Nguyễn Văn Lai (sinh năm 1986, đoàn quân đội) từng thống trị đường đua 5, 10km trong 20 năm thi đấu chuyên nghiệp. Đến năm 2023, khi từ giã đội tuyển quốc gia, anh chuyển hướng tập trung hoàn toàn cho cự ly full marathon. Lần đầu thi đấu 42km tại giải VĐQG 2023, lão tướng đạt thông số 2 tiếng 37 phút. Trong vòng chưa đầy một năm, anh rút thành tích hơn 10 phút, đạt 2 tiếng 25 phút tại VnExpress Marathon Hanoi Midnight 2023.
Bắt đầu hành trình mới ở tuổi 37, anh muốn một lần nữa trở thành đại diện Việt Nam thi đấu SEA Games và các giải vô địch châu Á cự ly 42km. VnExpress Marathon Huế 2024 ngày 21/4 là một trong những bước chạy đà để thực hiện mục tiêu này.
- Ở độ tuổi 37, tại sao anh lại chọn marathon là bước tiếp theo của sự nghiệp?
- Đây là thời điểm phù hợp. Trước tôi phải làm nhiệm vụ quốc gia, hoàn thành trách nhiệm với đơn vị chủ quản là đoàn điền kinh quân đội. Nhưng sau chia tay đội tuyển, tôi có nhiều thời gian hơn và muốn đóng góp cho cộng đồng. Hơn nữa, là một người lính, tôi đề cao tính kỷ luật, sự kiên trì và cự ly 42km thỏa mãn những tiêu chí đó.
Giờ đây marathon trở thành một phần trong cuộc sống, là đam mê. Đam mê này không hề nhàn nhã. Nhất là khi mình đã 38 tuổi. Nhưng tuổi tác chỉ là con số. Với ý chí, thành tích hiện tại, tôi tự tin cạnh tranh sòng phẳng với thế hệ trẻ và trở lại đỉnh cao một lần nữa.
- Mục tiêu tham gia VnExpress Marathon lần này của anh là gì?
- Tôi tham dự rất nhiều giải VnExpress Marathon nhưng VnExpress Marathon Huế là giải đấu tôi yêu thích nhất trong hệ thống vì tổ chức ở cố đô cổ kính. Lần tham gia thứ 2 này, tôi muốn bảo vệ ngôi vương. Mục tiêu cụ thể là 2 tiếng 35 phút. Nhưng đây là mục tiêu tạm thời. Khi nhập cuộc, tùy vào một số điều kiện như thời tiết thuận lợi hoặc có đối thủ đeo bám, có thể rút ngắn xuống khoảng 2 tiếng 31 phút.
- Cơ sở nào khiến anh tự tin như vậy?
- Ở thời điểm hiện tại, Hoàng Nguyên Thanh có thể được xem là "độc cô cầu bại" ở cự ly 42km, từng phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 21 năm với thông số 2 tiếng 18 phút trong một giải marathon ở Hong Kong. Nhưng tính riêng các giải trong nước, Thanh chưa từng chạy dưới 2 tiếng 25 phút.
Về phần mình, tôi đặt ra mục tiêu này cách đây 2 năm. Từ đó đến nay tôi tham gia nhiều giải chạy, có khá nhiều kinh nghiệm và đã đạt PR 2 tiếng 25 phút vào tháng 11 năm ngoái.
Tại giải VĐQG tổ chức cuối tháng 3 vừa qua tổ chức ở Phú Yên, tôi về sau Thanh với thông số 2 tiếng 27 phút. Đây là dấu hiệu khả quan vì điều kiện thi đấu ở giải đó rất khắc nghiệt. Tiếp tục luyện tập và thi đấu ở những giải thời tiết thuận lợi, tôi hy vọng có thể xuyên thủng mốc 2 tiếng 25 trong năm nay và nắm một suất lên tuyển quốc gia trong năm 2025.
Tôi sẽ rất tự hào nếu được khoác áo Việt Nam dự SEA Games và các giải vô địch châu Á nội dung marathon.
- Chỉ mới chuyển từ nội dung 5.000 và 10.000 mét sang marathon không lâu nhưng thành tích của anh liên tục tăng. Anh đã làm gì để đạt được những kết quả đó?
