Tranh của họa sĩ Việt đang được giới thiệu trong loạt phiên tháng 6 của các nhà đấu giá ở Mỹ, Hong Kong. Trên trang cá nhân, giám tuyển Ace Lê - Tổng Biên tập tạp chí Art Republik Việt Nam, đồng sáng lập nhóm giám tuyển Of Limits tại Đông Nam Á - đăng một số bức bị cho là giả vì màu sắc, bút pháp có phần "cẩu thả" như: Thiếu nữ trong vườn đề tên Lê Phổ, Divinité (Thần thánh) của Vũ Cao Đàm trong phiên June Art and Asian Sale của MorningStar, bức lụa vẽ thiếu nữ của Mai Trung Thứ từ nhà Giorgio Auctions. Bức Untitled đề tên Nguyên Khai, sáng tác năm 1969, trong phiên của Bonhams nhưng họa sĩ khẳng định đó không phải tranh của ông.
Trước đó, cuối năm 2021, Sotheby's Hong Kong gỡ bức bình phong L'image traditionnelle d'une maison de paysan (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ vì nghi vấn tranh giả. Hồi tháng 9/2019, Sotheby’s cũng rút hai bức Lá thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái (Trần Văn Cẩn) vì lý do tương tự.
Tranh Việt bị nghi vấn làm giả trên sàn đấu giá quốc tế hàng chục năm nay. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhận định khi Lê Phổ trở thành họa sĩ Việt đầu tiên đạt mốc triệu USD cũng là lúc nguy cơ tranh giả tăng trên thị trường. Trong đó chủ yếu là tác phẩm thời Đông Dương vì giá cao, các họa sĩ phần lớn đã mất và không có nhiều giấy tờ chứng thực. Theo Phạm Long, nhiều phiên còn bán tranh phỏng theo - tức sáng tác theo phong cách của họa sĩ rồi đề tên họa sĩ. "Cái này mới thực sự nguy hiểm, làm cho uy tín tác giả đi xuống, thị trường tan hoang và không cách nào kiểm soát được", anh nói.
Giám tuyển Ace Lê cho rằng nhà đấu giá nào cũng vướng nghi vấn tranh giả, chỉ là ít hay nhiều. Những năm gần đây, hiệu ứng truyền thông khiến mỗi khi tác phẩm lên sàn được giới chuyên môn, công chúng trong nước quan tâm. Vì vậy, tranh giả được phát hiện ngày càng nhiều. Ace Lê nhiều lần đăng bài trên trang cá nhân, gửi email tới các sàn khi phát hiện tác phẩm nghi giả.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng những bức vẽ méo mó về tinh thần, ngây ngô về bút pháp, màu sắc khiến nhà sưu tập e ngại tác giả đó. Thậm chí, bảo tàng các nước cũng sẽ đánh giá lại tranh từng mua và loại dần ra khỏi bộ sưu tập của họ. "Thị trường cứ tưởng đi lên nhưng thực chất đi xuống, sẽ phá hoại uy tín nền mỹ thuật nước nhà. Người ta không tin vào tác phẩm của danh họa Đông Dương và không xuống tiền đầu tư", ông Khôi nói.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng có đường dây sản xuất tranh giả ở trong nước rồi đưa lên ra quốc tế để bán. Phạm Long nói: "Nhiều tác phẩm, người nước ngoài không thể vẽ với phong cách, tinh thần như vậy được. Ví dụ, tranh sơn mài giả có một số kỹ thuật mà chỉ người Việt mới có thể làm".
Tác phẩm giả xuất hiện nhiều do kiểm định của các sàn, phản ứng từ nhân thân họa sĩ, giới chuyên môn hay chế tài trong nước còn yếu. Theo Ace Lê, về công tác kiểm định, các thương hiệu lớn như Sotheby's, Christie's, Bonhams sẽ thuê chuyên gia riêng về tranh Việt hoặc gộp vào mảng tranh Đông Nam Á, châu Á. Với sàn nhỏ hơn, một người phải phụ trách nhiều mảng, cả hội họa lẫn đồ cổ. Ngoài ra, hầu hết chuyên gia không biết tiếng hay được đào tạo về văn hóa Việt, dẫn tới nhiều lỗi sai khi đánh giá tác phẩm. "Tôi từng có bài phân tích những lỗi sai rất cơ bản của ông Jean-Francois Hubert - cố vấn cao cấp tại Christie’s, trong những bài luận về tranh Đông Dương cho sàn này", anh nói.
