Dương Tử Thành -
“Đội gạo lên chùa” vừa được vinh danh ở vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011. Ít ai biết rằng, gần 900 trang sách được lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết tay hoàn toàn theo cách thức truyền thống như ông từng làm với Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn - 2 tiểu thuyết đình đám trước đó.
Cuốn sách khá dày nhưng người đọc có lẽ sẽ không cảm thấy bị áp lực bởi những gì mà Đội gạo lên chùa mang lại. Nguyễn Xuân Khánh bày tỏ, sau cuốn này ông sẽ “gác kiếm” ở tuổi 80.
- Cảm giác của ông thế nào khi nghe tin “Đội gạo lên chùa” được xếp giải cao nhất của Giải thưởng Hội Nhà văn 2011?
- Thấy có phần phấn khởi, nhưng thực sự đến tuổi của tôi thì cũng không còn xúc động gì lắm. Không phải coi thường hay kênh kiệu gì nhưng đến tuổi nào đó thì mọi vui buồn cũng vậy vậy thôi… Mọi được mất cũng trải nhiều rồi… Dĩ nhiên tôi cũng tự hào trước sự đánh giá tốt của bạn bè, của mọi người.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (phải) và vợ. Ảnh: Vũ Thành Duy. |
- Ông có ý định viết một cuốn sách nói về sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống Việt Nam từ khi nào?
- Năm 1958, khi dự trại sáng tác của Văn Nghệ Quân Đội ở Thanh Liệt, tôi đã viết cuốn Làng nghèo, cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay. Khi đưa sang NXB Quân đội, anh Chính Hữu đồng ý in rồi nhưng vì tôi cho cái làng ấy chết nhiều quá nên lại không in được nữa vì người ta ngại "tàn khốc quá người đọc sẽ sợ chiến tranh". Từ đó ý định viết về một ngôi làng kháng chiến vẫn nhen nhóm trong tôi.
Tôi cũng vốn thích Phật giáo từ những năm còn trẻ. Nhưng nguyên cớ cụ thể gợi cho tôi viết một cuốn sách về nó là quãng năm 1976 tôi bị nghi ung thư phổi phải vào Viện E nằm. Tôi nằm cùng một sư cụ đến từ Nam Định, sư cụ ấy có một đệ tử vào chăm sóc. Anh này là bộ đội, nói về đạo phật rất giỏi, anh ấy thường trò chuyện, khuyên nhủ sư cụ đấu tranh với bệnh tật. Hỏi ra mới biết anh bộ đội ấy vốn là sư ở Chùa Cả Nam Định, đến tuổi phải nhập ngũ vào quân đội, vì người theo đạo Phật kiêng sát sinh nên anh ấy toàn… bắn lên giời, sau được biên chế vào bộ phận anh nuôi để hạn chế việc cầm súng. Câu chuyện ấy cứ đeo bám tôi mãi, sau này trên cơ sở cuốn Làng nghèo tôi đã viết về Phật giáo của ngôi làng Sọ qua hai cuộc kháng chiến, tiếp tục dòng ý nghĩ về văn hóa, về Phật giáo với tên gọi Đội gạo lên chùa. Năm 2005 tôi bắt đầu viết, đến năm 2008 thì đưa đến Nhà xuất bản.
- Vậy nếu như cuốn “Làng nghèo” trước đây được in thì liệu sau này ông có viết “Đội gạo lên chùa”?
- Cái đó thì chịu. Một trường hợp không xảy ra nên tôi không biết nó sẽ thế nào. Nhưng nếu Làng nghèo có được in thì cũng chỉ là một cuốn tiểu thuyết thông thường. Sau này trong Đội gạo lên chùa nó chỉ còn là ý tưởng, chỉ còn bối cảnh ngôi làng ấy thôi, nhân vật và mọi thứ khác đi rồi…
- Như thế có nghĩa là, ý tưởng quan trọng nhưng sự trải nghiệm, sự trưởng thành về tư duy của tác giả rất quan trọng để làm nên tầm cỡ tác phẩm?
- Lẽ dĩ nhiên. Người ta có 2 cách viết, cách thứ nhất là viết về một mảng sống nào đó của đời mình, còn cách thứ hai là viết từ sự tổng hợp những vốn sống mình thu nhận được.
Bìa cuốn sách "Đội gạo lên chùa". |
- Khi viết một tiểu thuyết mới ông có đặt mục tiêu khi nào phải xong không?
- Không, tôi cứ viết thôi.
- Những cuốn sách của ông đều có dung lượng rất lớn, nhưng đều được viết tay, khi bắt đầu ông có dựng đề cương hay dàn ý?
- Tôi không lập dàn bài ra giấy mà chỉ sắp xếp ý tưởng tổng quát trong đầu, đường dây dẫn cuốn sách sẽ đi. Nghĩ cụ thể khoảng 3 - 4 chương rồi bắt đầu viết, còn khi viết thì theo dòng ý thức, nhân vật vẫn có chỗ để phát triển theo mạch truyện. Tôi thường nghĩ cho thật kỹ rồi mới viết. Phải cấu tứ trong đầu trước thì khi viết mới gọn. Thường là thời gian để nghĩ dài hơn thời gian viết rất nhiều.
- Với đa số người viết, tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp thường được hoàn thành khi còn trẻ. Còn ông, có vẻ như gừng càng già càng cay?
- Tôi nghĩ tầm 35 đến 50 tuổi là thời gian chín muồi nhất của người viết tiểu thuyết. Nhưng tôi hoàn cảnh có đặc biệt hơn, bị ngắt quãng mất mấy chục năm treo bút, vì thế nên có trưởng thành muộn hơn những bạn viết cùng lứa.
