Tình trạng này diễn ra tại nhà chị Ngọc Linh, 36 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, đã nhiều tháng nay. Chị Linh có ba con: học lớp 5, lớp 2 và bé hai tuổi. Chồng chị Linh, do đặc thù công việc thuộc lĩnh vực thiết yếu, vẫn phải đi làm trong suốt thời gian Covid-19 bùng phát tại Hà Nội. Từ khi sinh bé thứ ba, chị tạm nghỉ ở nhà để chăm con.
Đầu tháng 5, khi học sinh Hà Nội dừng đến trường, ngoài việc trông bé út hai tuổi, chị bị cuốn vào nhiều nhiệm vụ không tên khác khi cả hai con lớn đều ở nhà. Mỗi sáng, chồng chị chỉ kịp hỗ trợ sơ chế nguyên liệu nấu cháo và đồ ăn sáng cho các con.
Từ khi các con vào trực tuyến, chị càng cảm thấy mình "như gà mắc tóc". Thời điểm chị Linh nấu cháo cho cậu con út mỗi sáng là lúc hai đứa lớn vào giờ học. "Hôm suôn sẻ thì không sao, hôm nào gặp trục trặc, tôi chạy đi chạy lại giữa hai đứa, có lần còn cháy cả cháo", chị kể. Có những lúc, đứa nhỏ thì khóc, hai đứa lớn gọi ời ời vì mạng lỗi. "Những lúc như vậy, tôi muốn phát điên", chị nói.
Ông bà ở xa, lại đều đã già không thể nhờ cậy, chị "cực chẳng đã" phải nghỉ việc nhưng vẫn cảm thấy không đảm đương nổi một đứa trẻ bế ẵm và hai đứa lớn học online. Người mẹ mong sớm có giải pháp để các con trở lại trường vì cảm thấy tinh thần mình đã chạm ngưỡng chịu đựng.
Chị Kim Vân, 33 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, nhận thấy cậu con trai lớp 2 của mình có rất nhiều dấu hiệu thay đổi về tâm lý; đặc biệt sau gần một tháng học online trong năm học mới, con thể hiện sự chống đối mạnh mẽ. "Con không còn muốn học theo lịch và thường lảng tránh nếu bố mẹ không ngồi cạnh thúc ép. Dù có ngồi học, con cũng không thể tập trung", chị Vân nói.
Khi Hà Nội còn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vợ chồng chị Vân làm việc online ở nhà nên dễ dàng hỗ trợ con. Từ ngày 21/9, thành phố nới lỏng, chị phải đến cơ quan làm việc. Để con ở nhà cho bà nội trông, người mẹ không thể trông chờ bà gần 70 tuổi hướng dẫn cháu làm bài tập ở nhà và ôn lại bài. Sau giờ học online buổi tối, chị cũng không thể bắt ép con ngồi học thêm nữa.
Chia sẻ về điều này, Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên gia Tâm lý học trường học chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo về mặt sức khoẻ tâm thần khi trẻ học online mà phụ huynh cần nhận ra sớm như: sợ hãi, lo lắng quá mức; quá kích động so với bình thường hoặc so với phần lớn trẻ khác; hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối; dễ nóng nảy và cáu kỉnh; né tránh khỏi các tương tác xã hội; mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; ăn mất ngon hoặc ăn quá nhiều...
Nhiều gia đình đối phó với tình trạng học online kéo dài bằng cách tìm người giúp đỡ. Chị Quỳnh Hoa, 32 tuổi, là giáo viên mầm non tại một trường tư thục ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vì không có thu nhập từ khi học sinh dừng đến trường, cô giáo nhận 3-5 bé về nhà trông.
"Nhiều người còn đề nghị tôi để mắt giúp cả những bé tiểu học, phải học trực tuyến vì ở nhà không ai thao tác giúp", chị Hoa kể. Tuy nhiên, vì chỉ có một mình, chị chỉ dám nhận thêm 4 bé nữa.
Các hội nhóm cư dân trên Facebook cũng có nhiều bài đăng tìm người trông trẻ, rải rác từ cuối tháng 9 đến nay. Thậm chí, có phụ huynh không cần giáo viên nhận trông mà chỉ cần nhà nào có người ở nhà nhận trông tính phí là có thể gửi.
Mới đây, ngày 8/10, trường liên cấp Capitole đón hơn 40 học sinh quay lại, vi phạm quy định phòng dịch và bị phạt 30 triệu đồng. Câu chuyện có thể là một ví dụ cho thấy khả năng chịu đựng việc con học online của các phụ huynh đã đến ngưỡng. Đại diện trường Capitole giải thích, do nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con, đồng thời không có người hỗ trợ con học trực tuyến nên đã đề nghị trường nhận trẻ. Bên cạnh việc phê phán trường làm sai quy định của thành phố, nhiều phụ huynh cũng phần nào chia sẻ với nhu cầu được gửi con của các phụ huynh khác.
Đến nay, học sinh Hà Nội và nhiều địa phương đã dừng đến trường hơn 5 tháng, trong đó có hơn một tháng học online liên tục; bên cạnh 2-3 đợt học trực tuyến kéo dài của các năm học trước.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng phải đóng cửa trường học khi dịch bệnh bùng phát, chẳng hạn Hàn Quốc. Đầu tháng 6 năm nay, Bộ Giáo dục nước này công bố kết quả học tập của học sinh các cấp và xác nhận "việc gián đoạn học tập và thay đổi hình thức từ trực tiếp sang online đã khiến kết quả học tập đi xuống".
Với học sinh lớp 9, 13,4% không giải được các bài toán cơ bản, tăng gần 2% so với kết quả trước khi Covid-19 bùng phát. Ở môn Tiếng Anh, 7,1% học sinh cũng không thể vượt qua yêu cầu mức cơ bản trong khi mức trước đó chỉ 3,3%.
Trước thực trạng này, Hàn Quốc nỗ lực mở cửa trường học trở lại từ đầu tháng 9. Theo Korea Times, đa số giáo viên, phụ huynh và cán bộ giáo dục bày tỏ sự đồng tình với quyết định này vì "đại dịch đã làm gia tăng sự bất bình đẳng trong trường học" và "các lớp trực tiếp mang đến nhiều lợi ích hơn là nguy cơ đối với trẻ em".
Chiều 11/10, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú). Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng chia sẻ, dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, sau đó mở rộng các nhóm tuổi thấp hơn.
Sau khi hay tin này, cùng với việc biết Hà Nội đã công bố dự thảo 15 tiêu chí an toàn để các trường đón học sinh trở lại, chị Vân khấp khởi hy vọng.
"Dù trường phải học theo hình thức giãn cách, cho các con đến trường 2-3 buổi một tuần tôi cũng đồng ý. Con ở nhà quá lâu, đến bố mẹ, ông bà còn phát điên chứ chưa cần nói đến con", chị Vân nói. Bà mẹ tin rằng đến trường dù 2-3 buổi một tuần ở thời điểm này cũng giúp tâm lý của con và cả hiệu quả học tập tốt hơn.
Thanh Hằng - Dương Tâm