Nhiều sàn gộp tranh Việt và Trung Quốc vào nhóm châu Á rồi đưa cho chuyên gia mảng nghệ thuật Trung Quốc kiểm định. Họ không đọc, không hiểu được chữ Nôm, dẫn đến nhầm lẫn như tranh Trần Tấn Lộc thành Trần Bình Lộc, Dung Đoan ghi là Lương Xuân Nhị của sàn Aguttes.
Hiện nay, một số sàn bắt đầu liên lạc chuyên gia Việt Nam nhờ thẩm định trước. Ace Lê cho biết dựa trên thông tin được cung cấp, anh sẽ tư vấn cho họ ba yếu tố cơ bản: Lai lịch, thị giác và giám định pháp khoa. Khi có phản hồi, họ sẽ rút tranh sớm. "Nhưng cũng có nhiều nhà đấu giá vì lợi nhuận mà bất chấp ý kiến chuyên gia", anh nói.
Cá nhân, thân nhân họa sĩ có xu hướng ngại đụng chạm, nhất là với tổ chức ở nước ngoài. Họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai Tô Ngọc Vân - cho biết năm 2019, bức Lá thư của cha ông trên sàn Sotheby's Hong Kong bị giới chuyên môn cho là giả. Ban đầu, họa sĩ định im lặng vì "ngại phiền phức, không giải quyết được gì". Sau khi cân nhắc, ông kết hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số cơ quan truyền thông, gửi thông tin tới nhà đấu giá. Cuối cùng, tranh được rút khỏi phiên đấu. "Thực ra tôi chỉ xác nhận là ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có bức tương tự của ông Tô Ngọc Vân. Chứ tôi không biết bức đó thật hay giả vì ngày trước chiến tranh, có trường hợp bảo tàng cho chép tranh để bảo quản", ông nói.
Cuối năm 2021, khi bức L'image traditionnelle d'une maison de paysan bị phát hiện là giả, gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cho biết không có ý định liên hệ Sotheby's, chỉ muốn thông tin sự việc đến công chúng. Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói chỉ có trách nhiệm xác thực tác phẩm gốc, không phản hồi với nhà đấu giá. Ace Lê nói: "Hầu hết tranh được bán ở nước ngoài, khi có vấn đề phải lệ thuộc vào luật của nước sở tại như Pháp, Mỹ, Hong Kong... Không phải ai cũng nắm được luật, có đủ khả năng và tài nguyên để xử lý".
Theo ông Ngô Kim Khôi, rất khó để đánh giá tranh khi không được chiêm ngưỡng trực tiếp hoặc không biết chủ tác phẩm là ai. Vì vậy, đôi khi không đủ bằng chứng gửi nhà đấu giá để yêu cầu họ rút tranh. Pierre Le-Tan - con trai danh họa Lê Phổ - nhiều lần gửi thư đến các sàn khi phát hiện tranh giả đề tên cha, vì có tính nhân thân, chứng cớ xác thực.
Thị trường trong nước cũng gặp phải vấn đề tương tự. Theo giới chuyên môn, Việt Nam thiếu khung luật, chế tài xử lý vi phạm tác quyền trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2016, 15 trong số 17 bức tại triển lãm Những bức tranh từ châu Âu trở về ở TP HCM được kết luận là tranh giả. Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung phản hồi rằng tin tưởng vào ông Jean François Hubert - người bán 17 tác phẩm này cho ông. Jean François Hubert là chuyên viên thẩm định tranh Việt Nam của Christie’s Hong Kong. Sau khi thành lập tổ chuyên môn điều tra, kết luận, nhà sưu tập được đem tranh về. Nhà báo Lý Đợi - người gắn bó lâu năm trong lĩnh vực hội họa - nói: "Vì không có khung pháp lý nên cuối cùng mọi thứ cũng như không. Chẳng ai biết giờ những bức tranh giả đó đi đâu, về đâu".
Đấu giá là cuộc chơi thuận mua, vừa bán, vì vậy chuyên gia khuyến cáo người mua cẩn trọng. Theo Lý Đợi, nhà sưu tập hãy trở thành người tiêu dùng thông thái. Ngoài hiểu biết của bản thân, hãy kiểm tra chéo, tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi ra giá. Ace Lê nói: "Chừng nào người mua còn sẵn sàng chi tiền, bất chấp những bài viết, nghi vấn của giới chuyên môn, thì tranh giả vẫn còn đất để hoành hành".
Hiểu Nhân