ, tình hình từng địa phương để đưa học sinh quay lại trường, đảm bảo các điều kiện an toàn.
Hôm qua, khi trả lời chất vấn tại nghị trường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục đã tổ chức hội nghị với các địa phương, tinh thần là "các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học".
Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học vừa đảm bảo an toàn. Ông nói thêm, các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường vì "hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, trẻ 6-11 tuổi không nên chờ". Hơn nữa, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không lớn. "Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2", Bộ trưởng Long nói.
Theo lãnh đạo ngành Y tế, Nghị quyết 128 nêu rõ địa phương tình trạng dịch bệnh ở ở cấp độ 1 đi học bình thường, cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, nhưng đến nay mới có 22 tỉnh, thành lên kế hoạch mở cửa trường học.
-
11h10
Bốn giải pháp giảm dạy thêm
Tiếp tục tranh luận về chủ đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nói, từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều và câu chuyện này chưa có hồi kết. Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát các quy định của pháp luật, "nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi".
Theo ông Thành, có bốn vấn đề chiều sâu cần giải quyết liên quan đến việc dạy thêm.
Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa. "Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết", ông nói.
Thứ hai, ông Thành đề xuất thay đổi phương pháp, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.
Thứ ba, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa theo hướng "tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu".
Thứ tư, theo ông, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Ông Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.
Đáp lại, Bộ trưởng Sơn nói việc dạy thêm, học thêm vẫn cần giải pháp chuyên môn và tham khảo tinh thần thái độ, dư luận xã hội. "Những ý đại biểu nêu là giải pháp về chuyên môn, chúng tôi đang triển khai. Đổi mới giảng dạy một số môn đang theo tinh thần tự học, sáng tạo. Việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm", ông Sơn nói. Thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng đổi mới nhằm hạn chế việc dạy thêm. "Thực tế phụ huynh học sinh có tâm lý muốn con em mình học ứng thí hơn là chú ý đến phát triển bản thân các cháu. Đây là vấn đề tâm lý xã hội cần điều chỉnh", Bộ trưởng Sơn nêu quan điểm.
-
11h05
Cần xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia
Trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về kế hoạch dạy và học trong điều kiện Covid-19 có thể còn kéo dài, Bộ trưởng Sơn cho rằng cần đầu tư để hình thành nền tảng đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia.
Vừa qua, Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông giải quyết được một số việc cụ thể. Trong hơn 1.900 điểm lõm sóng, trong vòng hai tháng Bộ Thông tin đã xử lý được gần 290 điểm.
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục, cần xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia. Để làm được việc này, các tập đoàn lớn trong hệ thống bưu chính viễn thông cần tham gia để chuyển đổi số toàn quốc, chứ không để mỗi nơi một nền tảng khác nhau, thiếu tính bền vững.
Hiện nay, các quy định, hướng dẫn tương đối đầy đủ, nhưng đang thiên về ứng phó tạm thời. Do đó, Bộ trưởng cho biết, sau đợt này sẽ có đánh giá sâu hơn, pháp chế hóa cho một số văn bản hướng dẫn tạm thời về dạy học online.
Ông Sơn cho biết cần xây dựng kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn, vì khi có nền tảng thì việc học trực tuyến sẽ đảm bảo. Các giải pháp phải đồng bộ từ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý, tập huấn con người.
Trong chiến lược của Bộ Giáo dục thì chuyển đổi số là một trong những đột phá của ngành thời gian tới. "Chúng tôi cho rằng việc dạy trực tuyến lúc này là hình thức ứng phó tạm thời nhưng khi dịch đã ổn định, ngành cũng sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện mang tầm chiến lược", ông Sơn cho hay.
-
10h55
Học sinh học lịch sử theo cách đối phó
Liên quan môn lịch sử, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, dù đã đề cập từ lâu, đến nay vẫn có thực tế là điểm thi môn lịch sử thấp so với các môn khác, học sinh không yêu thích, học với tính chất đối phó. "Đây là vấn đề chúng tôi rất là suy nghĩ", Bộ trưởng nói và giải thích, bởi lịch sử là môn học rất quan trọng, cung cấp kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống, giúp tu dưỡng phát triển con người, hiểu biết đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Học sinh không hứng thú, theo Bộ trưởng, có thể do ở cả việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Cách dạy môn lịch sử hiện nay vẫn thiên về sự kiện, số liệu. Cách thức này chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh. Quá trình kiểm tra, đánh giá cũng thiên về số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đổi mới giảng dạy môn lịch sử", Bộ trưởng thông tin. Theo đó, hướng thay đổi sẽ tăng cường sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu với lịch sử. Học sinh còn điểm khác trong cảm nhận, đánh giá thì sẽ trao đổi để thuyết phục, tranh luận. Quá trình thi, kiểm tra không đánh đố học sinh nhớ con số, ngày tháng.
