Nhiều người thuộc thế hệ 8x như tôi đã gần như mất cơ hội mua nhà an cư, tuổi đã không cho phép chạy đua với giá nhà cứ tăng mãi. Tôi hy vọng con cháu tôi sẽ có thể mua nhà cửa bằng lao động của chúng, chứ không phải đi đầu cơ đất để kiếm tiền mua căn hộ mơ ước như cha ông nó.
Chuyện hứa hẹn mua được nhà ở xã hội cũng trở nên khó khả thi nếu nạn đầu cơ đất vẫn còn.
Thời gian gần đây, khi giá bất động sản đóng băng, nhiều người đầu cơ giảm giá bán để cắt lỗ thì điều ai cũng đoán được đó là xuất hiện nhiều người khác dò đáy bất động sản.
Tôi nghĩ cơ quan quản lý nên nhanh chóng áp thuế bất động sản thứ hai trở lên càng nhanh càng tốt. Cả kẻ thất cơ và kẻ đầu cơ đều phải chịu thuế này để tránh vòng luẩn quẩn tài sản nhà đất rơi tay kẻ thất thế này sang người có tiền nhàn rỗi khác. Khi đó kẻ mua giá hời lại kỳ vọng giá phục hồi để mình sẽ làm giàu nhanh chóng với kiểu suy nghĩ mua một tỷ mà bán lại hai tỷ, thành ra lời gấp đôi.
Bài học làm giàu dễ dàng đó lại thành kim chỉ nam cho thế hệ làm giàu mới may chưa rơi vào khủng hoảng đợt Covid-19 vừa rồi. Phải "đập" thẳng vào tư duy làm giàu kiểu này, nó chỉ là trò bắt dao rơi, ai là kẻ bắt trúng lưỡi dao, và minh chứng những ai kỳ vọng giá tăng trước Covid-19 giờ đã bắt đằng lưỡi, lãi suất vay sau năm ba thả nổi cao khủng khiếp nên đã phải buông hàng đang nắm.
Tôi cực lực phê phán kiểu làm giàu này, nó không mang lại giá trị thật sự cho đất nước phát triển, nó chỉ giúp vài người trúng thời, trúng bất động sản được tiền lời mà thôi.
Buộc tiền phải phải giúp xã hội có vốn để sản xuất kinh doanh. Cần "đập" tan kiểu làm kiếm tiền chỉ đơn giản mua nhà cửa để đó và chờ thời lên giá bán. Giá tăng do kỳ vọng người bán là phi lý nhất vì nó bản chất đi từ giá do suy nghĩ và mong muốn của kẻ nắm tài sản.
Hãy hỏi nhà để ở hay là để trú ẩn tiền? Hãy để nhà chỉ là nơi ở, không phải là nơi dòng tiền đổ vào trú ẩn mà chẳng mang lại lợi ích cho sản xuất hay kinh doanh.
Thuế bất động sản thứ hai trở lên sẽ ăn mòn lợi nhuận tích lũy, ăn dần vào tài sản thành cục nợ thì buộc phải bán rẻ, đôi khi nếu nợ cao hơn giá trị thật thì còn phải bán rẻ.
Ai không đủ năng lực đảm bảo tài sản thứ hai trở lên đủ sinh lợi nhuận thì hãy ở và mua một bất động sản duy nhất. Nó buộc tiền nhàn rỗi phải vào ngân hàng, hoặc chứng khoán, hoặc đem đi kinh doanh xoay vòng vốn chứ không phải chết dí vào nhà đất rồi đợi giá lên để bán kiếm lời.
Demy Nguyen
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.