Chạy bộ tốt cho sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, ngừa nguy cơ bệnh tật và nhiều lợi ích khác. Khi chinh phục đường chạy lẫn tập luyện, nhiều runner thấy lo lắng vì mặt mình đỏ hơn mức bình thường. Trang Verywell Fit chỉ ra các nguyên nhân gây hiện tượng này.
Tăng tuần hoàn máu
Mặt đỏ bừng khi chạy là hiện tượng phổ biến, rõ rệt nhất ở phụ nữ và người có làn da trắng. Khi vận động, cơ thể có nhiều cách để hạ nhiệt như đổ mồ hôi, tăng lượng máu dưới da. Các nhà khoa học cho rằng, các mao mạch giãn ra để máu lưu thông nhiều hơn, giúp tỏa nhiệt qua da. Trong khi đó, đường kính mao mạch vùng gò má lớn hơn nơi khác và do chúng gần da nên dễ nhìn thấy sắc đỏ hồng.
Cơ thể mỗi người có nền nhiệt riêng, dẫn đến lượng mồ hôi tiết ra khác nhau. Tương tự, một số runner mặt đỏ hơn do nhiều mao mạch hoặc cường độ vận động cao thúc đẩy lượng máu lưu thông tăng lên.
Thực tế, nhiều VĐV thể lực tốt cũng không tránh được hiện tượng đỏ mặt khi chạy. Một số nghiên cứu còn chỉ ra, runner có sức bền cao, da mặt đỏ nhanh so với người thể chất yếu hơn.
Ảnh hưởng từ thời tiết
Thời tiết cũng ảnh hưởng đến quá trình cơ thể hạ nhiệt. Nếu thời tiết bất lợi, các chuyên gia khuyên runner nên tập luyện vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Bên cạnh đó, cần bổ sung nước khi chạy hoặc đổ nước lên đầu, cổ, cánh tay để làm mát.
Dù đỏ mặt là hiện tượng tự nhiên nhưng nếu gặp triệu chóng mặt, buồn nôn, có thể bạn đang bị mất nước, kiệt sức vì nóng. Nếu rơi vào tình trạng này, runner nên dừng chạy, uống chút nước và đứng trong bóng râm để hồi phục.
Đỏ mặt bao lâu sau khi chạy
Hầu hết cơn "bốc hỏa" do gắng sức kéo dài không quá 15-20 phút. Để rút ngắn quá trình này, bạn có thể thử tưới nước lên da, dùng lô hội làm dịu hoặc caffeine co mạch máu sau tập luyện. Ngoài ra, giữ ẩm mặt sau khi rửa, dùng kem lót điều chỉnh sắc tố da, thoa kem dưỡng tông sáng... là cách một số runner giảm đỏ mặt.
Trường hợp nên gặp bác sĩ
Dù đỏ mặt thường vô hại, nhưng người mới tập chạy nên tham khảo ý kiến bác sĩ hiện tượng này. Nếu có triệu chứng tiêu chảy, thở khò khè, nổi mề đay hoặc khó thở, cơ thể có thể đang gặp tình trạng nghiêm trọng hơn. Runner cũng lưu ý cách hạ nhiệt, nạp thực phẩm hoặc rượu bia trước khi chạy.
Nếu hơn nửa giờ sau khi tập thể dục, da mặt bạn vẫn đỏ hoặc biến mất rồi trở lại trong ngày, có thể là dấu hiệu của chứng da ửng đỏ (rosacea). Runner cần trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, việc dùng một số loại thuốc gồm kem trị mụn, kháng sinh và thuốc trị huyết áp cao... cũng gây tác dụng phụ như đỏ mặt. Trong trường hợp này, bạn nên trao đổi bác sĩ, tránh dùng các giải pháp gây kích ứng da vào đêm trước ngày tập luyện.
Nếu runner chắc chắn mình khỏe mạnh nhưng da mặt vẫn đỏ, hãy vui vẻ vì chứng tỏ bạn đã tập luyện chăm chỉ. "Có thể bạn gặp một số phiền nhiễu vì sự lo lắng từ người xung quanh, trong khi thấy bản thân vẫn ổn, tuy nhiên ít nhất, bạn biết sẽ được giúp đỡ khi thực sự cần", trang này nói.
Tuệ Khương (theo Verywell Fit)
Người mê marathon có thể tham gia VnExpress Marathon Quy Nhơn 2020 diễn ra ngày 26/7 để trải nghiệm hoạt động thể thao cộng đồng và có một kỳ nghỉ hè đáng nhớ tại thành phố biển sôi động của Bình Định. Nếu yêu thích cố đô, VnExpress Marathon Huế 2020 là gợi ý cho bạn. Giải lần đầu tổ chức tại Huế vào ngày 6/9. Các runner có cơ hội sải bước trên các cung đường đẹp, chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng. Muốn khám phá Thủ đô, bạn có thể tham gia giải chạy đêm quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội - VnExpress Marathon Hanoi Midnight diễn ra vào đêm 22/8 đến rạng sáng 23/8, mang tới nhiều trải nghiệm độc đáo, khám phá nét đẹp, văn hóa khi về đêm của Hà Nội. |