-
10h45
Tài liệu giảng dạy phải 'đảm bảo chuẩn mực, khoa học'
Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng hướng, tốt, nhưng để đánh giá hiệu quả chương trình phổ thông thì phải qua SGK.
"Theo Bộ trưởng, có cần một quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ SGK trong tương lai: không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì. Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai SGK mới trong thời gian vừa qua hay chưa?", ông Hiếu chất vấn.
Bộ trưởng Kim Sơn cho biết các bộ SGK hiện tại là để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; so với SGK chương trình cũ có sự khác nhau về tính chất, cách thức sử dụng. Chương trình 2018 mang tính pháp điển, là cơ sở để kiểm tra đánh giá. SGK bây giờ được xem là học liệu, là căn cứ để xã hội hóa, triển khai nhiều bộ khác nhau.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là bất cứ tài liệu nào được đưa vào giảng dạy cũng phải đạt chuẩn mực, tính khoa học, sư phạm. Chủ trương của Bộ là "cố gắng có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất".
Về việc thực nghiệm, do đây là tài liệu nên quá trình triển khai thiên về việc giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia.
"Ý kiến của đại biểu Lân Hiếu rất quan trọng, chúng tôi sẽ xem xét hoàn thiện trước khi ký ban hành", ông Sơn cho hay.
-
10h35
Thiếu 94.000 giáo viên
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề vi phạm đạo đức, lối sống, mất an toàn trường học đúng là nội dung đang gây bức xúc cho xã hội, gây lo lắng cho phụ huynh. "Đây là vấn đề lớn mà Bộ quan tâm", Bộ trưởng nói. Về chỉ đạo vĩ mô, ngành giáo dục đã xây dựng chương trình an toàn, với nhiều nội dung về tăng cường đạo đức, lối sống. Đồng thời, Bộ trưởng nói thêm, việc ban hành chính sách, giải pháp chung là việc từ phía Bộ, nhưng cũng có vai trò trách nhiệm của các thầy cô, sự phối hợp của địa phương.
Về vấn đề thiếu giáo viên mà đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) đặt ra, Bộ trưởng thông tin, số lượng giáo viên cả nước đang thiếu hiện nay là trên 94.000, trong đó hơn 1/3 là thiếu giáo viên mầm non. Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ đang có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Năm 2019, hai bộ đã trình và được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên cho 14 tỉnh, trong tháng vừa rồi đã trình tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên để giải quyết một phần tình trạng này. Hai bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ, việc thừa thiếu không phải hai bộ đổ lỗi cho nhau", Bộ trưởng nói.
-
10h30
'Giáo viên dạy thêm vì lương quá thấp'
Tham gia tranh luận về vấn đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nói rằng, theo như Bộ trưởng trả lời thì quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là cấm dạy thêm.
"Như vậy, quan điểm của ngành giáo dục về vấn đề này là phải cấm. Tôi đồng tình với Bộ trưởng là phải cấm dạy thêm trực tuyến, vì lợi ích của các cháu. Nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề", ông Long nói.
Ông phân tích, từ trước đến nay "chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ: cái gì không quản được thì cấm", ông Long nêu quan điểm.
Ông cho rằng, nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống vì đây là nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. "Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần là nhờ học thêm. Chứng tỏ nó có tác dụng chứ không phải không", ông dẫn chứng.
Tại phiên chất vấn hôm qua, có đại biểu băn khoăn tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà y tế không cấm bác sĩ làm thêm. "Vậy hôm nay tôi đặt vấn đề lại là tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được. Tôi cảm giác là khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn rõ được căn nguyên câu chuyện", ông Long nêu quan điểm.
