Nhà đấu giá thông báo trên website hôm 5/10: "Sotheby’s nhận thức được những lo ngại về tính xác thực của tác phẩm L'image traditionnelle d'une maison de paysan (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Chúng tôi sẽ rút tác phẩm này khỏi phiên đấu giá và điều tra thêm".
Trong hạng mục Ngày giảm giá nghệ thuật hiện đại 10/10, Sotheby’s vẫn đăng hình ảnh, chú thích về tác phẩm nhưng bỏ thông tin về giá kèm ghi chú: "Lô này đã rút khỏi phiên đấu giá".
Họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nói rất vui khi tranh không phải của cha chị được gỡ xuống. "Nhờ ý kiến của giới chuyên môn và truyền thông, nhà đấu giá đã có phản hồi đúng đắn. Tôi hy vọng trường hợp này không tái diễn", chị nói.
Trước đó, Sotheby’s đăng bán bức bình phong sơn mài gỗ đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ với mức giá dự kiến 700.000-1.000.000 HKD (2-2,9 tỷ đồng). Ở phần ghi chú, họ viết: "Tác phẩm này tương đương bức Nhà tranh gốc mít (1958) của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội". Chị Bình Minh khẳng định tác phẩm do Sotheby’s đấu giá là giả. Bố chị chỉ sáng tác Nhà tranh gốc mít, kích thước 67x105 cm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Hồi tháng 9/2019, Sotheby’s Hong Kong rút hai bức Lá thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái (Trần Văn Cẩn) khỏi phiên đấu giá vì bị cho là tranh giả. Bức Family Life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ cũng bị giới chuyên môn nghi là tranh giả dù bán với giá 1,1 triệu USD.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 11. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các bức sơn mài: Nhà tranh gốc mít - 67x105cm (1958), Du kích Bắc Sơn- 86x121cm (1958), Bắc Nam một nhà - 86x56cm (1961).
Hiểu Nhân