Yêu cầu này là một trong những nội dung trọng tâm được nêu trong nghị quyết số 127 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ quan, địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại, phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số tiếp tục được duy trì sản xuất, phát sóng. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" vẫn được triển khai nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn để các em có đủ điều kiện học tập trực tuyến.
Về việc tiêm vaccine cho trẻ em, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm sao cho thận trọng, an toàn và khoa học.
Tối 13/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn để thực hiện Quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Theo đó, có ba tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng an toàn. Thứ nhất, số ca nhiễm cộng đồng mới/100.000 dân/tuần. Thứ hai, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine theo hai mức (trên 70% và dưới 70%); tối thiểu 80% người từ 65 tuổi được tiêm đủ liều (trong tháng 10/2021); 80% người từ 50 tuổi được tiêm đủ liều (từ tháng 11/2021). Thứ ba, khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 8/10, chỉ có 23 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đi học trực tiếp. 10 địa phương kết hợp học trực tiếp và trực tuyến. 30 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình hoàn toàn.
Hàng triệu học sinh trong số hơn 22 triệu học sinh cả nước đã dừng đến trường được hơn 5 tháng, trong đó có hơn một tháng học online liên tục chương trình năm học mới. Chuyên gia tâm lý đánh giá việc phải học online trong thời gian dài khiến trẻ sợ hãi, lo lắng quá mức; dễ kích động; hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối; dễ nóng nảy và cáu kỉnh; né tránh khỏi các tương tác xã hội; kết quả học tập giảm sút...