Pham Mi Ly
Tối 15/4, nhà văn Việt định cư tại Đức có cuộc trò chuyện về những trải nghiệm cho nghề viết và dành nhiều lời khuyên về nghề nghiệp cho các bạn trẻ yêu văn và mê viết văn tại quán cafe Lollybook, Hà Nội.
Tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ được trong nước biết đến nhiều nhất là tiểu thuyết “ Quyên”, kể vể cô gái Hà Nội tên Quyên theo chồng vượt biên sang Đức. Cuộc phiêu lưu 9 năm ở xứ người của cô chứng kiến bao sóng gió tưởng chừng như không thể vượt qua được. “Sau 3 năm xuất bản, Quyên vẫn có mặt trên các giá sách và vẫn bán được. Tôi có thể tự hào nói rằng văn mình có độc giả”, nhà văn chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trong buổi trò chuyện. |
Nhà văn 63 tuổi cho biết những trải nghiệm khắc nghiệt trong cuộc đời ông, phần lớn được ông ứng dụng vào văn chương, là gần như bắt buộc. Ông sang Đức năm 1988 và từng phải bán ở chợ, khuân vác, quét dọn nhà vệ sinh để kiếm sống. "Phải lao động như một cái máy, từng có lần rơi nước mắt, từng có ý định ăn cắp của chủ nhưng không làm được", ông kể.
Nhờ cuộc đời lận đận, nhà văn mới có đầy đủ chất liệu để viết văn. Cũng chính nhờ cuộc đời xô đẩy, ông mới đặt bút viết chứ ông không có ý định viết để trở thành nhà văn.
Trong buổi trò chuyện, có độc giả dẫn một tờ báo nước ngoài qua khảo sát từng nhận định một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện tại có lối sống hưởng thụ, không biết trải nghiệm cuộc sống, không sẵn sàng chịu gian khổ; và đặt câu hỏi với diễn giả: Làm thế nào để giới trẻ có thể vượt qua rào cản “sợ khổ” đó để có đủ trải nghiệm để viết?
Nguyễn Văn Thọ cùng nhà văn trẻ Đặng Thiều Quang, MC của buổi giao lưu. |
Nguyễn Văn Thọ nói, có một nhà báo kiêm nhà văn trẻ cũng từng hỏi ông: “Tại sao trong khi các cây bút thế hệ 7x hiện nay rất gắn bó, gần gũi với các nhà văn lớn tuổi nhưng các cây bút 8x hay 9x thì khó có thể có mối gắn kết này với thế hệ đi trước?”. Nhà văn nghĩ, các tác giả trẻ hiện tại chưa tìm được tiếng nói chung với thế hệ đi trước vì họ chưa xác định được bản chất của văn chương là gì, cũng như chưa trả lời được câu hỏi “Viết để làm gì?” và “Viết cho ai?”.
“Bản chất của văn học là phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, chứ không phải chỉ viết để thể hiện cái tôi duy ngã. Cái đó không bao giờ được bạn đọc công nhận và bạn đọc cũng không cần”. Viết cho độc giả thực sự là động lực lớn của nghề viết nói chung, không chỉ viết văn mà còn viết nhạc, viết phim, viết báo.
“Nhà văn có thể viết chỉ về thân phận một con người như trong Robinson Crusoe, nhưng thực ra đó là cả một tổng thể quan niệm sống, mục đích sống của Daniel Defoe”. Chính nhờ có giá trị đó, tác phẩm mới hấp dẫn và nhân vật trở thành tấm gương của biết bao thế hệ. Nhà văn 63 tuổi cho rằng, nếu quá đề cao cái tôi duy ngã, tác giả trẻ sẽ chỉ nổi loạn được một thời gian ngắn. Nhóm viết Ngựa Trời là một ví dụ.
Viết văn muốn có bạn đọc, phải quan tâm đến cộng đồng mình đang sống, xem bạn bè mình, người thân mình, thế hệ mình đang nghĩ gì. Thậm chí người trẻ có thể khai thác triết học và chính trị cho tác phẩm của mình, phản ảnh chúng qua những câu chuyện, nhân vật và hình tượng trong văn học.
Nhà văn 63 tuổi khuyên các cây viết trẻ nên xác định "Viết cho ai, viết để làm gì" và nhận ra tính nhân văn của văn chương hơn là quá đề cao cái tôi của bản thân khi sáng tác. |
“Nếu tôi là 8x và 9x, tôi sẽ sống hết mình như các bạn bây giờ. Tôi dùng điện thoại BlackBerry, tôi cũng đi picnic và yêu đương như các bạn. Nhưng trong cuộc sống đó, tôi sẽ suy ngẫm xem những mối quan hệ xung quanh mình có ý nghĩa như thế nào”, nhà văn trả lời khi được đề nghị đưa ra lời khuyên cho các tác giả trẻ.
“Đừng viết chi vì mộng trở thành nhà văn. Hãy đặt bút viết khi bạn thấy có điều không thể không viết ra”, ông nói. Với nhà văn, nghề viết đòi hỏi trải nghiệm, rất nhiều tác gia, như Honore de Balzac chẳng hạn, có cuộc đời rất cực khổ và cũng có những tác phẩm lớn như bộ Tấn trò đời. Nhưng tác giả trẻ không nên lấy đó làm áp lực cho bản thân mình. “Không cần phải đau khổ, trôi nổi đến thế mới viết được văn”, Nguyễn Văn Thọ nói. “Chỉ cần sống thật, sống hết mình, khi cầm bút là yêu hết mình”.
Nhà văn nhắc lại một cụm từ quen thuộc “ đầm mình không hoang tưởng”, vốn được ông dùng để nói về cách viết của mình, chỉ sự lăn xả vào đời sống, không xa rời cuộc sống để có những trang viết chân thực. Ông hy vọng, những cây viết trẻ cũng lấy đó làm châm ngôn cho mình.
Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 ở Thái Bình, trong thời chống Mỹ ông từng là bộ đội, sau đó thời bình làm cán bộ của Tổng Công ty Muối ở Hà Nội. Năm 1988, ông xuất khẩu lao động sang Đức, từ đó làm rất nhiều nghề để kiếm sống nơi đất khách. Nhà văn 63 tuổi đã viết khoảng 45 truyện ngắn; hai cuốn tiểu thuyết (gồm Quyên và một cuốn chưa từng in); hơn 100 tùy bút và bút ký, khoảng 200 bài báo, tản văn, tạp bút và khoảng 1000 bài thơ. Mảng đề tài quan trọng trong các tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ là cuộc sống của người lao động ở xứ người. |