Minh Quang (TP HCM) chạy xe tay côn Yamaha Exciter đời cũ, không phanh ABS trên đèo Bảo Lộc đi Đà Lạt. Đến đoạn xuống dốc, anh âm côn (cắt côn) để xe thả trôi, đến khúc cua gắt, anh phanh gấp, xe trượt bánh và đổ xuống đường. May mắn Quang chỉ trầy xước nhẹ, đường vắng, xe không trôi xuống vực.
Một số người hay có thói quen "âm côn", bằng cách nhấn sâu cần số và giữ chân lại (trên xe số), hoặc bóp hết tay côn trên xe côn tay, lúc này xe không bị ghìm bởi động cơ nên trôi theo quán tính, cho cảm giác lướt và nhanh hơn. Tuy nhiên, đây lại là thói quen nguy hiểm.
Côn (ly hợp) trên xe máy có tác dụng ngắt truyền động từ hộp số tới bánh xe, vì vậy khi cắt côn, xe không còn bị hãm lại bởi động cơ, qua đó cụm phanh chính cần lực bóp mạnh hơn, thời gian lâu hơn để xe có thể dừng. Điều này có thể khiến xảy ra hiện tượng trượt bánh khi bóp cứng phanh quá lâu, tài xế mất kiểm soát xe, gây tai nạn.
Theo các chuyên gia lái xe an toàn, việc âm côn sẽ khiến người lái khó làm chủ được xe hơn vì lúc này xe trôi hoàn toàn tự do, khiến quãng đường phanh dài hơn trong những tình huống khẩn cấp. Động cơ trên xe khi hoạt động không chỉ dùng để tăng tốc, mà còn để hỗ trợ giảm tốc một cách an toàn. Khi tài xế buông tay ga, chuyển về số thấp, động cơ sẽ "gầm lên", tài xế sẽ cảm nhận rõ xe được ghì lại mà không cần bóp phanh.
Phanh bằng động cơ sẽ giúp giảm tải áp lực lên cụm phanh chính. Do đó, khi vận hành xe số hoặc môtô, chủ xe cần lưu ý không nên lạm dụng việc âm côn, vì một khi thói quen này trở nên khó bỏ, khi gặp tình huống bất ngờ và cần dừng khẩn cấp, chủ xe có thể không dừng lại kịp thời vì xe trôi quá nhanh, ít lực hãm lại và gây ra tai nạn.
Cách giảm tốc độ đúng bao gồm nhả ga, bóp côn, chuyển về số thấp, nhả côn, rà phanh với một lực vừa đủ.
Tân Phan