BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết uốn ván sơ sinh là bệnh nặng do hệ thần kinh trung ương của trẻ nhiễm độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể trẻ qua rốn, nên được gọi là uốn ván rốn.
Việt Nam đã thanh toán bệnh uốn ván sơ sinh ở quy mô cấp huyện từ năm 2005, tỷ lệ mắc dưới 1/1.000 trẻ sinh ra, nhờ triển khai tiêm chủng trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm các vaccine cơ bản ở phụ nữ đang suy giảm, nhiều trường hợp trễ lịch tiêm, quên tiêm nhắc hoặc tiêm không đầy đủ, không tiêm vaccine.
Việt Nam từng ghi nhận nhiều ca mắc uốn ván sơ sinh như một bé sơ sinh tại Đắk Nông nhập viện điều trị hồi sức tích cực do mẹ tự sinh tại nhà, tự cắt rốn; người mẹ không khám thai định kỳ. Tháng 6/2022, một em bé ở Cao Bằng nhập viện do uốn ván rốn, co cứng toàn thân từng cơn, thở nhanh. Trẻ được mẹ tự sinh thường tại nhà, sau 10 ngày thì mắc bệnh.
VNVC cũng ghi nhận trường hợp gia đình ở Tuyên Quang mất con do không tiêm ngừa vaccine uốn ván thai kỳ. Gần đến ngày sinh, người mẹ đột ngột vỡ ối rồi sinh con trên đường. Em bé được cắt rốn trong điều kiện kém vệ sinh rồi tử vong vào ngày thứ 5 do mắc uốn ván rốn.
Theo bác sĩ Chính, uốn ván có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến trong thời gian ngắn. Bệnh không lây truyền từ người sang người, song trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh khi vết trầy xước hoặc vết thương tiếp xúc với trực khuẩn uốn ván (ở trẻ sơ sinh là rốn).
"Độc tố của vi khuẩn uốn ván vào máu và đi tới tổ chức thần kinh trung ương, gây co cứng và co giật. 95% trẻ mắc uốn ván sơ sinh sẽ tử vong khi không được điều trị kịp thời. Một số trường hợp mặc dù được điều trị khỏi nhưng để lại di chứng nặng nề như động kinh, kém phát triển tinh thần, trí tuệ, vận động", bác sĩ Chính cho biết.
Uốn ván có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Cách hiệu quả nhất để phòng uốn ván ở trẻ sơ sinh là tiêm vaccine uốn ván sớm và đầy đủ cho phụ nữ trước và đang mang thai. Miễn dịch của mẹ sẽ truyền cho con trong thai kỳ.
Bác sĩ Chính cho biết phụ nữ có thể tiêm vaccine uốn ván trước mang thai hoặc trong một giai đoạn nhất định của thai kỳ. Nếu thai phụ tiêm vaccine 3 trong 1 thì chỉ cần tiêm 1 mũi. Trong trường hợp chưa tiêm trước mang thai, thai phụ có thể tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
Nếu tiêm vaccine uốn ván đơn, thai phụ cần tiêm 2 mũi vaccine uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Mũi 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng và duy trì tiêm nhắc 1 mũi ở những lần mang thai sau.
Đối với trẻ sơ sinh, ở thời điểm 2-3-4 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm vaccine 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Hib, sau đó tiêm nhắc vaccine phòng bệnh uốn ván lúc 18 tháng tuổi.
Vaccine uốn ván không có tác dụng duy trì miễn dịch bền vững cả đời, cần tiêm nhắc lại sau 10 năm để duy trì nồng độ kháng thể. Trong trường hợp người dân có vết thương hở và chưa được tiêm nhắc lại trong vòng 5 năm trước đó, cần tiêm bổ sung để tránh nhiễm bệnh.
Vaccine có hiệu quả phòng uốn ván gần 100%. Đa số ca mắc uốn ván chưa tiêm chủng nào hoặc chưa tiêm nhắc lại sau 10 năm. Ngoài biện pháp tiêm chủng, thai phụ cần nghỉ ngơi đầy đủ, khám thai định kỳ, tránh đẻ rơi, tự sinh con tại nhà.
Chi Lê
Vào 9h đến 11h30 ngày 8/7, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức "Lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 6". Lớp học nhằm cung cấp kiến thức y khoa về bệnh uốn ván và tiêm vaccine cho thai phụ. Lớp học diễn ra theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với các nội dung: Sự nguy hiểm của uốn ván thai kỳ và vaccine phòng ngừa hiệu quả do BS.Trần Thị Thiện Mỹ, Bác sĩ Trưởng VNVC Lê Đại Hành chia sẻ. Dinh dưỡng cho con thông minh trong thai kỳ do ThS.BS Trần Thị Hồng Loan, Chuyên gia Dinh dưỡng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome chia sẻ. Độc giả quan tâm và tham gia có thể đăng ký miễn phí - nhận quà ngay tại đây. |