Sáng 15/10, Viện Văn học tổ chức tọa đàm "Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh". Trọng tâm là bộ ba tiểu thuyết "Hồ Quý Ly" (2000), "Mẫu Thượng Ngàn" (2006), "Đội gạo lên chùa" (2011) - các tác phẩm đã tạo nên dấu ấn đặc sắc trong đời sống tiểu thuyết đương đại Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho biết tọa đàm được tổ chức nhằm hướng tới những cách tiếp cận đa chiều về tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, xuất phát từ những suy tư lịch sử - văn hóa trong các tác phẩm của ông; khẳng định những nỗ lực tìm kiếm cũng như chỉ ra những hạn chế trong nghệ thuật tự sự, từ đó nhận diện, lý giải chuyển động của tư duy tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Tọa đàm xoay quanh ba vấn đề chính: Một là làm sáng tỏ vấn đề thể loại, trong đó có khái niệm "tiểu thuyết lịch sử" và "tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh". Thứ hai là vấn đề đổi mới tư tưởng của tác giả và thứ ba là nghệ thuật tự sự trong tác phẩm của ông.
Tọa đàm "Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh". |
Nhà nghiên cứu Phạm Toàn mở đầu tọa đàm với việc phân định lại khái niệm "lịch sử", "khoa học lịch sử" và "tiểu thuyết lịch sử". Ông cho rằng, lịch sử là người câm đã đi mất. Người làm khoa học lịch sử cũng chỉ là người ghi chép lại theo quan điểm của cá nhân họ. Chỉ có người nghệ sĩ là chạm đến những khát vọng của lịch sử, khơi mở những vấn đề ẩn khuất và lay động con người. Ý kiến của Phạm Toàn là để xác lập một ranh giới tự do cho các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, loại trừ những tranh cãi về tính đúng - sai, sự thật - hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử.
Nguyễn Xuân Khánh đã đứng trên lập trường đó để viết các tác phẩm với chất liệu lịch sử của mình. "Hồ Quý Ly" mượn câu chuyện về giai đoạn sóng gió cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV trong lịch sử nước nhà, trong khi "Mẫu Thượng Ngàn" lấy bối cảnh những năm đầu thế kỷ 20 - buổi tiếp xúc văn hóa Đông - Tây trong đời sống xã hội Việt Nam còn "Đội gạo lên chùa" là câu chuyện về Phật giáo kết hợp chủ đề chiến tranh và cách mạng. Tuy nhiên, tác giả không lấy lịch sử để viết về lịch sử, hay viết về nó để phục vụ cho nó, mà ông mượn lịch sử để từ đó khám phá cội nguồn dân tộc, quá khứ dân tộc, tường minh cái lẽ duy nhất là "con người" trong những thời khắc suy biến của đất nước.
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, Nguyễn Xuân Khánh là người có tư tưởng riêng chứ không minh họa cho tư tưởng nào khác. Ông viết lịch sử là để viết về con người, về những giá trị nhân văn trong đời sống. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh khiến Trần Đình sử liên tưởng tới "Sông Đông êm đềm" của M.Solokhop - miêu tả cái dữ dội của hiện thực từ một giai đoạn lịch sử để cuối cùng cũng chỉ hướng tới khao khát nhân văn của nhân loại.
Nguyễn Xuân Khánh (thứ tư từ trái qua) chụp ảnh với đại diện Viện Văn học. |
Tọa đàm cũng đặt ra vấn đề, liệu có phải các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh đều được coi là tiểu thuyết lịch sử? Trong khi "Hồ Quý Ly" là tiểu thuyết lịch sử, một số nhà phê bình cho rằng, "Mẫu Thượng Ngàn" và "Đội gạo lên chùa" có thể xem là tiểu thuyết văn hóa phong tục. Trong đó, cả ba tác phẩm đều chứng đựng cái "lịch sử theo tác giả". Và đặc biệt, lịch sử đã hòa vào văn hóa, phong tục, tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh để soi rọi con người.
PGS.TS Nguyễn Thị Bình đi vào trường hợp cụ thể "Đội gạo lên chùa" để nhận định, Nguyễn Xuân Khánh là người tự do trên sân chơi tiểu thuyết. Ông không nệ thực, không nệ Phật, nệ Mẫu dù sử dụng những chất liệu đó trong tác phẩm. Cái can dự của ông vào chất liệu đó là đưa ra những suy tư về giá trị sống, giá trị văn hóa tại các thời điểm lịch sử. Vì thế, tác phẩm "Đội gạo lên chùa" chứa đựng Phật giáo theo kiểu của Nguyễn Xuân Khánh. Và ông đề xuất lẽ sống "tùy duyên" của mình: không phải phó mặc số phận mà ca ngợi tự do, không áp đặt, không định kiến về kẻ khác. Đó cũng chính là cái đổi mới trong tư tưởng của Nguyễn Xuân Khánh khi nhìn nhận về lịch sử, văn hóa dân tộc và trong việc sử dụng chất liệu văn chương.
Theo Lại Nguyên Ân, Nguyễn Xuân Khánh đã gạt bỏ các cách nhìn cũ để mang cái nhìn rộng lớn, toàn cảnh là "lịch sử - văn hóa". Với bản thân Nguyễn Xuân Khánh, bộ ba tiểu thuyết "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng Ngàn", "Đội gạo lên chùa" cũng là một bước đổi mới trong tư tưởng của riêng ông. Giai đoạn đầu, Nguyễn Xuân Khánh nhập cuộc văn chương bằng những trang viết viết cổ vũ con người mới thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhưng trở lại với bộ ba tiểu thuyết này, ông đi vào từng cảnh ngộ của con người. Điều đó có thể là hệ quả từ một "tai nạn nghề nghiệp" của nhà văn, khi ông bị đuổi việc khỏi nhà nước sau hai cuốn "Miền hoang tưởng" và "Trư cuồng" giai đoạn 1973 - 1983.
