Bản kiến nghị được viết trên một mặt giấy A4, có chữ ký của cả bốn cô bé 4, 9, 11 và 15 tuổi. Trong đó có đoạn viết: "Bọn con đang phải sống trong những ngày vô cùng ức chế và bức xúc. Đang là thời gian nghỉ hè và nghỉ dịch mà tại sao bọn con lại không được dùng điện thoại?".
Bà mẹ 35 tuổi ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Có những câu các con viết ra khiến vợ chồng mình vừa buồn cười vừa sốc. Hai vợ chồng thực sự đã phải suy nghĩ làm sao cho các con thoải mái trong khuôn khổ".
Vợ chồng chị giống nhau ở chỗ đều thích đông con. Nhà có bốn "công chúa" nên anh chị được nhờ sớm. Từ khi nghỉ dịch, các bé được giao thêm trách nhiệm và tập thêm được nhiều việc chưa biết làm. 10h trưa mỗi ngày, cô bé 11 tuổi bắt đầu nấu cơm canh và một món mặn đơn giản. Ăn xong bé này tiếp tục rửa bát, em 9 tuổi sẽ dọn bàn ăn và quét nhà. Bữa cơm chiều và việc rửa bát, lau nhà sẽ là phần của chị cả...
"Chỉ có điều đợt dịch này dài gần 4 tháng nên việc hạn chế các con sử dụng điện thoại và TV là đau đầu nhất. Đông con, lại nhà nhiều tầng nên không thể kiểm soát hết được", người mẹ làm nghề điều dưỡng, nói.
Hai tuần trước, các bé nhà chị Mai Anh mải mê với điện thoại nên quên công việc bố mẹ giao. Một đêm muộn, chị ghé phòng hai con lớn thì phát hiện chúng vẫn cắm cúi vào màn hình. Chị và ông xã "nổi cơn thịnh nộ", tịch thu điện thoại và cấm từ đó. Không ngờ đến ngày thứ ba, các bé rủ nhau "khiếu kiện tập thể".
"Cuộc họp chấn chỉnh kỷ cương" kéo dài khoảng một tiếng và đi đến cam kết mỗi ngày các bé chỉ được xem điện thoại hoặc TV vào các khung giờ quy định, hết giờ phải tự giác chơi trò khác. Đồng thời bố mẹ đưa ra quy chế thưởng - phạt với việc xem điện thoại, học tập và việc nhà của các con.
Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình trên khắp thế giới. Theo tổ chức Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF), 139 triệu trẻ em trên toàn cầu đã phải ở nhà trong ít nhất 9 tháng kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Tại Việt Nam, làn sóng Covid-19 thứ 4 từ cuối tháng 4 khiến những đứa trẻ đang trải qua "kỳ nghỉ hè kéo dài chưa từng có". Cuộc sống của nhiều đứa trẻ bị giới hạn chỉ trong mấy bức tường và màn hình thiết bị điện tử.
Để tránh tình trạng bốn con nghiện smartphone, ông bố Nguyễn An Huy, ở Gia Lâm (Hà Nội) cất điện thoại vào két sắt, mỗi ngày chỉ cho các con xem một lần trong một tiếng. Thời gian còn lại, anh tạo trò chơi cho các con.
Sáng ngủ dậy, ông bố 40 tuổi vào "spa" của hai con gái Cherry, 6 tuổi và Pony, 2 tuổi rưỡi, để được hóa trang, mặc váy, đi catwalk. Sau đó phải vào "sòng bài" của hai con lớn Hiếu Bi, 13 tuổi và Bibi, 7 tuổi để chơi bầu tôm cua cá.
"Đến đêm lại phải vào tửu lầu của má mì để xem ả đào hát. Khổ nỗi nhà giờ thành cái bang, để tránh tình trạng nghỉ dịch ở nhà tiếp xúc với vợ lỡ có em bé mình chọn cách sống cục cằn với vợ", anh Huy nói hài hước.
Đang là ông chủ một cửa hàng điện thoại đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, nay anh Huy trở thành "ông bố bỉm sữa". Chỉ riêng tắm rửa, thay quần áo và giải quyết tranh cãi giữa chúng cũng hết ngày.
"Đặc điểm gia đình đông con là chúng cãi nhau liên tục. Không chỉ giành đồ ăn, đồ chơi, chúng còn giành bố mẹ, ngày nào cũng từ sáng đến tối, mệt bở hơi tai", ông bố than thở.
Anh luôn lấy quy tắc "lớn nhường bé" để trị. Song, nhà có hai bé san sát hay chành chọe nhất. Con trai 7 tuổi lập luận "hơn có một tuổi nên không nhường", em gái ương bướng đòi không được là khóc lóc. "Có hôm chúng giành nhau cái kẹo, mình đành cầm cái kẹo cho mỗi đứa mút một miếng. Được vài lần thì thằng anh chán đành nhường con em", ông bố kể.
