Theo Womanshealth, các chứng rối loạn ăn uống như biếng ăn hay háu ăn đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi ăn uống và kiểm soát cân nặng. Căn bệnh này gắn liền với hàng loạt các yếu tố như tâm lý, thể chất cũng như ảnh hưởng đến xã hội.
Người mắc chứng rối loạn này thường bắt đầu bằng việc ăn một lượng thức ăn ít hay nhiều hơn thông thường. Đến một thời điểm nào đó, họ không thể kiểm soát được hành vi của mình đến nỗi tự bỏ đói bản thân hoặc ăn uống vô độ. Ám ảnh về cân nặng, dáng vóc hoặc cố gắng kiểm soát cân nặng và lượng thức ăn tiêu thụ đến mức cực đoan được coi là đặc điểm nhận dạng của chứng rối loạn ăn uống.
Các chứng này thường đi kèm với nhiều căn bệnh khác như trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn tâm lý, cụ thể là chứng lo âu quá độ. Các triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng nếu bệnh nhân không được điều trị. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong do chứng biếng ăn (anorexia) là cao nhất trong số các chứng rối loạn tâm thần.
Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến cả nam và nữ, song nữ giới mắc chứng bệnh này cao gấp 2,5 lần nam. Bệnh thường xảy ra ở tuổi thanh thiếu niên, nhưng trẻ em và người lớn cũng có thể mắc phải.
Chứng biếng ăn (Anorexia nervosa)
Kể cả khi rõ ràng bị thiếu cân, những người mắc chứng biếng ăn sẽ luôn cho rằng họ bị thừa cân. Kiểm soát hành vi ăn uống, thức ăn và trọng lượng cơ thể trở thành nỗi ám ảnh, khiến cho những người mắc bệnh này thường xuyên theo dõi xem mình nặng bao nhiêu, đong đếm đồ ăn một cách kỹ càng và chỉ ăn một số thực phẩm với lượng rất nhỏ.
Một số người bị chứng chán ăn sau này cũng mắc phải chứng cuồng ăn (binge-eating), kèm theo một loạt hành động như có chế độ ăn uống hà khắc, tập quá sức, nôn mửa hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi niệu, thụt ruột. Các triệu chứng của bệnh biếng ăn bao gồm: Gầy yếu, kiêng khem một cách ngặt nghèo, sợ tăng cân, không ngừng theo đuổi mong ước về dáng vẻ mảnh khảnh, không muốn duy trì cân nặng chuẩn, quan niệm méo méo về hình ảnh cơ thể và trọng lượng.
Một số người mắc chứng biếng ăn được chữa dứt điểm chỉ sau một lần điều trị. Số khác thì khỏi bệnh nhưng tái phát. Nhiều trường hợp mắc chứng biếng ăn kinh niên, khiến cho sức khỏe suy giảm trong quá trình chống lại căn bệnh này. Một số triệu chứng hoặc biến chứng có thể xuất hiện thêm như bệnh loãng xương, tóc và móng tay giòn, dễ gãy, da khô, vàng vọt, mọc lông khắp cơ thể, thiếu máu nhẹ, thoái hóa cơ, cơ thể yếu ớt, táo bón nặng, huyết áp thấp, mạch đập chậm, suy tạng, vô sinh.
Chứng tự gây nôn sau khi ăn
Những người mắc chứng "ăn - nôn" thường lặp đi lặp lại các giai đoạn ăn một lượng thực phẩm lớn nhiều thường rồi lại cố tình làm cho nôn ra. Chứng bệnh này thường kèm theo một loạt các hành vi như tự làm nôn ọe, lạm dụng thuốc nhuận tràng, lợi niệu, tập quá độ trong thời gian ngắn để bù lại cho việc ăn uống thỏa thuê.
Những người này thường duy trì được trọng lượng cơ thể tương đối bình thường, chỉ vài trường hợp hơi thừa cân. Dù vậy, họ vẫn có những điểm tương đồng với bệnh nhân mắc chứng biếng ăn như sợ bị tăng cân, làm đủ mọi cách để giảm cân và luôn chán ghét dáng vóc của mình. Hành vi ăn uống vô độ thường được giấu giếm vì bệnh nhân cảm thấy tội lỗi hoặc ghê tởm chính mình. Cứ như vậy, họ rơi vào vòng luẩn quẩn ăn thỏa thích rôi lại cố gắng nôn hết ra, với tần suất từ vài lần một tuần cho đến nhiều lần một ngày.
Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm: Đau, viêm họng dai dẳng, sưng tuyến nước bọt ở cổ và miệng, mòn men răng, sâu răng, tăng nhạy cảm do tiếp xúc nhiều với dịch axit từ dạ dày khi nôn ọe, trào ngược dạ dày - thực quản, đau, rối loạn trong ruột do lạm dụng thuốc nhuận tràng, thiếu nước nghiêm trọng do xổ ruột khiến các chất dịch cơ thể bị đào thải, mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ.
Chứng háu ăn
Người bị chứng háu ăn (binge-eating disorder) không kiểm soát được hành vi ăn uống của mình. Tuy nhiên, sau bữa ăn, họ không tìm cách ói ra hay cưỡng bách bản thân tập thể dục. Chính vì vậy bệnh nhân thường bị thừa cân hoặc béo phì, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hoặc huyết áp cao. Bên cạnh đó, những người này cũng cảm thấy xấu hổ và tội lỗi về việc ăn uống vô độ của mình, và lại tiếp tục ăn để vơi bớt đau buồn.
Mục tiêu của việc điều trị rối loạn ăn uống là giúp người bệnh có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, trọng lượng cơ thể đạt mức khỏe mạnh, cân bằng lại mức độ luyện tập và ngừng các hành vi ăn uống vô độ rồi tự gây nôn ói. Các phương pháp tâm lý trị liệu, bao gồm liệu pháp dựa vào gia đình đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị chứng rối loạn ăn uống. Ngoài ra một số thuốc chống trầm cảm được FDA cho phép lưu hành cũng hỗ trợ điều trị và giúp giảm bớt tâm trạng lo âu, sầu não thường vẫn hay đi kèm với các chứng rối loạn ăn uống khác.
Thụy Ân