TP HCM đang trong đợt nắng nóng, nhiệt độ lên tới 34-35 độ C, dễ gây say nắng, say nóng nếu ở ngoài trời quá lâu. Những ngày qua, hàng trăm người bị say nắng phải cấp cứu khi chờ chiêm bái xá lợi Đức Phật ở chùa Thanh Tâm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Ngành y tế bố trí lực lượng thường trực cả ngày lẫn đêm, trang bị đầy đủ dụng cụ cấp cứu cần thiết, để hỗ trợ người dân đến chiêm bái.
Theo BS.CK1 Khuất Hoàng Sơn, Phó Khoa Cấp cứu ngoài bệnh viện, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, với mật độ tập trung đông, người dân chờ xếp hàng dài dưới thời tiết nắng nóng tạo nên nguy cơ cao bị sốc nhiệt ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Hội chứng say nắng, say nóng là tình trạng rối loạn cân bằng nước, điện giải toàn thân, rối loạn điều hòa thân nhiệt do nắng nóng, từ đó dẫn tới những rối loạn bệnh lý khác. Tình trạng này thường xảy ra vào mùa hè, tại nơi làm việc ngoài trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng ẩm mà không có các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Theo bác sĩ Sơn, say nắng, say nóng ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ choáng váng, biểu hiện chuột rút co cơ. Mức độ vừa sẽ gây kiệt sức do nóng, mất khả năng gắng sức, trạng thái tâm thần kinh bình thường. Với mức độ nặng, người bệnh đột quỵ do nóng, tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C kèm theo các biểu hiện rối loạn hệ thống thần kinh trung ương như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, rối loạn tâm thần, thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng nếu không được cấp cứu kịp thời
Cụ thể, thời gian đầu, cơ thể người bệnh còn cố gắng điều chỉnh nên có dấu hiệu vã mồ hôi. Sau đó, da nóng và khô. Một số triệu chứng sớm gồm mệt, đau đầu, đau cơ, chuột rút, mặt đỏ bừng, nôn ói và tiêu chảy. Người bệnh có thể tiến triển rối loạn tim mạch (rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp), rối loạn hô hấp (khó thở, thở gấp, suy hô hấp cấp), hành vi và biểu cảm thất thường (mệt mỏi, lo lắng, cáu kỉnh, nói lắp, run rẩy), rối loạn thần kinh trung ương (choáng váng, hoa mắt, cơn co giật và hôn mê).
Nếu mức độ nhẹ, cơ thể có thể tự hồi phục sau khi được nghỉ ngơi chỗ mát. Với mức độ vừa, cơ thể phục hồi sau khi được bù đủ nước, điện giải và nghỉ ngơi tránh nắng nóng. Trường hợp mức độ nặng, nếu xử trí cấp cứu đúng cách, đưa nhiệt độ cơ thể xuống dưới 39 độ C trong 30 phút đầu sẽ tăng khả năng cứu sống nạn nhân và hạn chế các di chứng.
Khi phát hiện người bị say nắng, say nóng, cần nhanh chóng đưa đến chỗ thoáng mát, cởi bỏ quần áo ngoài, làm mát cơ thể. Gọi hỗ trợ xung quanh và hỗ trợ y tế nếu nạn nhân không tỉnh. Người say nắng, say nóng mức độ nặng cần hạ nhiệt cơ thể bằng chườm mát, nếu nhiệt độ cơ thể trên 40 thì cởi bỏ quần áo, ngâm cơ thể trong nước lạnh dưới 20 độ trong vòng 20 phút, đồng thời chuyển nạn nhân về cơ sở y tế gần nhất.

Các vị trí làm mát cơ thể khi sơ cứu cho nạn nhân (mức độ nhẹ và vừa). Ảnh: Examiner
Bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa say nắng, say nóng để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ xảy ra các biến cố nghiêm trọng. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, bổ sung đầy đủ nước trong thời tiết nắng nóng.
Hạn chế làm việc và di chuyển dưới thời tiết nắng nóng, nếu cần thiết phải đi thì cần chuẩn bị kỹ như bôi kem chống nắng, đội ô hoặc che nón, đặc biệt che phần gáy cổ, mặc quần áo dài sáng màu thoáng khí để tránh hấp thụ nhiệt, mang đủ nước uống, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Người lao động ngoài trời phải mang bảo hộ lao động.
Tăng cường hoạt động thể chất rèn luyện sức khỏe ở mức không quá sức, có kế hoạch và nội dung luyện tập, thi đấu phù hợp với địa hình, thời tiết. Theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện các chỉ số bất thường của cơ thể như huyết áp cao, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, đái tháo đường... Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân khi chờ chiêm bái xá lợi Đức Phật nên mang theo nón, ô che nắng, nước uống, thức ăn nhẹ. Người có bệnh mạn tính cần uống thuốc theo đúng chỉ định. Không chen lấn, xô đẩy khi tham gia hành lễ để tránh té ngã, chấn thương. Nếu cảm thấy mệt, chóng mặt, nên báo ngay với người đi cùng, tìm chỗ mát nghỉ ngơi và liên hệ tình nguyện viên hoặc lều y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Lê Phương