Cả nước có 38.000 giáo viên phổ thông tiểu học. Vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. "Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. Qua hai năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng cần cứu trợ", đại biểu Long bày tỏ.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích, trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư quy định việc dạy thêm và học thêm, nhưng nếu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì mới điều tiết được. Năm 2016, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên nhiều điều trong thông tư không còn hiệu lực. Bộ Giáo dục đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
"Còn nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh, bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt thì lại là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cần phải cấm. Dạy trực tuyến đã căng thẳng, nếu giáo viên còn dạy thêm theo cách này thì mới là điều cần lên án", Bộ trưởng Sơn nói.
-
10h25
Ghi tên Hội đồng thẩm định vào SGK để tăng trách nhiệm
Trả lời đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) về giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định cần nhiều yếu tố. Trong đó người soạn sách là đặc biệt quan trọng, bên cạnh quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan khác nhau.
Hiện nay, Bộ Giáo dục đang sửa đổi thông tư 33 về biên soạn, thẩm định xuất bản SGK. Văn bản này đang được lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, Bộ chủ trương không đợi tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến mới thẩm định mà sẽ giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu. "Mặc dù xã hội hóa nhưng cần giám sát toàn bộ quá trình và có sự đồng hành của nhà quản lý chứ không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả", ông nói.
Bộ cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Người biên soạn không được tham gia hội đồng thẩm định. Để gia tăng trách nhiệm, những người tham gia hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào SGK, cùng chịu trách nhiệm.
-
10h20
Gần 1,9 triệu học sinh không có thiết bị học tập
Đánh giá về quá trình dạy, học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, biện pháp này là cách ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, Bộ trưởng nói, không phải 1,5 triệu em mà chính xác là 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học.
"Giải quyết vấn đề này cấp bách hơn là đánh giá xem các cháu học được gì từ chương trình trực truyến", Bộ trưởng nêu quan điểm và cho biết, điểm tích cực là những vùng khó khăn hàng đầu, các vùng chia cắt ở miền núi phía bắc vẫn đang có thể học trực tiếp.
Đánh giá về hiệu quả, Bộ trưởng nói, học trực tuyến là giải pháp thách thức, nên "chất lượng không thể như học trực tiếp". Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý "không đưa các em ra đánh giá ngay". "Chúng ta đừng căng thẳng quá, đầu tiên phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng chống dịch, rồi sau đó mới bắt đầu. Không nên nhồi nhét, đặt vào tay các em các phiếu đánh giá, khảo sát. Việc cân đo đong đếm còn ở phía trước", Bộ trưởng nói.
Trong nhóm giải pháp củng cố kiến thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói cần căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi. Bộ sẽ không bỏ các bài giảng trên truyền trình, chương trình học trực tuyến. Khi học sinh quay lại trường, giáo viên có trách nhiệm đánh giá để phân ra theo nhóm, tùy theo khả năng từng em, vì một lớp khó có thể đồng đều như trước. "Các cháu có thiết bị tốt, bố mẹ kèm cặp tốt thì tốt hơn, các cháu thiết bị phập phù có thể sẽ kém hơn", Bộ trưởng nhận xét.
Theo đó, triển khai phương pháp dạy theo hướng cá thể hóa là phù hợp cho một lớp có nhiều trình độ. "Chúng ta cần những giải pháp tổng thể về chuyên môn, về trang thiết bị, về tư vấn tâm lý, cần giải pháp mang tính tổng thể hơn", Bộ trưởng cho biết.
-
10h05
Tại sao học sinh điểm tốt nghiệp cao vẫn trượt đại học?
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) nêu thực trạng có những em điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình đạt 9 nhưng vẫn trượt đại học, có thể do cơ chế tự chủ xây dựng chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh của các trường. "Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?", bà hỏi.
Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo cho biết 165 học sinh từ 27 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển đại học có nhiều nguyên nhân. Trước hết, hầu hết số này chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng, vào chủ yếu các trường công an, quân đội. Cạnh đó, cũng có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển dành cho các nhóm riêng nên chỉ tiêu ít, ảnh hưởng đến khả năng trúng tuyển.
"Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo luật quy định, nhưng nằm trong chế tài cho phép. Bộ sẽ rà soát, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học, vừa phức tạp cho xã hội, thí sinh khó theo dõi và rủi ro cho người đăng ký", Bộ trưởng nói.