Ngọc Anh đã phát hiện tủ bị hỏng giàn lạnh từ chiều 23/7 và gọi thợ sửa đến sửa hết 2,4 triệu đồng. Hơn 10h đêm, khi xong xuôi việc sơ chế cũng là lúc người phụ nữ 28 tuổi nhận thông tin thành phố sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 6h sáng ngày 24/7. Ngọc Anh xuýt xoa với chồng "may mắn đã kịp chuẩn bị và yên tâm nửa tháng tới không phải đi chợ nữa".
"Cả nhà kê cao gối ngủ đến sáng hôm sau mở tủ lạnh, kinh hoàng nhận ra tủ không còn mát tí nào. Gọi cho thợ thì họ không thể tới nữa vì không dám đi qua chốt kiểm soát nên trả lại tiền", Ngọc Anh kể.
Là chủ một công ty hoa giả, trước dịch phải nấu ăn cho nhân viên nên chị Ngọc Anh đã quen trữ đông thực phẩm sao cho khoa học. Đợt này, chị thậm chí còn quay video hướng dẫn người nhà làm theo. Trong ngày 23/7, chị đã đặt mua 7 kg thịt ba chỉ, 3 kg sườn, 3 kg cá basa, 2 set giả cầy, 2 kg nạc vai, 2 kg thịt chân giò, 2 kg mực ống, 2 kg râu bạch tuộc, một kg xúc xích, một kg ba chỉ gác bếp, một kg bò khô, một kg tôm nõn. Bên cạnh đó là đủ loại rau củ. Tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng.
Sau một hồi hoang mang, cả nhà quyết định sẽ thái và phơi khô tất cả "như cách người xưa vẫn làm khi không có tủ lạnh". Người mẹ thái thịt đến đâu, hai con lớp Một và lớp Ba xếp lên giấy thấm, rồi đặt vào rổ rá đến đó. Trong nhà có bao nhiêu rổ rá, nong nia đem ra tận dụng hết. Ông xã làm nhiệm vụ vận chuyển hàng chục chuyến lên nóc nhà phơi. Không chỉ thịt cá, họ còn phơi măng, sả, cà rốt, khoai tây cho đến cả hành lá. Mấy ngày nay giữa trưa nắng, hai vợ chồng phải leo lên mái tôn đảo, mỗi lần mất cả nửa tiếng.
"Rau còn chưa héo thì người đã héo hết. Những tưởng giãn cách ở nhà ăn với ngủ, cuối cùng loanh quanh mất 4 ngày mới thu gom hết đồ phơi. Đã thế ông xã quên lật hai con cá basa, hỏng luôn", bà mẹ hai con chia sẻ.
Bữa đầu ăn món "thịt phơi ba nắng" rang, cả nhà ai cũng tấm tắc. Sang bữa thứ hai thì không ai nói câu gì. Đến hôm nay thì ai cũng ngán. "Hai đứa con than chán, mình làm bố mẹ không dám than, phải động viên: Dịch này có cái ăn là may rồi", Ngọc Anh kể. Chị xác định sẽ ăn đồ khô từ nay đến hết lịch giãn cách dự kiến. Vì rau đã hỏng nên chị đang ủ giá từ đỗ đen để ăn thay.
Sống trong chung cư bị phong tỏa ở quận Bắc Từ Liêm từ 21/7, gia đình chị Nguyễn Thúy Hồng, 27 tuổi cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì tích trữ thực phẩm. Sáng 1/8, Hồng đang nấu cơm thì nghe thấy tiếng liếp nhiếp.
"Tiếng kêu phát ra từ đống đồ linh tinh ở góc bếp, có mấy túi nilon đậy lên, ban đầu tôi nghĩ là chuột nhắt. Nhưng khi bới ra thì thấy 7 con chim cút", Hồng kể. Chị liền gọi ông xã và con gái ra xem. Cô bé nhìn thấy đàn chim cút thì hét lên thích thú.
Hóa ra trước hôm bị phong tỏa, Hồng tranh thủ đi chợ, đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng mua thực phẩm về tích trữ, trong số này có 40 quả trứng cút lộn. Bà nội trợ vốn định ăn ngay nhưng rồi quên. Từ đó đến nay 12 ngày, thực phẩm trong tủ lạnh cũng gần cạn kiệt. Con gái thèm ăn trứng mà không mua được, lại không chịu ăn món khác, nên cả ngày 1/8 chỉ chan nước canh.
"Đã nghèo thì còn gặp eo, nuôi con không xong giờ phải nuôi cả chim", Hồng tếu táo. Trên thực tế, hơn 10 ngày không được ra khỏi căn hộ 50 m2 nên con gái 3 tuổi của Hồng rất cuồng chân. Cặp vợ chồng trẻ phải cùng nhau bày đủ trò chơi cho con. "Nay mất một bữa ăn nhưng có thêm niềm vui cho cả gia đình trong những ngày ở nhà chống dịch cũng đáng lắm", cô nói.
Không riêng nhà Hồng, nhiều gia đình khác chung cảnh "mua trứng nở ra con". Hai mẹ con chị Mai Phương ( công nhân ở Đà Nẵng), mua 3 quả trứng lộn, sau một tuần thì cũng nở cả ba. Một gia đình ở TP HCM chia sẻ mua 20 quả trứng lộn, ăn đến quả thứ 13 thì có một con nở. Con trai 7 tuổi nhất quyết không cho bố mẹ ăn số trứng còn lại.
Trong mùa dịch còn phức tạp, hầu hết các gia đình đều tích trữ thực phẩm để hạn chế ra ngoài. Vì nghĩ như vậy mà trước lúc Hà Nội phong tỏa, chị Nguyễn Thị Lương, 34 tuổi, ở Nam Từ Liêm, đặt online khá nhiều đồ ăn. Tuy nhiên gia đình 4 người, lại rơi vào tình trạng tủ chất đầy, mà không có đồ mình muốn ăn.
Chị Lương kể, vì bận bịu mà chị không kịp chuẩn bị từ trước. Tận tối chị 23/7 mới biết thông tin giãn cách, nên vào chợ online của chung cư đặt đồ ăn. Lướt một vòng, chị đặt kha khá, trong đó mua nhiều nhất của một người bán, gồm 2 hộp nem cá, một kg pate, 500 gram sốt mỳ Ý. Ngoài ra chị mua thêm một cá thu, thịt lợn, thịt bò và rau quả.
"Cả ba món chế biến sẵn đều không ngon, không hợp khẩu vị gia đình nên gần như còn nguyên. Cá thu này không phải là loại ngon như ở quê tôi nên nấu lên các con cũng không ăn", chị Lương, đến từ vùng biển Hải Hòa (Thanh Hóa), cho biết.
Thành thử từ lúc làm việc từ xa đến nay, gia đình chỉ ăn quanh quẩn thịt, trứng, lạc. Cuối tuần rồi được phát phiếu đi chợ, chị mới ra ngoài bổ sung thêm đồ ăn. Rút kinh nghiệm, bà mẹ hai con cho biết từ giờ có tích trữ cũng chỉ mua hàng tươi sống, chứ không mua đồ qua chế biến nữa.
Phan Dương