Vụ nổ 2.750 tấn amoni nitrat tại cảng Beirut tuần trước khiến thủ đô Lebanon chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt ở các khu phố Gemmayzeh và Mar-Mikhael, cách cảng một đoạn ngắn. Cả hai khu phố này đều là nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc lịch sử.
Sarkis Khoury, người đứng đầu bộ phận cổ vật tại Bộ Văn hóa Lebanon, báo cáo tại một cuộc họp trực tuyến về điều phối phản ứng tuần này rằng ít nhất 8.000 tòa nhà bị ảnh hưởng do vụ nổ.
"Trong đó có khoảng 640 tòa nhà lịch sử, 60 tòa nhà trong số đó có nguy cơ sụp đổ", Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hôm nay cho biết trong một tuyên bố. "Khoury cũng nói về tác động của vụ nổ đối với các bảo tàng lớn cũng như các không gian văn hóa, phòng trưng bày và các địa điểm tôn giáo".
"Cộng đồng quốc tế đã gửi tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ tới Lebanon sau thảm kịch này. UNESCO cam kết dẫn đầu phản ứng trong lĩnh vực văn hóa, vốn là một phần quan trọng trong các nỗ lực tái thiết và phục hồi rộng lớn hơn", Ernesto Ottone, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Văn hóa, cho hay.
Trước khi vụ nổ xảy ra, ngày càng có nhiều lo ngại với tình trạng các di sản ở Beirut do tình trạng xây dựng tràn lan và thiếu bảo tồn các tòa nhà lịch sử trong thành phố đông đúc. UNESCO cho biết Khoury "nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp can thiệp chống thấm và củng cố cấu trúc khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại thêm do mùa mưa đang đến gần".
Vụ nổ cảng Beirut khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, hơn 7.000 người bị thương và 300.000 người mất nhà cửa. Tổng thống Michel Aoun ngày 13/8 nói thiệt hại ước tính lên đến 15 tỷ USD.
Nhiều người dân Lebanon đã đổ xuống đường biểu tình phản đối chính quyền sau vụ nổ. Chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab đã từ chức hồi đầu tuần, song vẫn chưa xoa dịu được làn sóng phẫn nộ của người dân.
Huyền Lê (Theo AFP)