GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, một số vùng an toàn sắp được đi học lại thì phương án học online sẽ vẫn phải duy trì một thời gian nữa. Do đã học trực tuyến khá lâu, học sinh bắt đầu mệt mỏi nên theo ông "điều cần làm tìm ra cách thức để đạt hiệu quả hơn. Do đó, cần đề ra các hành động tích cực, thay vì cho rằng việc này chỉ toàn nỗi lo", ông Sơn nói.
Theo GS Sơn, kỹ năng của giáo viên trong việc dạy online rất quan trọng, nhất là kinh nghiệm tổ chức. Ngoài việc làm chủ phần mềm, kỹ năng tương tác để tạo ra bài dạy trực tuyến lôi cuốn, gây hứng thú với học sinh là yếu tố quyết định.
Giáo viên phải đầu tư vào ý tưởng dạy học. Chuỗi các hoạt động trong bài giảng cần được xây dựng khoa học, nghệ thuật, trong đó nên có nhiều hoạt động khám phá, trò chơi, bài tập ngắn và thực hành có sản phẩm. "Nếu không có tư duy về kế hoạch bài dạy hay không có ý tưởng tổ chức, dù dạy học trực tuyến hay trực tiếp vẫn có thể sa vào sự nghèo nàn và khuôn sáo", ông Sơn nhận xét.
Ông lưu ý thêm, sắp tới, phụ huynh phải đi làm trở lại, do đó, thầy cô cũng cần phối hợp tốt với gia đình, tránh những trục trặc về kỹ thuật xảy ra khi người lớn vắng nhà. Giáo viên có thể đề nghị các cha mẹ dành thời gian hướng dẫn để con hoặc người hỗ trợ thuần thục các thao tác. Sự chuẩn bị trên cần tiến hành sớm. Bởi khi người trong cuộc chưa chuẩn bị tâm thế, chưa có kỹ năng, quá trình "chuyển giao" có thể trở thành áp lực, tạo cảm giác lo lắng, bài xích việc học.
Để giảm bớt căng thẳng về thời gian, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3, TP HCM đưa ra giải pháp bố trí lịch học linh hoạt. Thời khóa biểu được áp dụng chung cho cả lớp có thể không phù hợp với điều kiện sinh hoạt, làm việc của một số gia đình.
Do đó, phụ huynh có thể phối hợp với giáo viên, điều chỉnh lịch học phù hợp, thuận tiện hơn. Hiện, dạy trực tuyến có nhiều hình thức, không chỉ trực tiếp quan ứng dụng mà còn qua Zalo, Facebook, email hoặc hệ thống E-learning. "Nếu đúng lịch học mà phụ huynh đang bận hoặc mệt mỏi, có thể sắp xếp cho bé tự học bài hôm đó trong giờ khác, hình thức khác, miễn là hoàn thành nhiệm vụ học tập", ông nói.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, tận dụng tốt công nghệ sẽ giảm sự nhàm chán cho giờ học online. Giáo viên không thể sử dụng nguyên bài giảng truyền thống trên lớp để dạy online. Thay vào đó, thầy cô cần thiết kế lại để phù hợp với thời gian và cách thức tiến hành.
"Hoạt động rất cần chú ý khi thiết kế bài giảng là tính tương tác với người học, làm thế nào để thu hút học sinh và giúp giờ học trực tuyến không còn là nỗi ám ảnh với các em", cô nói.
Chuyên gia gợi ý một số cách giúp giáo viên tương tác với học sinh khi học online tốt hơn. Chẳng hạn, thầy cô nên tạo cơ hội cho học sinh đặt câu hỏi ẩn danh. Việc này sẽ mang đến cảm giác an toàn với những học sinh rụt rè, ngại lên tiếng trước đám đông, tạo điều kiện để các em tham gia và đóng góp vào bài học. Để áp dụng phương pháp này, cô Phương gợi ý một số ứng dụng như Padlet, Slido.
Bên cạnh đó, cô Phương nhận định khi phải nghe giảng liên tục trong thời gian dài (khoảng 15 phút trở lên) mà không được tương tác, nêu ý kiến, học sinh thường mất khả năng tập trung, lưu trữ thông tin. Vì vậy, giáo viên cần tổ chức các bài tập nhóm thông qua hệ thống "break room" của Zoom hoặc MS Teams để học sinh chủ động, trực tiếp tìm hiểu bài hoặc tổ chức các trò chơi mang tính cạnh tranh, tạo động lực cho các em.
Theo cô Phương, để tránh việc chỉ một số học sinh được gọi phát biểu mới có thể tham gia bài học, hay một vài em nội trổi hơn sẽ giải đáp được hết các câu hỏi, giáo viên nên làm danh sách câu hỏi và chuyển lại cho cả lớp sau giờ học. Những câu hỏi này có thể làm theo dạng trắc nghiệm kết hợp điền đáp án, cho phép các em truy cập trực tuyến. Chức năng này được một số phần mềm hỗ trợ như Poll Everywhere, Mentimeter...
Khi được trang bị tốt những kỹ thuật, công nghệ và phương pháp dạy học, học sinh duy trì được hứng thú và sự tập trung. Các em sẽ cân bằng được sức khỏe tinh thần, thể chất trong giai đoạn học trực tuyến kéo dài, cha mẹ từ đó cũng bớt vất vả hơn.
Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã dừng đến trường hơn 5 tháng, trong đó có hơn một tháng học online liên tục; bên cạnh 2-3 đợt học trực tuyến kéo dài của các năm học trước. Học sinh TP HCM sẽ còn phải học trực tuyến ít nhất đến hết tháng 12. Sở Giáo dục và Hà Nội cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc cho học sinh trở lại trường dù Hà Nội được đánh giá là đạt tiêu chí "vùng xanh".