Một trong những điều khiến nhiều người quan tâm là cách tổ chức nghệ thuật trong các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Nhà nghiên cứu La Khắc Hòa cho biết, ông nhìn thấy ở Nguyễn Xuân Khánh sự đổi mới tác phẩm tự sự từ nguyên tắc sử thi trước 1975 sang nguyên tắc của tiểu thuyết. Đó là, thay vì "ôn lại" những câu chuyện mà ai cũng biết của một cộng đồng lớn để chuyển sang câu chuyện của mình, về mình. Tác phẩm vì thế chứa đựng tâm lý nhà văn, tâm lý nhân vật.
Thứ hai là đổi mới ngôn ngữ, từ ngôn ngữ kể bằng lời sang ngôn ngữ kết cấu, từ đó có đối thoại giữa các lớp văn hóa mà nhà văn xây dựng trong tác phẩm. Và thứ ba, theo La Khắc Hòa, Nguyễn Xuân Khánh xây dựng được một "mã truyện kể" mà nếu đọc được mã này sẽ hiểu tác phẩm của ông. Đó chính là cái trục âm tính - dương tính mà sự thắng thế của âm tính được coi là lựa chọn của nhà văn. Trong "Hồ Quý Ly", lối sống dương tính (Nho giáo) chiến thắng nhưng lại bằng rất nhiều xác chết của những người đại diện cho lối sống ấy. Trong "Mẫu Thượng Ngàn" là cuộc giao tranh giữa ngoại lai - bản địa và cái bản địa với những phong tục, tín ngưỡng tâm linh vượt trội. Trong khi đến "Đội gạo lên chùa" thì hoàn toàn là Phật giáo với ứng xử "tùy duyên".
Cách viết của Nguyễn Xuân Khánh cơ bản là cổ điển. Không sử dụng nhiều lối kỹ thuật của hiện đại và hậu hiện đại, nhưng cách viết truyền thống của ông được làm mới bằng tinh thần luận giải lịch sử - văn hóa. Không ít các ý kiến cho rằng, đôi khi Nguyễn Xuân Khánh bị hạn chế trong chính kỹ thuật tự sự của mình, để cho lời nhà văn lấn át lời nhân vật. Một số ý kiến khác cho rằng tiểu thuyết của nhà văn quá dài khiến người đọc mệt.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. |
Có mặt tại buổi tọa đàm về tác phẩm của chính mình, lắng nghe mọi ý kiến, Nguyễn Xuân Khánh nói: "Bản thân tôi tự nhận mình có nhiều nhược điểm, xuất phát từ cấu trúc gia đình, xã hội, những trải nghiệm của bản thân và cả những ý thích riêng đi ngược với thời đại". Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, có người chê ông không hiểu hết về đạo Phật, về đạo Mẫu, Nguyễn Xuân Khánh nói, ông không viết với tư cách một người truyền giáo, mà chỉ giới thiệu một lối sống trong thời hiện đại. Cũng như thế, lịch sử chỉ là cái đinh treo để nhà văn bày tỏ những cái nhìn về cuộc sống. Về việc viết dài, Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: "Tôi chỉ sợ viết thiếu lịch lãm, trải nghiệm chứ không sợ dài".
Nhà văn cũng nói về lý do ông lựa chọn lối viết truyền thống chứ không tìm đến kỹ thuật hiện đại hay hậu hiện đại để xử lý các tiểu thuyết về lịch sử của mình. Ông không "khoái" hậu hiện đại khi bỏ nhân vật, bỏ tâm lý, bỏ cốt truyện và đặc biệt cắt đứt mối quan hệ với quá khứ, mối giao lưu với độc giả. Mặc dù vậy, Nguyễn Xuân Khánh tôn trọng nó. "Hãy cho mọi người có quyền khác anh để mỗi người đều có chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Đó chính là biểu hiện cao nhất của tinh thần dân chủ". Còn với riêng ông: "Cho tôi phát biểu dưới ánh mặt trời một ý nghĩ của tôi, thế thôi".
Tọa đàm còn thu hút nhiều góc nhìn và hướng tiếp cận khác. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: "Nguyễn Xuân Khánh đã trình ra một cách viết, và năm nay ông ấy đã tám mươi tuổi rồi, không thay đổi được gì đâu". Quan trọng là người đọc tìm ra cách đọc Nguyễn Xuân Khánh mà bà đề xuất là tiểu thuyết từ góc nhìn Phật giáo của nông dân Việt Nam. Nguyễn Xuân Thạch góp một cái nhìn về việc đọc tác phẩm của ông như một tiểu thuyết tư tưởng, tái định nghĩa bản sắc dân tộc hơn là tiểu thuyết phong tục như ý kiến của nhà phê bình, nhà báo Phạm Hoài Nam. Tọa đàm kết thúc khi PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, nếu để nói về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh thì phải cần đến khoảng 10 cái hội thảo tương tự. Hội thảo này chỉ làm rõ một vấn đề, cơ chế lịch sử hòa với văn hóa tạo ra những diễn ngôn nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn. Qua đó, ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh đối với văn học Việt Nam hiện đại.
Bài: Hà An
Ảnh: Xuân Thủy