Bác sĩ Lê Tiểu My, Bệnh viện Mỹ Đức TP HCM, cho biết phụ nữ có con muộn ngày càng nhiều. Trì hoãn sinh con có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như học hành, phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội, đi đây đi đó ngắm thế giới...
Theo bác sĩ My, về mặt y học, thai phụ từ 35 tuổi trở lên mang thai lần đầu sẽ được chẩn đoán "con so lớn tuổi". Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm từ 32 tuổi, sau 37 tuổi sẽ "tuột dốc không phanh". Số lượng trứng, chất lượng trứng giảm, tỷ lệ trứng bất thường tăng. Tuổi tác gia tăng có thể kéo theo nguy cơ nhân xơ, lạc nội mạc tử cung, ảnh hưởng chuyện mang thai, sinh nở.
Mang thai 35 tuổi là thời điểm đánh dấu cột mốc tăng huyết áp thai kỳ. Tăng huyết áp, tiểu đường thường tác động trực tiếp đến bánh nhau, sự phát triển của thai nhi. Mẹ lớn tuổi còn kéo theo nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh cao hơn so với khi trẻ tuổi. Ở tuổi 20, tỷ lệ này khoảng 1/525, khoảng tuổi 30 tuổi là 1/385, lên 35 tuổi là 1/200 và 40 tuổi là 1/65.
Phụ nữ lớn tuổi khi thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể mang đa thai, làm tăng nguy cơ sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật... Khả năng mổ lấy thai ở thai phụ lớn tuổi cũng nhiều hơn, đi kèm theo các nguy cơ, tai biến phẫu thuật tăng hơn.
Khi mang thai sau tuổi 35, ngoài khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm thường quy, cần nghiêm túc thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật, tầm soát bất thường ở thai nhi.
Nếu có thai muộn, để mẹ và thai nhi khỏe mạnh hơn, cần khám sức khỏe trước khi mang thai. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh. Uống 0,4 mg acid folic mỗi ngày, ít nhất một tháng trước có thai và trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ. Tập thể dục, giảm cân nếu dư cân, béo phì. Không hút thuốc, không uống rượu. Tìm hiểu về hóa chất độc hại trong môi trường sống và làm việc để hạn chế khả năng tiếp xúc.
"Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Không nên lên án, làm tổn thương mà cần hỗ trợ, giúp đỡ những phụ nữ có con muộn. Có nhiều người đến độ tuổi nào đó, bản năng trỗi dậy mới muốn có đứa con để ôm ấp, yêu thương, nuôi nấng, dạy dỗ", bác sĩ My chia sẻ.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM, cho biết tuổi có thai tốt nhất ở phụ nữ là dưới 30 tuổi. Nếu trễ hơn, hãy cố gắng có con trước 35 tuổi. Sau 35 tuổi, nếu sau 6 tháng cố gắng mà chưa có thai, nên khám và điều trị tích cực, không chờ đợi. Muốn có con sau 40 tuổi là rất khó, dù đa số phụ nữ chu kỳ kinh vẫn còn đều đặn. Khả năng có con của phụ nữ thường chấm dứt khoảng 5-7 năm trước khi mãn kinh (trước 45 tuổi).
Không ít người có con lần đầu dễ dàng, sau một thời gian lâu mới tính có con lại, nghĩ rằng khả năng có thai cũng dễ dàng như trước. Nhiều người cho rằng nếu kinh nguyệt còn đều và đi siêu âm thấy nang noãn, là vẫn còn có khả năng có con dù đã trên 35-40 tuổi. Đây là quan niệm sai lầm, khiến nhiều phụ nữ bỏ qua thời điểm can thiệp sớm để có thai.
Theo bác sĩ Tường, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) không giúp buồng trứng có nhiều trứng hơn được, cũng không làm chất lượng noãn tốt hơn. Các biện pháp điều trị hiện đại chỉ giúp tận dụng tốt nhất khả năng còn lại của buồng trứng để có thể có con. Nếu lớn tuổi, buồng trứng suy yếu, thường phải xin trứng để có con.