Bé Hà My (9 tuổi, Hà Nội) bị ho, sổ mũi kéo dài không dứt, dịch mũi có màu vàng xanh, ù tai. Gia đình đưa bé đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, được chẩn đoán bị bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm tai giữa.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kê đơn kháng sinh cho bé uống 10 ngày. Tuy nhiên, sau 7 ngày uống thuốc, tình trạng vẫn không đỡ, gia đình đưa bé đến bệnh viện khám lại. Hỏi kỹ tiền sử, người nhà cho biết trước thường tự mua thuốc cho bé uống, trong đó có kháng sinh, đến khi bệnh không đỡ thì mới đến bệnh viện.
Bác sĩ điều trị cho rằng bé My đã bị kháng kháng sinh do đã điều trị đúng phác đồ song bệnh không thuyên giảm. Bé phải điều trị kháng sinh đường tiêm, hấp thu qua đường tĩnh mạch để có tác dụng nhanh và mạnh hơn, mới cho kết quả tích cực. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bé Hà My đã ổn định.
Theo BS Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, dùng thuốc uống ít có tác dụng mà thường phải chuyển qua tiêm hoặc sử dụng đến các loại kháng sinh liều cao, có thể gây tác dụng phụ cho cơ thể.
Trong trường hợp của bé My, nếu bị nhiễm trùng trong thời gian tới, bé vẫn có thể sử dụng kháng sinh đường uống, phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng và sự đáp ứng của cơ thể đối với loại kháng sinh đó. Nếu gia đình tiếp tục tự mua thuốc cho bé uống, tình trạng kháng thuốc sẽ tăng lên.
Bác sĩ Thảo cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh cho rằng sử dụng kháng sinh ngay khi bị cúm là để phòng ngừa tình trạng bội nhiễm về sau. Tuy nhiên, virus cúm không chịu tác động của thuốc kháng sinh mà tấn công đường hô hấp và tạo điều kiện gây bội nhiễm. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh điều trị cúm có thể gây tiêu chảy, dị ứng.
"Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn và phải được bác sĩ kê đơn, không sử dụng khi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp thông thường", bác sĩ Thảo khẳng định cho biết.
Ngoài thuốc kháng sinh, nhiều gia đình cũng có thói quen tự sử dụng thuốc tamiflu để kháng virus khi trẻ bị cúm. Tuy nhiên, đây cũng là cách làm chưa đúng. Tamiflu là thuốc chỉ định với những bệnh nhân có nguy cơ như mắc bệnh tim, phổi, thận mạn tính, biến chứng viêm phổi. Nếu mắc cúm thông thường, người bệnh không cần dùng đến Tamiflu, gây lãng phí, nếu lạm dụng cũng có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
Do đó, khi bé mắc cúm, gia đình không tự ý mua thuốc cho bé uống do bệnh có thể tự khỏi khi được chăm sóc tốt. Người nhà nên cho bé uống đủ nước, làm sạch mũi nếu bé bị nghẹt mũi, mặc quần áo thoáng mát, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Nhà cửa, phòng ngủ cần được đảm bảo thông thoáng, nên giặt sạch chăn, ga, vỏ gối. Đồng thời, trẻ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Khi trẻ bị cúm, gia đình không nên kiêng gió bằng cách đóng kín cửa, trùm chăn kín người để toát mồ hôi. Những cách này đều có thể khiến bệnh nặng hơn do khi đóng kín cửa, không khí không thể lưu thông khiến cho virus tiếp tục gây bệnh. Việc khiến cho mồ hôi thoát ra nhiều dễ gây mất nước, người mệt mỏi và suy nhược. Trẻ cũng không nên chỉ nằm, cần vận động nhẹ nhàng để cơ thể dễ chịu hơn.
Để phòng bệnh cúm, gia đình cần hạn chế cho bé dùng chung dụng cụ, đồ chơi của người khác, tránh nơi tập trung đông người, không tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Đặc biệt, cho bé tiêm vaccine cúm đúng độ tuổi để đảm bảo phòng bệnh.
Theo BS CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, việc chủ động tiêm ngừa vaccine cho bé và gia đình là biện pháp hữu hiệu nâng cao sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh, bao gồm virus và vi khuẩn. Vaccine cúm, phế cầu, não mô cầu... là những loại vaccine cần thiết giúp phòng ngừa cúm và nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm phòng có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%. Tuy nhiên hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm chỉ kéo dài trong khoảng một năm do virus cúm có khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục. Vì vậy, trẻ em và người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine cúm mỗi năm một lần nhằm tăng cường đề kháng, phòng ngừa kịp thời chủng virus cúm đang lưu hành.
Chi Lê