Tối 16/4, trả lời HĐXX sau sau 5 ngày xét xử sơ thẩm, đại diện theo uỷ quyền TISCO tái khẳng định quan điểm từ ngày đầu tham dự phiên toà: "TISCO không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không yêu cầu 19 bị cáo bồi thường 830 tỷ đồng".
Thẩm phán Trương Việt Toàn trả lời: TISCO là công ty cổ phần trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà nước chiếm 68% và có đại diện vốn chủ sở hữu tại công ty. Do vậy thiệt hại này là thiệt hại của nhà nước, là tiền thuế của dân. "Đồng ý hay không đồng ý trong trường hợp này, không có ý nghĩa", thẩm phán nói.
Khi đại diện TISCO cho biết "chủ trương không yêu cầu bồi thường thiệt hại chưa được HĐQT doanh nghiệp này thông qua", thẩm phán tiếp tục chất vấn: "Đây là một số tiền rất lớn, lý do gì chưa thông qua HĐQT đã đưa ra quan điểm?". Theo luật doanh nghiệp, các quyết định liên quan quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp cổ phần đều phải được thông qua HĐQT.
Vị đại diện trả lời "Trong phạm vi uỷ quyền, tôi chỉ biết thưa như vậy. Còn lý do chúng tôi sẽ trình bày bằng văn bản".
Cùng quan điểm với TISCO, đại diện uỷ quyền của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) không yêu cầu bồi thường thiệt hại, xin giảm án cho các bị cáo. Lý do là hành vi của 19 bị cáo xuất phát từ bối cảnh dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 gặp nhiều khó khăn bởi những biến động của giá vật liệu của thị trường trong và ngoài nước.
"Mục đích thực hiện hành vi của các bị cáo xuất phát từ mong muốn và tâm huyết cháy bỏng muốn hoàn thành nhiệm vụ, đưa dự án vào hoạt động", người đại diện nói và cho rằng nhiều bị cáo là "thế hệ vàng của ngành thép Việt Nam" nay đã tuổi cao, sức yếu.
Trước đó, VKSND Tối cao, trong phần luận tội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt 19 bị cáo mức án, từ 1 đến 11 năm tù với hai nhóm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhà chức trách cáo buộc, cựu tổng giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng nắm vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội; phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả dự án. VKS đề nghị HĐXX phạt ông Mừng mức án cao nhất trong 19 bị cáo, 10-11 năm tù.
Ông Mừng bị cáo buộc đã phớt lờ những sai phạm hợp đồng của với nhà thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), đồng thời tích cực đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư gói thầu và chấp nhận nhà thầu không đủ năng lực dẫn đến dự án bị dừng, thất thoát 830 tỷ đồng.
Hai ngày 15 và 16/4, bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng, luật sư Đinh Anh Tuấn đề nghị HĐXX chuyển tội danh của ông Mừng từ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hành vi ký các văn bản kiến nghị điều chỉnh chi phí phần xây dựng của dự án, luật sư Tuấn cho rằng cần đánh giá vai trò của VNS và Bộ Công Thương, tức là những cơ quan tiếp nhận văn bản đề nghị của TISCO. Hơn nữa, việc đàm phán và ký kết phụ lục lần thứ tư điều chỉnh đơn giá diễn ra khi bị cáo Mừng đã nghỉ hưu. "Do đó, bị cáo không tham gia, không phải chịu trách nhiệm về vấn đề này", luật sư lập luận.
Thừa nhận thân chủ có sai phạm trong việc giới thiệu, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực song luật sư cho rằng, có hai lý do để hành vi của ông Mừng nên được giảm nhẹ. Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) nằm trong danh sách thầu phụ ngay từ khi MCC trúng thầu. Thứ hai, VINAINCON được cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương giới thiệu. Do đó, ông Mừng chỉ phải chịu "một phần trách nhiệm".
Trong khi đó, cựu Chủ tịch HĐQT VNS Mai Văn Tinh được luật sư Trương Anh Tú bào chữa với quan điểm việc quyết định cho MCC dừng dự án khi vi phạm hợp đồng nằm ngoài thẩm quyền của bị cáo. Tương tự với quyết định lập đoàn đàm phán với nhà thầu Trung Quốc, luật sư cho rằng "với vai trò Chủ tịch HĐQT, bị cáo chỉ thừa hành, tiếp thu chỉ đạo của bộ chủ quản và Chính phủ".
Luật sư Tú dẫn chứng, VINAINCON "rất uy tín trên thị trường", dày kinh nghiệm xây dựng các công trình lớn của đất nước. "Việc quy kết VINAINCON là nhà thầu thiếu năng lực là chưa khách quan", và ông Tinh do đó không thể bị quy kết giới thiệu nhà thầu phụ thiếu năng lực.
Cáo trạng xác định, dự án mở rộng sản xuất Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được Chính phủ phê duyệt năm 2005, tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Ngày 12/7/2007, Tổng giám đốc TISCO ký hợp đồng trọn gói, không thay đổi, có giá trị hơn 160 triệu USD với đơn vị trúng thầu MCC. Sau 11 tháng khởi công, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).
Biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, lãnh đạo TISCO vẫn ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng; chấp nhận nhà thầu phụ VINAINCON không đủ năng lực.
Ngày mai, phiên xét xử tiếp tục với phần tranh luận.
Thanh Lam