Khi quốc lộ 19 qua xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) được cải tạo từ cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Cung (60 tuổi) rất vui khi có đường lớn qua nhà. Thế nhưng chưa kịp vui, gia đình bà phải chịu cảnh oái ăm khi "nhà biến thành hầm" do thấp hơn nền đường gần 2 m. Do vài lần bị té xe do nền cao, thành viên trong gia đình phải gửi xe ở nhà khác có nền cao rồi đi bộ về.
Tương tự, tại xã Tây Thuận, các hộ dân phải gọi xe đổ đất để đắp tạm những con dốc leo vào nhà vì mương thoát nước bằng bêtông cao hơn chỗ ở. Do đường vào nhà khó, nhiều người dựng xe máy bên quốc lộ ban ngày, ban đêm mới đưa vào nhà. Họ ví von rằng những con dốc đắp tạm này là những chiếc "cầu vượt".
Việc đường và mương cao hơn nền nhà ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là mùa mưa. Chị Đoàn Thị Thanh Liên, ở xã Tây Thuận cho biết mùa mưa nước chảy từ đường vào nhà, ngập lênh láng, đồ đạc hư hỏng. "Không phải ai cũng có điều kiện để nâng nền nhà, mong nhà nước xem xét giải quyết giúp chúng tôi", chị Liên nói.
Quốc lộ 19 dài 243 km, là tuyến nối các tỉnh Tây Nguyên, song nhỏ hẹp, nhiều đoạn xuống cấp, xe chạy khó khăn. Giữa năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa gần 150 km qua hai tỉnh Gia Lai, Bình Định, tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng. Thời gian thi công từ cuối 2021 đến 2023. Trong đó, đoạn quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn dài 17 km.
Trả lời VnExpress, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, nói khoảng hơn một km từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La, sau khi cải tạo đường cao hơn nhà dân 1-4 m, ảnh hưởng 36 hộ với khoảng 150 người dân. Nhiều lần nhận được phản ánh, chính quyền huyện đã đề nghị chủ đầu tư xem xét hạ độ cao nền đường, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định Trần Thanh Dũng cũng cho biết, Sở đã kiến nghị tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thiết kế lại cao trình một số đoạn quốc lộ, mương thoát nước ảnh hưởng đến dân sinh.
Phạm Linh