- Ông làm gì trong những năm bị treo bút?
- Tôi vẫn viết chứ. Có hai cuốn tiểu thuyết được tôi viết trong quãng thời gian ấy, đó là Miền hoang tưởng và Trư cuồng. Đó cũng là hai cuốn mà tôi dứt khoát viết khác đi so với những gì từng viết trước đó. Dăm mười năm mới viết được một cuốn vì tôi phải kiếm sống nuôi bốn đứa con nên không có thì giờ…
- Ông có thể nói một chút về ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống xã hội Việt Nam?
- Đạo Phật của Việt Nam có từ lâu đời, qua nhiều giai đoạn thăng trầm gắn với sự tồn vong của dân tộc. Từ thời Hồ Quý Ly đến thời Lê, tuy đạo Nho lên ngôi nhưng đạo Phật không hề bị đàn áp, nó vẫn sống âm ỉ trong đời sống. Trong mỗi người Việt đều có một phần Phật tính, có chất Phật giáo. Hầu như làng nào cũng có một ngôi chùa, đàn ông ra đình, đàn bà ra chùa, chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo của đàn bà con gái trong làng. Chính những người phụ nữ là những người giữ đạo Phật, truyền tư tưởng Phật giáo thấm nhuần trong các con cháu. Nghìn năm đô hộ Bắc thuộc, Phật giáo đã giữ cho người dân Việt có một sức sống tiềm tàng để một ngày biến thành sức mạnh giải phóng dân tộc. Bao giờ dân tộc nguy nan, có nguy cơ bị tiêu diệt thì Phật giáo trỗi dậy mạnh mẽ nhất…
- Vấn đề tôn giáo đã được ông xử lý như thế nào trong tiểu thuyết?
- Tôi xử lý tôn giáo không theo khuynh hướng một Phật tử mà là một lối sống. Có thể tôi không hẳn là Phật tử nhưng có một phần văn hóa Phật giáo. Nếu cứ sống hết mình với cuộc đời này bằng bốn chữ của nhà Phật “từ - bi - hỉ - xả” thì tôi nghĩ cũng đã là hạnh phúc rồi, và những người xung quanh cũng cảm thấy dễ chịu rất nhiều.
- Từ khi “Đội gạo lên chùa” in ra, ông nhận được phản hồi thế nào?
- Có nhiều người thích, nhưng cũng có những người cho là không hay. Họ có quan điểm khác nên không thích thì cũng phải chấp nhận. Nhưng nói chung là nhiều người thích, nhiều Phật tử cũng thích. Từ khi in đã tái bản 2 lần, vừa rồi Nhà xuất bản nói với tôi loạt thứ ba chỉ còn vài trăm cuốn.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Vũ Thành Duy. |
- Một ngày của ông thường diễn ra như thế nào?
- Tôi đọc sách. Năm nay tôi đã tám mươi tuổi tròn nên bây giờ tôi dừng viết rồi. Tôi chỉ đọc thôi. Toàn những sách là sách. Mê man là sách…
- Ông đọc những sách gì?
- Tôi đọc tâm lý học, triết học, dân tộc học… Nói chung là đọc tất vì thấy mình cũng còn nhiều lỗ hổng.
- Ông có quan tâm đến tác phẩm của đồng nghiệp?
- Có chứ. Lẽ dĩ nhiên không đọc được hết, nhưng anh nào có tài năng thì cũng tổng hòa trong tác phẩm tiếng nói của thời đại đó, giai đoạn đó. Mình chọn đọc để thấy được cái tinh thần của của giai đoạn đó, tư tưởng đó.
- Bây giờ, điều gì là quan trọng nhất với cuộc sống của ông?
- Như tôi đã nói, triết lý sống của tôi là sống hết mình, dùng 4 chữ “từ - bi - hỉ - xả” của nhà Phật để sống, lẽ dĩ nhiên chẳng thực hiện hết được đâu, vì con người vốn nhiều dục vọng, nhưng là hướng tới, luôn luôn hướng tới.
- Ông nghĩ thế nào về những người viết trẻ thế hệ hiện nay?
- Họ rất chịu khó đổi mới nhưng còn thiên về hình thức. Tôi nghĩ mới về tư tưởng quan trọng hơn. Lẽ dĩ nhiên mới về hình thức cũng rất tốt, tại sao lại không sử dụng các thủ pháp dòng ý thức, cắt dán, đồng hiện, giễu nhại rồi thì là làm loãng cốt truyện… nhưng đừng duy hình thức là được.
Hiện nay ta đang mở cửa văn học, người viết trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều nền văn học khác nhau. Sự biến động nền văn học của ta dưới tác động của các yếu tố ngoại lai phải sau một thời gian mới đủ độ giao thoa văn hóa để kết tinh và tạo ra cái mới. Chẳng hạn đầu thế kỷ hai mươi ta tiếp cận với văn học Pháp thì sau đó ba chục năm mới có phong trào 1930-1945. Còn bây giờ chúng ta đang tiếp xúc với văn học toàn thế giới, vì là giai đoạn đầu nên mới chỉ có những tác phẩm làm theo, những tác phẩm bắt chước chưa nhuần nhuyễn, chưa biến thành cái riêng của mình; phải đến năm 2020 - 2030 mới có những tác phẩm bề thế, và chúng ta có quyền hy vọng vào những tác giả lớn, những tác giả tài năng. Khi mà người ta đã chán những cái bề ngoài người ta sẽ có những ước vọng lớn hơn, cao hơn. Cần phải có thời gian để tiêu hóa những thứ tác động vào mình.
- Nếu được sống lại từ đầu ông có viết văn nữa không?
- Vẫn viết văn.
Dương Tử Thành thực hiện