Vì dịch các con ở nhà 24/24 nên nhiều lúc Tú Anh, ở thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) cảm thấy bị vắt kiệt sức vì phải chăm 5 đứa con, lần lượt 10, 6, 3 tuổi và cặp sinh đôi một tuổi
Người phụ nữ 36 tuổi chia sẻ, bố tụi nhỏ vẫn phải quản lý công ty xây dựng nên đi sớm về muộn. Chị thuê thêm ông bà vú giúp đỡ, song chỉ để ông bà trông con và dọn dẹp nhẹ nhàng. Còn lại việc nấu nướng, ăn uống, tắm rửa, dạy học đều một tay chị lo liệu. Bên cạnh đó, chị vẫn phải quản lý công việc kinh doanh online.
Năm đứa con ở các độ tuổi khác nhau nên giờ giấc sinh hoạt, khẩu vị ăn uống cũng khác nhau. Trước giờ nấu cơm, người mẹ sẽ hỏi các con muốn ăn món gì. Lo cho tụi nhỏ xong, chị mới chuẩn bị thực đơn khác cho bốn người lớn. "Tôi thường mất 2 tiếng mỗi buổi để nấu nướng và dọn dẹp. Mỗi ngày, việc bếp núc mất đến 5 tiếng", chị Tú Anh nói.
Tuần này, tổ dân phố nơi gia đình đang sinh sống bị giãn cách theo chỉ thị 15+. Vấn đề nhu yếu phẩm của nhà đông con càng trở nên "nan giải". Mỗi tuần, gia đình chỉ được đi chợ 2 lần nên chị liên tục phải bổ sung đồ qua kênh shipper. Dẫu vậy, nhiều lần chị phải bảo các con "thông cảm nhịn" vì không mua được món chúng muốn.
Từ lúc các con nghỉ dịch tới nay, Tú Anh chưa được một buổi trưa nào chợp mắt. Áp lực nhất là khi 3 bé lớn ồn ào, tranh nhau. Nhiều lúc người mẹ la mà con không nghe, đành phải dừng lại mọi việc để nhẹ nhàng giải thích, thậm chí xin các con cho vài phút nghỉ ngơi đầu óc.
"Thời khắc hạnh phúc nhất trong ngày là buổi tối khi mọi việc đã tươm tất, cả nhà nằm sofa xem chương trình cổ tích. Lúc này, 5 đứa như đàn lợn con quây quần quanh mẹ, vô cùng hạnh phúc", chị chia sẻ.
Ở nhà mùa dịch cùng con cái khiến các cặp vợ chồng nhận ra họ phải thay đổi. Một ngày sau "cuộc họp chấn chỉnh kỷ cương", ông xã Mai Anh kiếm giấy bìa về hướng dẫn các con làm đồ thủ công và cùng các cô gái tập thể dục mỗi chiều. Chị Mai Anh tổ chức các buổi làm chè bánh để lôi kéo các con vào bếp. Hiện hai cô gái lớn học đã được nhiều món ăn mới và ấp ủ "khởi nghiệp bán đồ ăn". "Vợ chồng tôi ủng hộ kế hoạch kinh doanh của các con và sẽ tạo điều kiện cho các con thử sức", người mẹ nói.
Thời gian giãn cách cũng khiến anh Huy nhận ra đã gắn bó với các con theo một cách hoàn toàn khác trước. Ông bố như người bạn với con trai cả năm nay vào lớp 8, cùng đặt mục tiêu thể thao "30 ngày thay đổi bản thân". Cậu bé thứ hai chuẩn bị vào lớp 2, rất thích Toán nên mỗi đêm trước lúc ngủ bố hay đố toán, chỉ trong khoảng một tuần cậu bé đã tính thông thạo đến hàng trăm. Con gái thứ ba đúng kiểu "người tình của bố", đi đâu bám đấy như cái đuôi. Con út nhất quyết không chịu cho ai đụng vào người ngoài bố...
Đại dịch, ở một góc độ nào đó cũng có mặt tích cực. Một nghiên cứu gần đây của Harvard đã phát hiện đa phần các ông bố cảm thấy "gần gũi và gần gũi hơn nhiều" với con của họ so với trước đại dịch. Cha và con cùng khám phá ra các sở thích chung, hiểu con hơn và cảm thấy được các con đánh giá cao hơn.
Tối Chủ nhật, bên ngoài im lặng như tờ, bên trong căn chung cư ở Gia Lâm, anh Huy bị hai con gái trèo đầu cưỡi cổ, buộc tóc, tô son. Ở ghế bên cạnh, bà xã anh đang nằm dài tận hưởng những giây phút thư thái khi được hai con trai massage.
Phan Dương