Tuần trước, một bé gái 6 tuổi, nhập Bệnh viện Nhi đồng thành phố trong tình trạng sốt cao ngày thứ 4, trên da lấm chấm nốt xuất huyết, mệt lả, tụt huyết áp. Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính cùng lúc Covid-19 và sốt xuất huyết. Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn, trẻ đã vào sốc, men gan cao, tiểu cầu giảm. Các bác sĩ nhanh chóng áp dụng phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết của Bộ Y tế, truyền dịch đại phân tử, truyền máu, hỗ trợ chức năng gan. Sau một tuần điều trị tích cực, trẻ dần ổn định, hồi phục sức khỏe.
Bệnh viện cũng đang điều trị một bé gái 11 tuổi bị nhiễm kép hội chứng viêm đa hệ thống (biến chứng sau khỏi Covid-19) và sốt xuất huyết. Trẻ mắc Covid-19 và đã âm tính 8 tuần trước đó. Trẻ nhập viện vì sốt cao; mắt, da, lòng bàn chân, bàn tay đỏ ửng, nổi hạch cổ. Các xét nghiệm thấy trẻ dương tính với virus Dengue gây sốt xuất huyết; máu cô đặc, tiểu cầu giảm, phản ứng viêm rất cao được xác định do hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Trong đó, sốt xuất huyết mức độ nhẹ nên được ưu tiên điều trị MIS-C. Trẻ đáp ứng điều trị, đang tiến triển tốt.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết, hai tháng gần đây đơn vị tiếp nhận điều trị gần 30 bệnh nhi nhiễm kép Covid-19 và sốt xuất huyết, cả ở TP HCM và các tỉnh lân cận chuyển đến. Tuy nhiên, thực tế, có hai tình huống xảy ra, một là trẻ nhiễm hai bệnh cùng lúc, hoặc nhiễm sốt xuất huyết sau khi đã khỏi Covid-19 và đang bị MIS-C. Do đó, có thể trẻ sẽ diễn tiến nặng bởi cả hai bệnh, hoặc bởi một bệnh tấn công mạnh hơn. Tuỳ từng trường hợp, biểu hiện triệu chứng của bệnh nào nặng, các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh đó, đồng thời thận trọng theo dõi diễn tiến bất lợi giữa các phương pháp điều trị.
"Thực tế ghi nhận virus gây sốt xuất huyết là mối nguy lớn hơn với trẻ em, khi dễ vào sốc, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, nội tạng, tổn thương đa cơ quan. Còn Covid-19 tấn công trẻ khá nhẹ, chỉ khoảng 1% trở nặng", bác sĩ Tiến nói.
Ngoài ra, có trường hợp cả hai bệnh cùng hợp lực tấn công trẻ nặng nề, song ít gặp, bác sĩ Tiến cho biết. Mặc dù vậy, đây là tình huống rất nguy hiểm cho trẻ cũng như gây khó khăn cho quá trình điều trị. Nguyên nhân là Covid-19 gây tổn thương phổi, viêm phổi làm suy hô hấp - còn sốt xuất huyết gây sốc, suy giảm chức năng hệ tuần hoàn. Khi cơ thể bị tổn thương nặng nề cả hệ hô hấp và tuần hoàn, các bác sĩ phải tính toán, cân nhắc sử dụng các thuốc, các phương pháp điều trị để tránh "khỏi bệnh này, nặng bệnh kia".
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho hay, sốt xuất huyết gây rối loạn đông máu (chảy máu), trong khi đó Covid-19 gây tăng đông (hình thành cục máu đông). Điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng đông như thông thường sẽ làm tình trạng chảy máu nặng nề hơn, nếu bệnh nhân đang bị cả sốt xuất huyết. Ngược lại, các phương pháp điều trị sốt xuất huyết bằng truyền máu, truyền dịch, huyết tương, tiểu cầu nếu bệnh nhân mắc Covid-19 đang có triệu chứng đường hô hấp, viêm phổi sẽ khiến bệnh nhân khó thở, nhanh suy hô hấp hơn.
Theo bác sĩ Tuấn, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu, dữ liệu về đồng nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết, do đó chưa thể khẳng định mức độ nguy hiểm ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, thực tế người bệnh có nguy cơ trở nặng, thậm chí tử vong cao hơn nếu hai bệnh cùng biến chứng nặng, không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, tình trạng thừa cân, béo phì, có bệnh nền cùng là yếu tố nguy cơ khiến cả hai bệnh diễn tiến nặng. Do đó, dù là người lớn hay trẻ em thì cũng không được xem nhẹ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, tránh nguy cơ dịch chồng dịch.
Miền Nam có thời tiết nóng ẩm nên dịch sốt xuất huyết lưu hành quanh năm, bùng phát mạnh vào mùa mưa, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Hiện trung bình Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 1 có 40-60 trẻ điều trị nội trú mỗi ngày. Khoảng 10% bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết, kèm tổn thương gan thận, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp... phải điều trị tích cực. Một số trẻ cùng nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết hoặc sốt xuất huyết sau khi khỏi Covid-19.
Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, nhất là đồng nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết, các chuyên gia lưu ý người dân theo dõi các triệu chứng bất thường về sức khỏe. Ngoài một số triệu chứng chung như sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi thì hai bệnh có dấu hiệu khác nhau. Nếu sốt cao đột ngột trên hai ngày, kèm xuất huyết tự nhiên như nôn ói, chảy máu mũi, máu răng; đi cầu phân đen, chảy máu âm đạo bất thường... cần đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm xem có nhiễm virus Dengue gây sốt xuất huyết không. Nếu có thêm ho, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, mất khứu giác vị giác, khó thở... cần làm xét nghiệm Covid-19.
"Người dân tuyệt đối không nên tự đoán bệnh, tự truyền dịch, uống kháng đông, kháng viêm tại nhà có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Tiến nói.
Bên cạnh đó, với phương châm "không mắc bệnh, không biến chứng", hai bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh thì cần vệ sinh sạch môi trường sống, như loại bỏ các dụng cụ chứa nước (chai lọ, vỏ dừa, lốp xe để ngửa) không tạo môi trường cho muỗi Dengue sinh sôi; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, thoa kem xua muỗi để chống muỗi đốt. Với Covid-19 thì nên tiêm chủng vaccine đầy đủ, 5K, ăn uống bổ sung dinh dưỡng, tập thể dục tăng cường đề kháng.
Thư Anh