Chiều 14/4, VKSND Tối cao công bố nội dung luận tội và đề nghị mức án với 19 bị cáo, sau 3 ngày xét xử vụ án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Ông Trần Trọng Mừng, cựu tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên (TISCO), 72 tuổi, bị công tố viên đề nghị 10-11 năm tù. Người kế nhiệm ông Mừng là Trần Văn Khâm bị đề nghị với mức phạt từ 9 đến 10 năm tù.
17 bị cáo còn lại bị đề nghị từ một năm đến 9 năm tù. Các bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 830 tỷ đồng cho TISCO.
Ông Mừng bị xác định nắm vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội; phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả dự án. Đáng lẽ khi nhà thầu, Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng, bị cáo phải có trách nhiệm xem xét biện pháp dừng, chấm dứt hợp đồng với MCC, phạt hợp đồng, đảm bảo giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.
"Ông Mừng không những không thực hiện, còn chỉ đạo dàm phán với MCC để tách gói thầu phần xây dựng ra khỏi hợp đồng, đồng ý việc TISCO chịu rủi ro phát sinh, trong khi đây là trách nhiệm của MCC", nội dung luận tội nêu.
Ông Mừng cũng ký các văn bản đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh giá thầu phần dựng, đồng thời giới thiệu và chấp nhận Tổng công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ trong khi không đủ năng lực. Sai phạm của bị cáo Mừng dẫn đến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư, không ràng buộc được trách nhiệm nhà thầu về tiến độ, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Đây là một những đại án kinh tế nghiêm trọng. Các bị cáo đều có chức vụ cao, được nhà nước tin tưởng giao các trọng trách quan trọng. Song trong quá trình thực hiện dự án, 19 bị cáo để xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, lãng phí nguồn vốn đầu tư. "Nếu được đầu tư đúng đáng lẽ sẽ mang lại hậu quả cao", đại diện VKS nêu quan điểm.
Sai phạm của các bị cáo còn phát sinh nhiều chi phí, thiết bị hư hỏng. Nhiều tài sản, đất đai không được sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế. Dự án 14 năm không hoàn thành, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. "Đến nay, dự án vẫn không thể tiếp tục dù Chính phủ đã tìm nhiều biện pháp tháo gỡ", đại diện VKS nhấn mạnh.
Cáo trạng xác định, dự án mở rộng sản xuất Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được Chính phủ phê duyệt năm 2005, tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Ngày 12/7/2007, Tổng giám đốc TISCO ký hợp đồng trọn gói, không thay đổi, có giá trị hơn 160 triệu USD với đơn vị trúng thầu MCC. Sau 11 tháng khởi công, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).
Biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, lãnh đạo TISCO vẫn ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng; chấp nhận nhà thầu phụ VINAINCON không đủ năng lực.
Ngày mai, phiên toà bước vào phần tranh luận.
Thanh Lam