Trong khi một số vaccine đã chứng minh hiệu quả trong thử nghiệm giai đoạn cuối, bao gồm vaccine Pfizer-BioNTech đang được sử dụng ở Mỹ, Anh và Canada, các cơ quan quản lý tại châu Á - Thái Bình Dương đang có những bước đi thận trọng, có nước dự định tiêm chủng vài tuần sau, nhưng cũng có những nước đến 6 tháng cuối năm 2021 mới bắt đầu.
Tại Nhật Bản, nơi việc tiêm vaccine dự kiến bắt đầu cuối tháng 2/2021, Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thu thập dữ liệu về tác động của vaccine với người Nhật thay vì chỉ dựa vào kết quả thử nghiệm ở nước ngoài.
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison không hối hả triển khai Pfizer-BioNTech mà đang theo dõi diễn biến ở Anh và Mỹ. Ông nhấn mạnh cần có "sự tin tưởng tuyệt đối" vào bất kỳ vaccine nào.
Việt Nam, một trong những nước kiểm soát dịch thành công ở châu Á, ưu tiên các biện pháp kiềm chế virus và đăng ký mua vaccine từ Nga và Anh.
Ngày 14/12, Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phê duyệt Pfizer-BioNTech. Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine có hiệu quả 95%. Họ bắt đầu tiêm chủng Covid-19 vào ngày 30/12 với nhóm đầu tiên là các nhân viên y tế tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NCID).
Các vaccine nổi tiếng khác đang chờ phê duyệt bao gồm vaccine của Moderna và Oxford-AstraZeneca, cho hiệu quả lần lượt là 95% và 62-90%. Sinovac của Trung Quốc được thông báo có kết quả khả quan nhưng chưa có thông tin chi tiết.
Việc các quốc gia sử dụng vaccine nào sẽ phụ thuộc vào những thỏa thuận ký kết với các nhà sản xuất và Covax Facility, sáng kến do WHO tài trợ để đảm bảo tiếp cận công bằng cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Các chính phủ cũng phải cân nhắc đến vấn đề chi phí, yêu cầu bảo quản và nhận thức của công chúng.
"Chi phí là vấn đề lớn có thể khiến một số nước không có được loại vaccine họ muốn. Khoản này không chỉ bao gồm giá vaccine mà còn cả chi phí cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc bảo quản và phân phối", John Siu Lun Tam, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bách khoa Hong Kong, nói.
Bất chấp những nỗ lực của Covax, vẫn có lo ngại rằng các quốc gia có thu nhập thấp hơn trong khu vực bị bỏ lại phía sau.
Ở Đông Nam Á, các quốc gia đang phải đối mặt với vô số thách thức liên quan đến chi phí, lưu trữ và phân phối. Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đã tuyên bố sẽ dẫn đầu việc triển khai vaccine ở khu vực sông Mekong bằng cách nhận chuyển giao công nghệ của Oxford-AstraZeneca để tự sản xuất hàng triệu liều như "một sản phẩm công cộng" cho các nước láng giềng.
Myanmar, Lào và Campuchia chủ yếu phụ thuộc vào cam kết của Covax là cung cấp 20% số liều cần thiết với giá thấp, hoặc mua vaccine của Nga và Trung Quốc. Campuchia được cho là đang cân nhắc mua vaccine Nga vì mức giá phải chăng, ngoài một triệu liều họ đảm bảo được thông qua Covax. Tại một phiên họp gần đây của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã kêu gọi nước giàu giúp nước nghèo có vaccine với giá cả phải chăng.
Tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN rằng nước này sẽ thực hiện "các hành động thiết thực để làm cho vaccine có giá cả phải chăng và sẵn có".
Indonesia đã có 125,5 triệu liều vaccine Sinovac, trong khi Philippines đang cân nhắc mua 20 - 50 triệu liều và Singapore đã đặt hàng với số lượng chưa rõ. Cũng có thông tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile đã đặt mua hàng từ công ty, trong khi UAE và Bahrain đã cấp phép sử dụng.
Mặc dù tự định vị là quốc gia dẫn đầu khu vực về triển khai vaccine, Thái Lan mới chỉ đặt mua 26 triệu liều, đủ để tiêm chưa đến 20% dân số, thông qua hợp đồng trị giá 80 triệu USD cho vaccine Oxford-AstraZeneca. 26 triệu liều dự kiến được bàn giao vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau. Thái Lan đặt kỳ vọng vào vaccine rẻ hơn được sản xuất trong nước của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nơi dự kiến thử nghiệm trên người từ tháng 4 năm sau.
Việt Nam cũng đặt kỳ vọng vào vaccine sản xuất nội địa, khi 4 công ty trong nước đang phát triển vaccine. Vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y ngày 17/12 bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một trên người. Nanocovax dự kiến có giá 120.000 đồng (5,17 USD) cho mỗi mũi tiêm, so với mức 8-74 USD của vaccine Oxford-AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna.
Andrea Taylor, từ Viện Y tế Toàn cầu Duke ở Durham, Bắc Carolina, cho biết các quốc gia có thu nhập cao đã mua hơn một nửa lượng liều vaccine trên thế giới thông qua các thỏa thuận mua sớm, dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới.
"Hiện nhiều quốc gia thu nhập thấp hơn, bao gồm các nước châu Á - Thái Bình Dương, đang phải đối mặt với khoảng cách lớn về tỷ lệ vaccine trên dân số", Taylor cho biết.