- Tôi cho đó là sự tích lũy. Như nhiều runner khác, tôi cũng chật vật trong cuộc đua full marathon đầu tiên. Lúc đó cơ thể chưa cảm nhận được nhiều nên khó khăn trong việc điều chỉnh chiến thuật. Tôi từng không dám tăng tốc do nỗi sợ xóc hông, chuột rút... Nhưng từ cuộc đua thứ 2, thứ 3 trở đi, cơ thể dần thích nghi, tôi tiến bộ qua từng ngày.
Trước đây, tôi tập với HLV Nguyễn Văn Sỹ ở trên tuyển. Đến năm nay, mọi bài tập, giáo án cự ly full marathon tôi tự tay soạn bằng kiến thức, kinh nghiệm.
Sự khác biệt của marathon không chỉ nằm ở các giáo án bài tập hay kỹ thuật. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng. So với hồi thi đấu 5.000, 10.000 mét, ngoài chế độ ăn chất lượng, tôi sử dụng nhiều loại thuốc và thực phẩm hỗ trợ hơn. Bên cạnh đó là sự đồng hành từ gia đình, đồng nghiệp, thủ trưởng... thì mới có thể tiến xa được.
Một yếu tố nữa không thể bó qua là lựa chọn giải đấu và tính toán điểm rơi phong độ.
- Anh có tiêu chí gì khi lựa chọn các giải đấu?
- Để giải sau luôn tốt hơn giải trước và có PR, tôi sẽ lựa chọn giải dựa trên các tiêu chí: thời tiết thuận lợi, cung đường đẹp. VnExpress Marathon là một trong những giải yêu thích của tôi vì cả chất lượng chuyên môn lẫn trải nghiệm đều tuyệt vời.
Tần suất race cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích. Tôi không thi đấu quá dày. Ít nhất các giải phải cách nhau từ 1,5 đến 2 tháng. Tuy nhiên VnExpress Marathon Huế 2024 này là một ngoại lệ. Cách đây ba tuần tôi đã dự giải vô địch quốc gia. Nhưng vì tình yêu với cố đô, tôi quyết định tiếp tục dự giải.
Tôi chưa từng thi đấu ở địa phương nào đến 3 lần như Huế. Mảnh đất này ghi dấu nhiều kỷ niệm. Năm ngoái, tại sự kiện này tôi lần đầu vô địch cự ly full marathon.
- Sau VM Huế, anh có dự định gì cho các giải đấu sắp tới?
- Trong cuối năm nay - khi miền Bắc bước vào mùa Đông tôi sẽ dự một đến hai giải. Mục tiêu là xuyên thủng mốc 2 tiếng 25 phút. Còn từ nay đến lúc đó tôi chỉ thi đấu thêm 3 đến 4 giải, xem như là bài kiểm tra thông số.
Trong năm qua, nhiều VĐV Việt Nam ra nước ngoài thi đấu và rút thành tích khá sâu. Đơn cử như Nguyễn Thanh thi đấu ở Hong Kong PR 2 tiếng 18 phút, Hứa Thuận Long tại Tokyo Marathon là 2 tiếng 29 phút... Điều kiện thời tiết và đường chạy ở các nước bạn rất thuận lợi.
Nhưng tôi thuộc biên chế quân đội nên việc ra nước ngoài thi đấu các giải đó sẽ khó khăn hơn, mất nhiều giai đoạn, thủ tục. Vì vậy con đường dễ nhất để được ra nước ngoài thi đấu là nỗ lực tập luyện để lên đội tuyển quốc gia.
Thanh Lan
VnExpress Marathon Huế 2024 sẽ khởi tranh lú 3h, ngày 21/4, thu hút 8.000 VĐV tham gia. Các elite runner như Nguyễn Văn Lai, Quốc Anh, Triệu Tiến Luyện... đã có mặt ở Huế để có sự chuẩn bị tốt nhất. Giải cũng thu hút runner Kenya từng vô địch nhiều giải gần đây là Kiptoo Edwi.
- Nông Chang đạp xe xuyên Việt kết hợp chạy marathon
- 4 ứng viên sáng giá của ngôi vô địch VnExpress Marathon Huế 2024
- Giáo viên Mỹ gốc Việt lần đầu thử thách 21km ở giải chạy VM Huế
- Runner từng thay van tim rủ vợ chạy bộ khắp Việt Nam