Hồng Nhung (TP HCM) đi siêu thị mua nhiều thực phẩm bằng xe máy, treo đủ mọi chỗ trên xe, gồm cả hai tay lái. Trên đường về, đến khúc cua, Nhung cảm thấy xe bị hẫng ga một lúc rồi vọt mạnh lên, dù không vặn tay lái. Cô giật mình và mất thăng bằng, may mắn không ngã.
"Lúc đầu tôi không biết, tưởng tay ga bị lỗi, đến đoạn đường tiếp theo tôi phanh gấp, giỏ hàng trên hai tay lái đung đưa mạnh tôi mới biết do túi hàng khiến tay ga chập chờn", Nhung chia sẻ.
Hiện tượng vù ga nói trên xảy ra khi có vật cản tác động vào tay ga hoặc phanh, gây ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động của xe. Lý do vì khi treo túi nặng ở vị trí này, chuyển động của xe khiến túi đung đưa, từ đó khiến tay ga bị dịch chuyển ngoài ý muốn.
Bên cạnh treo đồ trên tay lái, một thói quen khác dễ khiến kẹt tay ga là mặc áo mưa trùm sai cách. Áo mưa dạng cánh dơi nếu trùm qua gương hậu, tay lái của xe máy có thể làm che đèn xe, gây vướng víu, hoặc hạn chế tầm đánh lái. Trong một số trường hợp, áo mưa có thể bị cuốn vào bánh xe, từ đó khiến tay lái bị kéo theo, gây mất lái và dẫn đến tai nạn.
Chính vì thế, khi lái xe, tài xế không nên treo hoặc gắn những thứ có thể cản trở tay lái, đó có thể là hàng hóa, dây sạc điện thoại, áo mưa. Nếu có hàng hóa, túi cần chở, cách an toàn nhất là gắn ở những vị trí có móc.
Đa số các xe hiện nay được trang bị nhiều móc, bao gồm móc bên ngoài và hai móc mũ bảo hiểm bên dưới cốp. Có thể tận dụng móc mũ bảo hiểm để treo đồ, thay vì treo trên tay lái. Nếu cần chở nhiều và thường chuyên, nên trang bị thêm các thùng chuyên dụng.
Cuối cùng, khi mặc áo mưa không nên để vạt áo che phủ đèn và cụm tay lái. Cách an toàn nhất là lựa chọn áo mưa bộ, bao gồm áo dài tay và quần, vì dạng trang phục đi mưa này gọn gàng nhất, không gây vướng víu khi lái xe. Dạng áo mưa cánh dơi tuy có lợi thế về sự nhanh gọn, tiện lợi khí mặc vào, cởi ra, nhưng có thể gây vướng.
Hồ Tân