"Chúng tôi ý thức được rằng việc tiếp cận vaccine không công bằng sẽ dẫn đến tình hình tồi tệ hơn, cả về y tế và suy thoái kinh tế. Các nước thu nhập cao phải đối mặt với khoản thiệt hại GDP tổng cộng 120 tỷ USD nếu các nước thu nhập thấp hơn không được tiêm chủng", Taylor nói.
Jerome Kim, người đứng đầu Viện vaccine quốc tế ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết phân phối công bằng là vấn đề rất đáng quan tâm, nhưng ông dự đoán vaccine sẽ trở nên phổ biến từ quý II năm 2021. Vaccine Trung Quốc và Nga có thể được cung cấp thông qua Covax, miễn là chúng được WHO phê duyệt để cho vào chương trình.
"Lượng vaccine sẵn có có thể phụ thuộc vào khả năng cung cấp của các nhà sản xuất, sự tham gia của Covax và sự hỗ trợ toàn cầu cho Covax Facilit", Kim nói. "Nếu không, việc triển khai vaccine trên thế giới sẽ không đồng đều, ca nhiễm trùng và tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng lên".
Kể cả khi có nguồn cung vaccine đầy đủ, một số quốc gia có thể đối mặt thách thức hậu cần rõ rệt. Thiết bị lạnh để bảo quản vaccine, đặc biệt là vaccine Pfizer-BioNTech, loại yêu cầu bảo quản ở -80 độ C, có thể là trở ngại lớn.
Tại Ấn Độ, nhiều lo ngại được đặt ra về nguồn nhân lực để tiêm chủng cho hơn 1,3 tỷ dân. Các chuyên gia y tế công cộng ở địa phương bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch của chính phủ là huy động 154.000 trong số 239.000 hộ sinh cho chiến dịch tiêm chủng.
T. Sundararaman, điều phối viên nhóm vận động Phong trào Sức khỏe Nhân dân, cho biết những nhân viên y tế này rất cần thiết để thực hiện các chương trình tiêm chủng hiện có, khám thai, chăm sóc người sinh tại nhà và các chương trình kế hoạch hóa gia đình. "Vì vậy, việc để họ tham gia chương trình tiêm chủng sẽ gây ảnh hưởng đến chương trình khác".
Nhóm chuyên gia do chính phủ chỉ định đã hứa hẹn "mọi người Ấn Độ cần được tiêm chủng đều sẽ được tiêm chủng". Giới chức nhấn mạnh nhóm được ưu tiên tiêm trước là 10 triệu nhân viên y tế, 20 triệu nhân viên tuyến đầu, bao gồm cảnh sát và nhân viên khắc phục thảm họa cùng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền.
Mặc dù New Delhi chưa đưa ra khung thời gian cụ thể để bắt đầu tiêm chủng, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan cho biết họ có thể bắt đầu vào tháng một nếu các quy trình an toàn được đáp ứng. Trong khi đó, một số quan chức chính phủ trông đợi nhiều hơn vào vaccine nội địa, gồm Covaxin, được phát triển bởi Bharat Biotech International Limited cùng với cơ quan nghiên cứu y sinh học liên bang.
Tại Philippines, Carlito Galvez Jnr, người đứng đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 của nước này, ước tính việc tiêm cho 60-70 triệu người Philippines, tức 60-70% dân số, có thể mất 3-5 năm, dựa trên giả định giới chức có khả năng tiêm chủng 20-30 triệu người mỗi năm.
Một số chính phủ trong khu vực có thể phải đối mặt với sự nghi ngờ của công chúng về các loại vaccine mới, đặc biệt là những vaccine từ Trung Quốc và Nga. Bayu Satria Wiratama, nhà dịch tễ học tại Đại học Gadjah Mada, đại học lớn nhất Indonesia, cho biết sự nghi ngại của công chúng đang gia tăng do chính phủ phụ thuộc vào vaccine Trung Quốc.
"Sinovac chưa công bố kết quả về độ hiệu quả nhưng chính phủ Indonesia đã mua rồi. Vì vậy điều này thúc đẩy các thuyết âm mưu", Wiratama nói.
Masayuki Miyasaka, giáo sư danh dự về miễn dịch học tại Đại học Osaka, cho biết nhiều người Nhật "lo lắng về tác dụng phụ". Năm 2013, nước này đã ngừng khuyến nghị tiêm vaccine HPV vì ghi nhận các trường hợp có tác dụng phụ nghiêm trọng, trong khi WHO mô tả đây là cáo buộc không có cơ sở.
"Đang có thông tin rằng hàng trăm người đã tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Pfizer ở Nhật Bản. Nhưng tôi không nghĩ rằng con số này là đủ để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Tôi không chắc Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào", Miyasaka cho biết.
Tam, chuyên gia về vaccine tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết trong khi vấn đề kháng vaccine và chủ nghĩa dân tộc vaccine là những mối lo ngại, vẫn có lý do để lạc quan.
"Chương trình Covax của WHO hy vọng có thể vượt qua rào cản này bằng cách đưa ra khuyến nghị dựa trên cơ sở khoa học và y tế", Tam nói. "Tâm lý phản đối tiêm chủng có thể không đáng kể, đặc biệt là ở châu Á, vì Covid-19 đã gây ra gián đoạn quá lớn đến công việc và cuộc sống của của người dân toàn thế giới".
Phương Vũ (Theo SCMP)